Khởi động lại phòng mổ tại Trung tâm Y tế huyện Đam Rông

08:09, 18/09/2021

(LĐ online) - Đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đam Rông vừa mổ cấp cứu thành công 1 sản phụ đang cách ly tập trung, đảm bảo tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19...

(LĐ online) - Đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đam Rông vừa mổ cấp cứu thành công 1 sản phụ đang cách ly tập trung, đảm bảo tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đó không chỉ là niềm vui của gia đình sản phụ, mà còn là niềm vui của đội ngũ cán bộ ngành y tế và cả sự vỡ òa của người dân vùng khó khăn Đam Rông.
 
Trung tâm Y tế huyện Đam Rông mổ cấp cứu thành công cho sản phụ đang cách ly tập trung
Trung tâm Y tế huyện Đam Rông mổ cấp cứu thành công cho sản phụ đang cách ly tập trung
 
Bác sĩ Phan Thanh Thành – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông chia sẻ: Năm 2016, Trung tâm Y tế huyện Đam Rông đã triển khai xây dựng phòng mổ, dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế và được sự hỗ trợ theo Đề án 1816 của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Phòng mổ đã đi vào hoạt động được 2 năm 2016 và 2017. Tại đây, đã tiến hành các ca mổ cho phụ nữ mang thai, mổ cắt ruột thừa… Nhưng đến đầu năm 2018, do quy định của Bộ Y tế, phòng mổ phải có bác sĩ gây mê mà đơn vị chưa có nên phải tạm ngừng hoạt động từ đầu năm 2018 đến nay”.
 
Đam Rông là địa bàn có trên 70% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, đây là địa bàn có đông bà con các dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào, cư trú trong rừng phòng hộ. Từ trung tâm huyện vào tới các tiểu khu có khi mất gần 60 km, đường sá đi lại khó khăn. Và từ trung tâm huyện Đam Rông lên tới Bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Lâm Đồng cũng mất hơn 100 km và qua nhiều đèo dốc. Bởi vậy, người dân Đam Rông nói chung và bà con dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa khi mắc bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám chữa bệnh, nhất là những bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Bởi vậy, không chỉ ngành y tế, mà Nhân dân Đam Rông nói chung đều mong mỏi có phòng mổ cấp cứu ngay tại trung tâm huyện để cấp cứu kịp thời bệnh nhân, đem lại sức khỏe cho bệnh nhân. Những ca mổ mà đơn vị làm được sẽ giảm gánh nặng cho tuyến trên, giảm chi phí cho bệnh nhân khi phải chuyển tuyến.
 
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông cho biết thêm: Phòng mổ tại Trung tâm gồm có 2 phòng lưu bệnh, phòng tiểu phẫu, phòng hậu phẫu, phòng thay đồ, khu vực vệ sinh, phòng mổ, phòng sạch để trang thiết bị y tế, dụng cụ. Tất cả các phòng có diện tích đảm bảo theo quy định và được trang bị đầy đủ trang thiết bị và các vật tư y tế, thuốc hóa chất. 
 
Hiện nay, nhân lực làm việc tại phòng mổ gồm 6 bác sĩ chuyên khoa I về sản, gây mê, ngoại tổng hợp, tai mũi họng và một số bác sĩ chuyên khoa sơ bộ, điều dưỡng… Tất cả các bác sĩ có đầy đủ trình độ chuyên môn để vận hành phòng mổ cũng như đảm bảo công tác khám, chữa bệnh nói chung. Đó thực sự là niềm vui lớn của huyện Đam Rông nói chung và của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nói riêng.
 
Hiện nay, với nhân lực, cơ sở vật chất, điều kiện phòng mổ, đặc biệt có sự chỉ đạo, đồng hành thường xuyên của lãnh đạo Sở Y tế cũng như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng để triển khai danh mục kỹ thuật của đơn vị được Sở Y tế phê duyệt, Trung tâm Y tế Đam Rông đã đủ năng lực triển khai mổ bắt con, thai ngoài từ cung, cắt u sơ, cắt ruột thừa, cắt amydal…
 
NGỌC NGÀ