Chuyển biến từ mô hình ''Nói không với tảo hôn''

04:09, 07/09/2021

Bảo Thuận là xã vùng khó của huyện Di Linh, đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm trên 94% dân số của toàn xã...

Bảo Thuận là xã vùng khó của huyện Di Linh, đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm trên 94% dân số của toàn xã. Do nhận thức còn hạn chế, nên những năm qua tình trạng tảo hôn ở một số thôn trong xã vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Từ khi triển khai thực hiện mô hình “Nói không với tảo hôn”, đến nay tình trạng này trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, số cặp vợ chồng có con ở độ tuổi vị thành niên nay đã giảm đáng kể.
 
Xã Bảo Thuận tổ chức tuyên truyền cho các thôn trên địa bàn ký cam kết “Nói không với tảo hôn”. (Hình chụp trước ngày 27/4/2021)
Xã Bảo Thuận tổ chức tuyên truyền cho các thôn trên địa bàn ký cam kết “Nói không với tảo hôn”. (Hình chụp trước ngày 27/4/2021)
 
Xã Bảo Thuận có 10 thôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Kơ Ho và Raglai (Rơglai) sinh sống. Trước đây, nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, một số phong tục tập quán và quan niệm sống lạc hậu đã tác động trực tiếp và làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Điều đó cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn tại một số thôn ở xã Bảo Thuận vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong đó, thôn Bảo Tuân là nơi đã xuất hiện những cặp vợ chồng tảo hôn nhiều nhất xã. Chị Ka Nhộp - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Thuận, cho biết: “Trước thực trạng trên, khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo và hướng dẫn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã chọn thôn Bảo Tuân để triển khai xây dựng mô hình điểm về Nói không với tảo hôn”. 
 
Trước đây, hàng năm tại thôn Bảo Tuân đều xảy ra từ 2-3 cặp vợ chồng tảo hôn. Từ thực trạng trên, năm 2013, mô hình “Nói không với tảo hôn” đã được thành lập và lúc đầu chỉ có trên 40 thành viên, nhưng đến nay đã phát triển trên 50 thành viên tham gia. Ban chủ nhiệm Mô hình xây dựng nội dung tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào kế hoạch định kỳ để chi bộ, ban nhân dân thôn cùng thành viên trong ban chủ nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân. “Ngay từ khi ra mắt mô hình, chúng tôi thường xuyên duy trì tổ chức sinh hoạt định kỳ 3 tháng 1 lần. Trong những lần sinh hoạt, Ban chủ nhiệm đã tập trung đánh giá, phân tích những kết quả đạt được trong việc vận động. Trong quá trình triển khai thực hiện, các thành viên trong Ban chủ nhiệm cùng với Chi hội Phụ nữ đã hăng hái, tích cực tham gia vận động người dân trong thôn “nói không với tảo hôn”; tuyên truyền, phổ biến lồng ghép những nội dung chính về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và kỹ năng nuôi dạy con cái, phòng chống suy dinh dưỡng; các quy định của Nhà nước liên quan đến việc tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống và xóa bỏ các phong tục, tập quán không còn phù hợp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Nhờ vậy, nhận thức của bà con trong thôn đã thay đổi rõ nét, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, đời sống vật chất và tinh thần dần được cải thiện và nâng cao”, anh K’Brui - Chủ nhiệm mô hình “Nói không với tảo hôn” thôn Bảo Tuân phấn khởi nói.
 
Qua tìm hiểu ở một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện, thực tế cho thấy, không riêng gì ở thôn Bảo Tuân, xã Bảo Thuận, mà những cặp vợ chồng tảo hôn khác trong vùng đồng bào DTTS ở huyện Di Linh phần lớn điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên đều phải dựa vào bố mẹ là chính. Nguyên nhân chính của những thực trạng tảo hôn là do nhận thức của bố mẹ còn hạn chế, thiếu sự quan tâm, giáo dục con cái đến nơi đến chốn; một phần do ảnh hưởng của môi trường sống, việc suy nghĩ còn non nớt, bồng bột, thiếu chín chắn, yêu đương sớm, nên nhiều trường hợp mới học đến lớp 9, lớp 10 phải bỏ học sớm để lấy chồng. “Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa ra dẫn chứng cụ thể để phân tích rõ những hệ lụy của tình trạng tảo hôn làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt và hạnh phúc gia đình của họ trong tương lai... đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhận thức của bà con trong thôn từng bước được nâng cao, số cặp vợ chồng tảo hôn đã giảm đáng kể. Nếu như trước khi thành lập mô hình xảy ra từ 2-3 trường hợp/năm, thì từ ngày ra mắt đến nay chỉ xảy ra vài ba trường hợp”, chị Ka Duyên - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Bảo Tuân khẳng định.
 
Theo chị Ka Nhộp, giải pháp chủ yếu được địa phương triển khai mô hình “Nói không với tảo hôn” là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Sau khi ra mắt mô hình, Ban chủ nhiệm đã tổ chức tuyên truyền cho các hộ ký cam kết không cho con tảo hôn. Nhờ đó, kể từ khi triển khai mô hình đến nay, có nhiều năm liền thôn Bảo Tuân không có trường hợp cặp vợ chồng nào tảo hôn, nam nữ đến tuổi lập gia đình đều tự giác đến UBND xã đăng ký kết hôn theo đúng pháp luật. 
 
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mô hình “Nói không với tảo hôn”, nên những năm qua tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã Bảo Thuận đã giảm mạnh. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Thuận sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời, sẽ nhân rộng mô hình này đến một số thôn trên địa bàn xã làm theo...
 
NDONG BRỪM