Khởi nghiệp qua tuổi bốn mươi

05:09, 06/09/2021

Sau hơn mười năm khởi nghiệp nâng cấp hình thức liên kết từ nhóm hộ lên quy mô hợp tác xã sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau, củ, quả ở các vùng nông nghiệp phụ cận Đà Lạt...

Sau hơn mười năm khởi nghiệp nâng cấp hình thức liên kết từ nhóm hộ lên quy mô hợp tác xã (HTX) sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau, củ, quả ở các vùng nông nghiệp phụ cận Đà Lạt, nhà nông Võ Tiến Huy, sinh năm 1969 ở xã Hiệp An, Đức Trọng đã được bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2021.
 
Nhà nông xuất sắc toàn quốc năm 2021, anh Võ Tiến Huy trong khu vườn rau VietGAP tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng
Nhà nông xuất sắc toàn quốc năm 2021, anh Võ Tiến Huy trong khu vườn rau VietGAP tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng
 
TẬP HỢP MỘT VÀI HỘ SẢN XUẤT LIÊN KẾT BAN ĐẦU
 
Đây là Chương trình bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thường niên từ năm 2013 đến nay. Để đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” duy nhất ở tỉnh Lâm Đồng năm 2021, nông dân Võ Tiến Huy đã có hơn mười năm vượt khó khởi nghiệp với một vài hộ nông dân sản xuất đôi, ba hecta diện tích rau, củ, quả ban đầu ở khu vực Định An, xã Hiệp An, Đức Trọng. Lúc đó Huy được cả nhóm hộ “phân công” đứng ra thu gom toàn bộ sản lượng rau, củ, quả thu hoạch của cả nhóm để sơ chế, đóng gói vài trăm ký mỗi tuần rồi chuyển đi cung ứng cho siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. Thuận lợi trong thời điểm này nhờ người thân trong gia đình là thương nhân đầu mối cung cấp rau, củ, quả Lâm Đồng cho hệ thống siêu thị TP Hồ Chí Minh nên anh Huy được “bảo lãnh” để ký gửi hàng. Nhưng kèm theo đó là thử thách tiếp cận mới với nghề sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, trong đó các khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch phân loại hình thái, chất lượng của từng loại rau thu hoạch phải đảm bảo theo quy chuẩn tiêu thụ của siêu thị. Anh Huy nhớ lại: “Lúc khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả tại Hiệp An, Đức Trọng, tôi đã hơn 40 tuổi, lại đang có một cửa hàng kinh doanh, sửa chữa điện tử tương đối ổn định. Tôi quyết định chuyển đổi nghề điện tử sang nghề sản xuất rau, củ, quả liên kết gắn với tiêu thụ ở vùng nông nghiệp phụ cận Đà Lạt là mong muốn góp phần khắc phục tình trạng được mùa, mất giá và được giá, mất mùa của nhà nông…”.     
 
Theo đó, ý tưởng khởi nghiệp làm nông dân “kiêm” thương nhân sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả của anh Võ Tiến Huy dần dần hiện thực hóa kể từ năm 2010 trở đi, quy mô liên kết từ một vài hộ đầu tiên với đôi, ba hecta đất nói trên tăng lên tương ứng với 11 hộ và 8 ha chuyển đổi từ trồng hoa nhà kính sang trồng rau nhà kính theo mô hình điểm ở xã nông thôn mới Tân Hội, huyện Đức Trọng. 
 
Trong đó, riêng hộ gia đình Võ Tiến Huy xây dựng 2.000 m 2 diện tích nhà kính chính thức bắt tay vào canh tác. Kết quả gần 5 năm kế tiếp, nhà nông - thương nhân Võ Tiến Huy đã “trưởng thành” từng bước trên đồng tổ chức canh tác theo hợp đồng và trên thị trường siêu thị cạnh tranh trong nước, đưa sản lượng rau, củ, quả tiêu thụ mỗi năm từ 40-50 tấn lên mức 150-180 tấn. 
 
QUY MÔ HTX VỚI DOANH THU LÊN ĐẾN 20 TỶ ĐỒNG/NĂM
 
Và đến năm 2014 với nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ rau VietGAP của mình, nhà nông - thương nhân Võ Tiến Huy hoàn tất thủ tục thành lập HTX Nông nghiệp Tiến Huy tại thôn Định An, xã Hiệp An, Đức Trọng gồm 11 hộ với 11 ha sản xuất rau VietGAP. Sản lượng tiêu thụ đến hệ thống siêu thị TP Hồ Chí Minh mỗi ngày trên dưới 1 tấn rau các loại. Hình thức sản xuất liên kết lúc này đang dần đi vào ổn định. Trách nhiệm HTX là cung cấp giống, vật tư, quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm thu hoạch. Trách nhiệm bên hộ liên kết có diện tích đất sản xuất, số người lao động, đảm bảo thu hoạch đúng thời điểm và đủ sản lượng theo hợp đồng. Hợp đồng được ký kết giữa HTX và nông hộ ngay từ đầu năm kế hoạch với giá “chốt” trước, đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất khoảng 500 triệu đồng/ha/năm nhà kính và 300 triệu đồng/ha/năm ngoài trời. 
 
Quá trình phát triển liên tục đến đầu tháng 9/2021, HTX Nông nghiệp Tiến Huy đã liên kết với 11 hộ thành viên và 22 hộ ngoài thành viên với tổng diện tích gần 48 ha sản xuất đa dạng các loại rau, củ, quả tại các vùng nông nghiệp các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Đà Lạt. Các hộ liên kết ở đây được ký hợp đồng thu mua 100% sản phẩm thu hoạch với có thêm thỏa thuận HTX bù đắp 10% khi giá rau, củ, quả thị trường tăng lên 30% so với giá ấn định ban đầu. Ngược lại, khi giá thị trường giảm xuống so với giá thỏa thuận trong hợp đồng thì HTX “đơn phương” chịu mức lỗ này. Nhờ ký kết hợp đồng đặt quyền lợi trước tiên thuộc về hộ thành viên liên kết, nên HTX Nông nghiệp Tiến Huy của Giám đốc Võ Tiến Huy đã khuyến khích người sản xuất tăng nhanh thời vụ luân canh, nâng sản lượng tiêu thụ rau, củ, quả các loại từ 1.800 tấn năm 2017 lên 4.000 tấn vào năm 2020 và ước đạt 5.000 tấn trong năm 2021. Tương ứng với doanh thu lần lượt 12 tỷ đồng, 18 tỷ đồng và 20 tỷ đồng. Số lượng lao động trong HTX tăng lên 20 người, mức thu nhập trên dưới 8 triệu đồng/người/tháng…
 
“HTX đạt được những thành tích sản xuất, kinh doanh nói trên là nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Lâm Đồng và huyện Đức Trọng. Đặc biệt, đã tạo điều kiện cho lãnh đạo, nhân viên HTX thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tập trung nghiên cứu thị trường để chủ động tìm kiếm đối tác, giải quyết đầu ra sản phẩm rau, củ, quả ổn định, đảm bảo đời sống thu nhập cho thành viên và người lao động…”, Giám đốc Võ Tiến Huy chia sẻ.
 
VĂN VIỆT