Khẳng định bản lĩnh phụ nữ trong môi trường quân đội

05:10, 13/10/2021

Mỗi chị em phụ nữ Học viện Lục quân là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa muôn sắc màu...

Mỗi chị em phụ nữ Học viện Lục quân là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa muôn sắc màu. Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phụ nữ Học viện Lục quân thi đua xứng đáng với phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ quân đội. Chúng tôi trân trọng giới thiệu những gương mặt phụ nữ tiêu biểu trên từng mặt công tác ở Học viện Lục quân Anh hùng. 
 
 
Với chị Nguyễn Thị Thêm, trách nhiệm với công tác Hội cùng sự tận tâm, nhiệt huyết với công việc đã giúp chị có thể sắp xếp thời gian một cách khoa học, hợp lý, để vừa hoàn thành tốt công tác chuyên môn, vừa thực hiện tốt công tác Hội Phụ nữ cơ sở.
 
Trên cương vị nhân viên Thống kê xăng dầu, chị Thêm luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, làm tốt công tác đăng ký, thống kê, xuất, nhập xăng dầu, vật tư xăng dầu đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, thực hiện quyết toán xuất, nhập theo đúng thời gian, quy định của ngành Tài chính. 
 
Là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động, công tác và phong trào Hội Phụ nữ, chị Thêm thường xuyên tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Chỉ huy Phòng Hậu cần về các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công tác và phong trào Hội Phụ nữ tại đơn vị. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, sự ủng hộ nhiệt tình của hội viên, bản thân chị luôn nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao. Công việc chuyên môn thường xuyên bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên để kịp thời chia sẽ, giúp đỡ bằng cả trách nhiệm và tình cảm nồng ấm.
 
Chị Thêm cho biết, Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Hậu cần có 23 hội viên với công việc và lứa tuổi, điều kiện gia đình khác nhau. Tuy nhiên, mỗi người đều cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia hoạt động hội và các phong trào đầy đủ, nhiệt tình. Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chị luôn suy nghĩ, tìm tòi đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức hoạt động đảm bảo chất lượng, phù hợp tình hình thực tế của đơn vị, để mỗi hội viên đều phát huy được thế mạnh, khả năng của mình. Từ đó, tạo mối đoàn kết, đồng lòng giữa các hội viên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ và các hoạt động phong trào do Học viện, đơn vị phát động.
 
 
Khi tiếp xúc, trò chuyện với Trung tá, Thạc sĩ Trà Thị Thoa - Phó Chủ nhiệm Bộ môn tiếng Anh, chúng tôi rất ấn tượng với kết quả và thành tích nghiên cứu khoa học của chị. Với danh sách dài những đề tài, tài liệu, giáo trình, tham luận và bài báo khoa học, chị Trà Thị Thoa tham gia công tác nghiên cứu khoa học từ năm 2012, khi bắt đầu học chương trình thạc sĩ và đam mê từ đó. Với chị Thoa, mỗi công trình nghiên cứu hay mỗi thử thách lại là cơ hội để chị đổi mới bản thân, rèn luyện bản lĩnh, trau dồi, tích lũy và làm giàu kiến thức của mình.
 
Chị Thoa chia sẻ, điều quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học là sự đam mê, nhiệt huyết, quyết tâm cao, không lùi bước trước khó khăn, thử thách, bởi đây là công việc vô cùng vất vả, nhất là đối với phụ nữ. Chị nói: “Nếu đàn ông cố gắng một phần, thì phụ nữ phải cố gắng gấp mười, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Thế nên, bản thân người phụ nữ khi tham gia nghiên cứu khoa học cần biết cách quản lý quỹ thời gian, biết sắp xếp hợp lý, khoa học giữa công việc, gia đình và việc cơ quan, đơn vị”.
 
