Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

04:09, 25/09/2021

(LĐ online) - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập nhiều vấn đề, nhiều nội dung quan trọng, phong phú, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và sự phát triển đất nước...

(LĐ online) - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập nhiều vấn đề, nhiều nội dung quan trọng, phong phú, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và sự phát triển đất nước; trong đó, có nội dung giáo dục và đào tạo (GDĐT). Nghiên cứu, quán triệt và vận dụng quan điểm Đại hội XIII của Đảng về GDĐT trong hoạt động quản lý, giảng dạy ở các nhà trường có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm thống nhất nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên, học sinh. 
 
Trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Bảo Lộc. Ảnh: Đ.A
Trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Bảo Lộc. Ảnh: Đ.A
 
Định hướng phát triển GDĐT giai đoạn 2021-2030 được Đại hội XIII xác định là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài”. Việc Đảng ta nhấn mạnh yêu cầu “tạo đột phá” trong đổi mới GDĐT là xuất phát từ tình hình thực tế sau 35 năm đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, đặc biệt là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII. Mặc dù sự nghiệp GDĐT đã có những chuyển biến tích cực cả về quy mô, số lượng, chất lượng, hiệu quả, cả về nội dung, phương pháp, phương thức đào tạo và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, … Tuy nhiên, việc “đổi mới GDĐT, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. 
 
Sự hạn chế đó không chỉ thể hiện trên bình diện tư duy, chính sách, giải pháp, tổ chức hệ thống, công tác tổ chức, cán bộ, mà còn cả về mặt giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng thực hành, giáo dục kết hợp nghiên cứu khoa học, đầu tư cho giáo dục chưa theo kịp yêu cầu phát triển... Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự tích lũy kho tàng tri thức khổng lồ của loài người, càng đòi hỏi phải kịp thời đổi mới cách tiếp cận, nội dung, phương pháp GDĐT. Như vậy, sự “tạo đột phá” là yêu cầu cấp thiết, khách quan, phù hợp với mục tiêu về GDĐT và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài.
 
Nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT trong nhiệm kỳ Đại hội XIII có nhiều điểm mới so với Đại hội XII, không còn gộp chung với khoa học công nghệ mà được tách thành một mục riêng “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”; thay từ “phát triển” bằng từ “nâng cao” và thêm cụm từ “phát triển con người”. Trên cơ sở đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đặt ra nhiệm vụ: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng”. Nếu trước đây chỉ nhấn mạnh “phát triển nhanh GDĐT”, thì điểm mới lần này là trực tiếp đề cập đến việc đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
 
Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp phát triển GDĐT giai đoạn 2021-2030, đó là: Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương GDĐT cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học, tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo; hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở GDĐT, cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt; nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho GDĐT gắn với đổi mới cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa GDĐT đúng hướng, hợp lý. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về GDĐT ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.
 
Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển GDĐT giai đoạn 2021 - 2030 chủ yếu tập trung vào 2 nhóm vấn đề lớn là: Xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách phát triển GDĐT; tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp GDĐT và hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân. Việc tập trung xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách là để làm sao có thể thu hút và sử dụng tốt nhất các nguồn lực, tạo thêm động lực nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả cao “chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Trong đó nhấn mạnh những điểm mới như: Thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông; phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam; đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; quan tâm thích đáng phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết chặt chẽ GDĐT với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới; đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, đi đôi với chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đầu tư thích đáng cho GDĐT chất lượng cao, trình độ cao; đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tự chủ đại học, tạo đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao…
 
Việc tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp GDĐT theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế là nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; còn việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân là nhằm bảo đảm điều kiện cho mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục. Theo đó, GDĐT cần đặt trọng tâm vào phát triển con người một cách toàn diện cả về phẩm chất đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi của tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới GDĐT phải bắt đầu từ giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, quan tâm nhiều tới giáo dục phổ thông; đưa nội dung kỹ năng số vào chương trình giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, coi trọng dạy, học và sử dụng tiếng Anh; đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng nhận thức, tư duy sáng tạo, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số và hội nhập quốc tế; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua Internet, truyền hình… qua đại dịch Covid-19 cho thấy giáo dục đã chuyển tương đối thành công sang giáo dục trực tuyến, điều này cũng phù hợp xu thế thời đại; hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học, đây là vấn đề căn bản, cốt yếu của mọi nền giáo dục, riêng ở nước ta còn nhiều bất cập; hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng GDĐT. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền; thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học; thí điểm chuyển đổi mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý và đầu tư phát triển; xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, nếu không làm tốt điều này thì không thể đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT được. Tiếp tục hoàn thiện các khâu, các yếu tố của quá trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế…
 
Những định hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển GDĐT trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa hết sức sâu sắc, một mặt khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng coi GDĐT là quốc sách hàng đầu; thể hiện sự nhanh nhạy của Đảng, Nhà nước ta trong việc thích ứng với xu thế thời đại, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại và phù hợp với thực tiễn Việt Nam; mặt khác tiếp tục làm sáng tỏ quan điểm đặt con người ở vị trí trung tâm, con người là mục tiêu thiêng liêng, cao cả của sự nghiệp cách mạng, trên nền tảng của sự phát triển GDĐT. Để hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về GDĐT, ngoài sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thiết nghĩ mỗi cán bộ, giáo viên ngành GDĐT cần phải đầu tư nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn về nội dung GDĐT, từ đó vận dụng một cách có hiệu quả vào thực tiễn công tác của mình.
 
VĂN NHÂN