Đảm bảo an toàn tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em

06:11, 24/11/2021

(LĐ online) - Hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em...

(LĐ online) - Hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Về vấn đề này, phóng viên Báo Lâm Đồng phỏng vấn nhanh BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng nhằm cung cấp thông tin kịp thời, hữu ích đến quý bạn đọc, nhất là phụ huynh học sinh trong toàn tỉnh.
 
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long (TP Đà Lạt)
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long (TP Đà Lạt)
 
PV: Thưa bác sỹ, hiện nay, Lâm Đồng đang bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tại một số địa phương trong tỉnh, xin ông cho biết kế hoạch triển khai phủ vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em toàn tỉnh như thế nào?
 
BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng
BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng
BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, ngày 12/11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch số 8183/KH-UBND về việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
Mục tiêu đề ra của kế hoạch là trên 90% trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 theo từng đợt phân bổ vắc xin và phải đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng Covid-19. Đối tượng là tất cả trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, dự kiến số lượng khoảng 132.000 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, phạm vi triển khai tại tất cả 12 huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
Theo kế hoạch, Sở cũng đã đưa ra hình thức tiêm chủng phù hợp với từng đối tượng trẻ em đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh. Thời gian triển khai bắt đầu tiêm từ ngày 22/11 khi có vắc xin phân bổ của Bộ Y tế và loại vắc xin sử dụng là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm chủng cùng loại vắc xin. 
 
PV: Như vậy, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em có khác gì với tiêm vắc xin cho người lớn không? Xin ông cho biết lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trong tỉnh?
 
BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng: Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em về cơ bản cũng được thực hiện quy trình theo quy định của Bộ Y tế giống người lớn, tuy nhiên cũng có những nội dung lưu ý. 
 
Điều cần lưu ý đầu tiên để trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi được thực hiện tiêm chủng vắc xin Covid-19 là cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu ban hành kèm theo Công văn 8688/BYT-DP của Bộ Y tế. Đồng thời, chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng, giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vắc xin phòng Covid-19, cho trẻ ăn đầy đủ, không để trẻ bị đói khi đi tiêm. 
 
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý luôn phải có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin Covid-19. Không nên để trẻ uống rượu, bia, các chất kích thích và đặc biệt không để trẻ vận động mạnh, chơi thể thao ít nhất trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin.
 
Sau tiêm, phụ huynh cần thường xuyên đo thân nhiệt, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Trường hợp sốt dưới 38,5 độ C thì bỏ bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để trẻ nhiễm lạnh và đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu thấy tại chỗ tiêm của trẻ có những dấu hiệu như sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ, phụ huynh phải theo dõi và nếu sưng to, nhanh cần đi khám ngay. Đặc biệt, trẻ không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. 
 
Khi phát hiện thấy trẻ có những biểu hiện có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; về đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; về đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
 
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi là cách thức hiệu quả để bảo vệ trẻ và tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, khi đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 không có nghĩa là trẻ không bị nhiễm Covid-19 nữa mà vẫn có thể bị nhiễm nhưng việc tiêm đủ vắc xin sẽ làm giảm tính trầm trọng của bệnh nếu có bị nhiễm vi rút. Vấn đề chúng ta cần lưu ý là tất cả các loại vắc xin phòng Covid-19 hiện tại khi tiêm đủ 2 liều chỉ có khả năng bảo vệ cho người bệnh là 75% - 95% và chưa có bất cứ loại vắc xin nào bảo vệ 100% cho chúng ta. Người đã tiêm đủ vắc xin rồi vẫn có nguy cơ lây vi rút cho người khác, mặc dù điều này chưa được khẳng định hoàn toàn, vì vậy, chúng ta vẫn phải thực hiện đúng nguyên tắc phòng bệnh theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
 
PV: Lộ trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em tại Lâm Đồng cụ thể như thế nào thưa ông?
 
BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng: Chúng tôi sẽ triển khai theo lộ trình ưu tiên tiêm trước cho trẻ lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi, dự kiến khoảng 41.593 trẻ và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế và tình hình dịch tại địa phương.
 
Đợt 24, trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tiêm vắc xin Comirnaty - Pfizer theo phân bổ của Bộ Y tế
Đợt 24, 25, trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tiêm vắc xin Comirnaty - Pfizer theo phân bổ của Bộ Y tế
 
PV: Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo công tác tổ chức tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, đặc biệt lưu ý vấn đề gì thưa ông? 
 
BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng: Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn tiêm chủng. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tại các điểm cầu về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em theo quy định của Bộ Y tế. Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm.
 
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống dịch Covid-19, tổ chức tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định như: Đảm bảo khoảng cách giữa các khâu trong một dây chuyền tiêm và giữa các dây chuyền tiêm tại 1 địa điểm; đảm bảo an toàn giãn cách đúng quy định, chia nhiều buổi tiêm, mỗi buổi với số lượng phù hợp.
 
Trong quá trình tiêm chủng, lưu ý kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo phân luồng một chiều đối với trẻ đến tiêm từ bước tiếp đón đến bước cấp giấy xác nhận, kể cả đối với trẻ hoãn tiêm hoặc chống chỉ định; đảm bảo nhập liệu đầy đủ thông tin và kết quả của trẻ đến tiêm trên Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
 
Tư vấn cho phụ huynh hoặc người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng; thông báo cho trẻ tiêm chủng, người giám hộ về hiệu quả, liều lượng của loại vắc xin phòng Covid-19 được tiêm chủng; tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ).
 
Thực hiện khám sàng lọc cho trẻ đầy đủ trước khi tiêm chủng theo quy định, kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn. Bố trí các đội cấp cứu lưu động hoặc có đội cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ khi có thông báo sự cố tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng nếu có.
 
Tại tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu. Xây dựng phương án, quy trình phối hợp giữa điểm tiêm và cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp sự cố sau tiêm trong buổi tiêm chủng.
 
Đối với việc giám sát, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng tổ chức thực hiện các phương án đáp ứng xử trí, cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng Covtd-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đồng thời, thực hiện giám sát sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế để chủ động phát hiện và xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm, đặc biệt là tai biến nặng. Đặc biệt lưu ý việc hướng dẫn các bậc phụ huynh theo dõi sát trẻ tại nhà sau khi tiêm để kịp thời phát hiện và xử lý các kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm, đặc biệt là tai biến nặng.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
DIỆU HIỀN (thực hiện)