Trong những công trình nghiên cứu của mình, chị Trà Thị Thoa đặc biệt quan tâm đến phương pháp giảng dạy tích cực. Thông qua các bài giảng của mình, chị đã tập trung rèn luyện và nâng cao các kỹ năng như tổ chức, thuyết trình, giải quyết vấn đề, học và tự học, tư duy sáng tạo... cho học viên. Đây là các kỹ năng mềm cần thiết bên cạnh kiến thức mà mỗi sĩ quan quân đội được trang bị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Là giảng viên, chị luôn trăn trở nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực để thúc đẩy tinh thần học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ của học viên ở Học viện Lục quân và học viên ở các học viện, nhà trường khác. Đó chính là lý do để năm 2018, chị thực hiện nghiên cứu Đề tài “Rèn luyện kỹ năng mềm thông qua hoạt động ngoại khóa ngoại ngữ cho các đối tượng học viên ở Học viện Lục quân”. Đề tài đã được Hội đồng khoa học Bộ Tổng Tham mưu nghiệm thu và đánh giá tốt.
 
Bản thân chị Thoa lớn lên trong môi trường quân đội, trong gia đình bố mẹ cũng là cán bộ, giảng viên của Học viện. Chị luôn xác định Học viện Lục quân là mái nhà thứ hai của mình. Ở đó, chị được cống hiến, rèn luyện, sáng tạo và trưởng thành. Với chị, kết quả của những công trình nghiên cứu khoa học cũng chính là cách để chị khẳng định vị thế của người phụ nữ quân đội nói chung, phụ nữ Học viện Lục quân nói riêng trong thời kỳ mới, thời kỳ phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
 
Tròn 20 năm gắn bó với Nhà máy gạch tại Khu Kinh tế - Quốc phòng 78, chị Phạm Thị Hoài hiện là tổ trưởng sản xuất, bản thân chị luôn tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tham mưu thực hiện các biện pháp phơi, đảo gạch mộc hợp lý, khoa học, góp phần nâng cao chất lượng gạch thành phẩm. Đồng thời, chị đã tích cực, chủ động đổi mới phương pháp, tác phong công tác nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở, bản thân chị Hoài luôn ý thức sâu sắc vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác Hội; tích cực nghiên cứu, chủ động học tập trau dồi kỹ năng hoạt động; tận tâm, tận lực trong các công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chị thường xuyên bám nắm các tổ trong Hội Phụ nữ, từ đó tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể, khoa học theo từng tháng, quý để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, thiết thực.
 
Hội Phụ nữ Khu Kinh tế - Quốc phòng 78 hiện có trên 100 hội viên. Đa phần các chị đều là lao động phổ thông, trực tiếp tham gia sản xuất gạch tại nhà máy, có con nhỏ, điều kiện gia đình còn khó khăn. Vì vậy, chị Hoài luôn gần gũi, động viên và kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng chính đáng của hội viên, từ đó tạo sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị.
 
Chị Hoài cho biết, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ thường xuyên chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên, Công đoàn và đơn vị kết nghĩa tổ chức các hoạt động với nhiều nội dung, hình thức phong phú... Chị Hoài chia sẻ: “Công việc sản xuất gạch rất vất vả, nên chúng tôi luôn cố gắng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để chị em công tác, học tập, sinh hoạt, phát triển đời sống văn hóa tinh thần sau giờ làm việc”. Các hoạt động của đơn vị đã thật sự tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, hội viên, từ đó toàn thể cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Khu Kinh tế - Quốc phòng 78 luôn an tâm tư tưởng, trách nhiệm cao trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 
 
Hàng ngày, công việc của chị Niên bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng, tiếp nhận thực phẩm, sơ chế nguyên liệu và chế biến. Hiện, tổ nấu của chị có 11 người, phục vụ bữa ăn hàng ngày cho trên 500 cán bộ, học viên và chiến sĩ. 
 
Nghề bếp luôn là nghề nặng nhọc, vất vả và nhiều áp lực đối với phụ nữ. Nhận thực phẩm phải đảm bảo chất lượng, quá trình chế biến, nấu ăn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm định lượng, dinh dưỡng, hợp khẩu vị của bộ đội và đúng giờ quy định. Tuy vất vả, mệt mỏi, nhưng đối với chị Niên, đây vừa là công việc, vừa là niềm vui của chị. Chăm chút chất lượng bữa ăn, nghĩa là góp phần đảm bảo sức khỏe cho hơn 500 cán bộ, học viên, chiến sĩ. Chị Niên cùng tổ nấu luôn chuẩn bị bữa cơm của học viên như bữa cơm trong gia đình, bằng tất cả sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng, tâm huyết và trách nhiệm cao. 
 
