Cần xử lý ''mạnh tay'' hành vi phản cảm trên mạng xã hội

12:10, 13/10/2021

(LĐ online) - Hiện nay, với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, theo đó là sự gia tăng "chóng mặt" các trang mạng xã hội làm cho"môi trường mạng" hỗn độn những thông tin nhảm nhí, vô bổ, ngồn ngộn những hình ảnh xấu xí, phản cảm. Đã đến lúc phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý "mạnh tay" những hành vi "lệch chuẩn", nhất là của giới trẻ tán phát trên mạng xã hội…

(LĐ online) - Hiện nay, với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, theo đó là sự gia tăng “chóng mặt” các trang mạng xã hội làm cho“môi trường mạng” hỗn độn những thông tin nhảm nhí, vô bổ, ngồn ngộn những hình ảnh xấu xí, phản cảm. Đã đến lúc phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý “mạnh tay” những hành vi “lệch chuẩn”, nhất là của giới trẻ tán phát trên mạng xã hội…
 
Sự phát triển các ứng dụng trên mạng xã hội đã và đang chi phối mạnh mẽ lối sống, hành vi của giới trẻ. Ảnh: KT
Sự phát triển các ứng dụng trên mạng xã hội đã và đang chi phối mạnh mẽ lối sống, hành vi của giới trẻ. Ảnh: KT
 
  CÁC TRÀO LƯU… DUNG TỤC
 
Bất cứ ai sử dụng facebook, mỗi khi vào mạng đều phát ngán trước sự tràn lan những trang tin, hình ảnh, video… đa số vô bổ, nhảm nhí, thậm chí rất phản cảm. Những năm trước, người ta thường nói: “Ăn - bóng đá, ngủ - bóng đá”, còn bây giờ: “ăn - facebook, “ngủ - mạng xã hội”. Tất tần tật từ việc cơ quan, gia đình, chuyện làm ăn, kinh doanh, buôn bán... đến vui, buồn, sướng, khổ đều quẵn lên mạng. 
 
Theo thống kê, cuối năm 2020, Việt Nam có 69.280.000 người sử dụng Internet, chiếm 70,1% dân số cả nước; Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. 
 
Không phủ nhận mặt tích cực của Internent, mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại, nhất là hiện nay, Chính phủ đang triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và Nhân dân sử dụng Internet để tra cứu thông tin, tìm kiếm tư liệu phục vụ công tác, học tập, lao động, giải trí…Tuy nhiên, đã có nhiều cảnh báo về “mặt trái”, tác động tiêu cực từ Internet, mạng xã hội đối với người sử dụng nếu không có hiểu biết nhất định, nhất là việc lựa chọn truy cập vào trang mạng nào? Chọn thông tin gì, dữ liệu nào hữu ích để phục vụ nhu cầu công việc, đời sống… là điều quan trọng. Một thực trạng đã gây bức xúc, bị xử lý vi phạm pháp luật là tình trạng viết, phát tán thông tin, bài viết, sáng tác, video, hình ảnh… xuyên tạc sự thật, bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự tổ chức, cá nhân; hay chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, sai trái trên mạng xã hội!
 
Giới trẻ có kiến thức, năng động, tiếp cận rất nhanh với công nghệ mới, hiện đại. Đa số bạn trẻ áp dụng Internet, mạng xã hội vào việc học tập, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức xã hội, giải trí lành mạnh. Ngược lại, một bộ phận lợi dụng mạng xã hội với các mục đích cá nhân khác nhau; trong đó, có những những hành vi vô văn hóa, phi đạo đức, phản cảm tác động xấu trong đời sống xã hội.
 
Hàng loạt trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok, Youtube, Twitter, Skype, Viber, Printest, Line, Linkedin, Wechat,Whatapp, Snapch… đã và đang chi phối mạnh mẽ đời sống, tình cảm; tác động hàng ngày, hàng giờ đến đạo đức, lối sống, phong cách thẩm mỹ của giới trẻ. Đáng ngại là ngày càng xuất hiện các trào lưu thiếu văn hóa, lệch chuẩn… lại được giới trẻ cổ súy, coi là “thần tượng”, là “mốt, là “hot”…
 
Năm 2019 xuất hiện trào lưu “giang hồ mạng”; giới trẻ không còn xa lạ với Huấn “Hoa Hồng”, “Khá Bảnh” với những trò lố bịch, vi phạm đạo đức, pháp luật như xăm trổ, rạch mặt, đánh người, đòi nợ thuê, khoe khoan quá khứ bất hảo, tiền án, tiền sự cùng những phát ngôn “gây sốc”. Gần đây, xuất hiện trào lưu văng tục, chửi thề, chửi bậy trên mạng xã hội cốt để giật gân câu like, câu view. Mâu thuẫn trong làm ăn, tranh giành chuyện tình ái, đố kỵ, ganh tỵ, thù ghét… đều mang lên mạng chửi nhau như… hát! Đau lòng nhất là trường hợp một cô gái trẻ, mặt trát đầy phấn đã chửi bậc sinh thành, dưỡng dục mình bằng những lời lẽ hết sức vô liêm sỉ và chẳng ngại đăng lên mạng cho thiên hạ biết. Hành vi bất hiếu, xúc phạm đạo lý truyền thống tốt đẹp gia đình Việt Nam, chà đạp thuần phong mỹ tục khiến bất cứ ai cũng phải giật mình, đau xót. 
 