Chị Niên cho biết, nghề bếp là nghề làm dâu trăm họ, học viên đến Học viện Lục quân học tập, công tác từ nhiều vùng, miền khác nhau, khẩu vị hoàn toàn khác biệt. Thế nên, các nhân viên tổ nấu cố gắng điều chỉnh hương vị món ăn sao cho hài hòa nhất có thể. 
 
Là tổ trưởng, chị Niên quán xuyến bếp nấu, sắp xếp, phân công công việc cụ thể trong Tổ nấu để mỗi bữa ăn của học viên luôn bảo đảm đúng giờ. Là người kỳ cựu nhất trong Tổ nấu, chị vừa làm vừa tận tình hướng dẫn thêm cho nhân viên mới, chỉ bảo thêm cho các chiến sĩ trẻ thực hiện nhiệm vụ để có kinh nghiệm, kỹ năng, tinh thần và thái độ phục vụ tốt.
 
Trên cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Hệ Đào tạo ngắn, với 12 hội viên, trong quá trình làm việc, chị luôn quan tâm, lắng nghe các chị em chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc để động viên, giúp đỡ và tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy Hệ giải quyết kịp thời. Từ đó, tạo sự gần gũi, gắn kết trong Hội Phụ nữ cơ sở để cùng hỗ trợ lẫn nhau, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
 
 
Những ngày này, chị Bùi Thị Ngọc đang thực hiện nhiệm vụ phục vụ cho Khu lưu trú tập trung của lái xe, phụ xe tại Đoàn An Điều dưỡng 198. Hằng ngày, trong bộ đồ bảo hộ, chị cùng 4 nhân viên buồng phòng khác chuẩn bị cho 49 phòng, sẵn sàng tiếp nhận khi các lái xe, phụ xe nhận, trả phòng. Trước đó, chị cũng đã có tròn 30 ngày trực tại Đoàn An Điều dưỡng 198 để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cho cán bộ, giảng viên cấm trại, ăn, nghỉ tập trung, vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa phòng, chống dịch COVID-19 của Học viện Lục quân, và chỉ được về nhà ít ngày nghỉ ngơi trước khi trở lại nhận nhiệm vụ mới.
 
Khối lượng công việc của bộ phận buồng phòng rất lớn, các nhân viên luôn tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc phòng, chống dịch, thay phiên suốt ngày đêm để bất cứ lúc nào cần, phòng ốc cũng được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. 
 
Là Tổ trưởng Tổ phục vụ buồng phòng của Đoàn An Điều dưỡng 198, chị Ngọc triển khai công việc kỹ lưỡng, kiểm tra sâu sát, tỉ mỉ, bảo đảm phục vụ khách đến nghỉ dưỡng chu đáo. Với đặc thù của hoạt động an, điều dưỡng đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài quân đội đến công tác và nghỉ dưỡng, bao nhiêu năm nay, những ngày thứ Bảy, Chủ nhật hay lễ, tết được chị Ngọc và nhân viên trong Tổ luôn chuẩn bị bằng tâm thế sẵn sàng. Không nề hà vất vả, khó nhọc, thức khuya, dậy sớm, chị Ngọc cùng nhân viên trong Tổ phục vụ buồng phòng luôn phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với khách đến nghỉ dưỡng tại Đoàn An Điều dưỡng 198. Các chị luôn thực hiện tốt phương châm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. 
 
Bộ phận buồng phòng có 15 người đều là nữ. Đa phần các chị đều có con nhỏ, chị Ngọc đã chủ động, linh hoạt sắp xếp công việc hợp lý cho các nhân viên, thông cảm, chia sẻ và cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị, vừa chu toàn công việc gia đình.
 
Chị Ngọc chia sẻ: “Công việc buồng phòng thì lúc nào cũng vất vả, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, chu đáo, chúng tôi luôn nghĩ làm gì cũng phải yêu nghề, đặt cái tâm mình trong đó, bởi sự hài lòng của khách là điều ghi nhận xứng đáng nhất dành cho chúng tôi”. 
 
VIỆT QUỲNH