Rất kỳ lạ là trang mạng nào đăng tải nhiều câu chuyện “độc”, “lạ”, chửi nhau “ác liệt” nhất thì thu hút nhiều lượt like nhất. Qua đó, chủ nhân của nó thu về bộn tiền. Gần đây, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt những “biệt danh” như: “Thánh chửi”, “Nữ hoàng chửi thề”, “Hot girl chửi tục”…Và, như nói trên, các facebook chửi bậy, tục tỉu này thu hút hàng chục, hàng trăm ngàn lượt theo dõi. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội còn có các hội, nhóm “chửi thuê” có lượt thành viên hơn 1 triệu người (!?).
 
Hiện nay, trên mạng xã hội phổ biến một trào lưu cũng chiếm nhiều lượt theo dõi, tham gia đó là Live Stream. Trên các Facebook, Youtube, Bigo Live… dường như bất cứ thứ gì cũng được giới thiệu, chào mời. Đối với những người kinh doanh chân chính thì đây là hình thức hiện đại, tiết kiệm, hiệu quả. Điều đáng nói là hầu hết các cô gái trẻ lợi dụng Live Stream bán hàng (từ các loài hoa lan, mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo, vật dụng sinh hoạt… cho đến các dụng cụ tình dục, thuốc kích dục…), nhằm khoe thân, cố ý ăn mặc “ít vải” nhất để lộ các bộ phận nhạy cảm, ăn nói tục tỉu. Nhiều cô gái trẻ Live Stream chỉ để khỏa thân, uốn éo, quay mông, khoe đùi, cởi áo…
 
•  CẦN PHẢI “MẠNH TAY” 
 
Các trào lưu nói trên hiện lan tràn trên MXH. Hiện tượng “Khá Bảnh” khiến các bậc phụ huynh, giáo viên, chuyên gia giáo dục rất lo lắng bởi nó được giới trẻ học đường cho là “thần tượng”. Tình trạng chửi tục, chửi thề, phát ngôn tục tỉu; trào lưu khoe thân dung tục, phản cảm trên mạng xã hội lại được cổ súy, hô hào… hết sức nguy hại!
 
Các chuyên gia cho rằng, mạng xã hội ứng dụng công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ, phục vụ việc học tập, lao động, giải trí, một bộ phận giới trẻ đã làm cho ứng dụng đi sai lệch theo hướng tiêu cực. Các hành vi phi đạo đức, phản cảm, “lệch chuẩn” trên mạng xã hội thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người khác cần phải kịp thời ngăn chặn!
 
Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, các quy định bảo vệ người dân khi tham gia mạng xã hội: Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, các Thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông…; chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ngành liên quan xử lý những video có nội dung nhảm nhí, phản cảm, giật gân trên mạng xã hội.
 
Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”. Bộ quy tắc áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân khi sử dụng mạng xã hội. Tại Khoản 6 Điều 4 quy định: “Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an toàn trật tự xã hội”.
 
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, những hành vi phản cảm của một bộ phận giới trẻ trên mạng xã hội có từ lâu và ngày càng biến tướng với nhiều hình thức, các trào lưu mới rất đáng ngại. Dù đã có các quy định pháp luật, nhưng trước nay chỉ có một số ít trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý nhẹ, chưa đủ tính răn đe; cần quyết liệt ngăn chặn và xử lý thật “mạnh tay”.
 
Nhiệm vụ quan trọng đặt ra hiện nay đối với các tổ chức đoàn thể, cơ quan, trường học, gia đình và toàn xã hội là cần tập trung tuyên truyền, giáo dục mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là giới trẻ ý thức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng khi tham gia Internet, mạng xã hội; không lợi dụng mạng xã hội để làm những việc trái pháp luật, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Định hướng cho giới trẻ nên sử dụng mặt tích cực của Internet, mạng xã hội phục vụ học tập, công tác, giải trí lành mạnh; đồng thời, nhận biết mặt trái, mặt tiêu cực và các hệ lụy của mạng xã hội để tránh, không vi phạm. 
 
Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng Internet, mạng xã hội để hoạt động trái pháp luật, làm lành mạnh “môi trường mạng”, giúp giới trẻ tránh xa những “cạm bẫy” trên mạng xã hội…
 
THẠCH TÂM