Văn hóa doanh nghiệp - nền tảng cho sự phát triển bền vững

05:12, 20/12/2021

Với mục tiêu xây dựng, phát triển thương hiệu thông qua xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm mang lại sự hài lòng cho khách hàng...

Với mục tiêu xây dựng, phát triển thương hiệu thông qua xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm mang lại sự hài lòng cho khách hàng, Công ty Ðiện lực Lâm Đồng đã nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên, lao động tận tâm, có tinh thần trách nhiệm cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp, tạo sự tin cậy, ấn tượng tốt đối với khách hàng.
 
Tiếp xúc với cán bộ, nhân viên ngành điện ở bất kỳ đâu, người dân cũng cảm nhận được sự chuyên nghiệp, lịch sự và tận tụy với khách hàng
Tiếp xúc với cán bộ, nhân viên ngành điện ở bất kỳ đâu, người dân cũng cảm nhận được sự chuyên nghiệp, lịch sự và tận tụy với khách hàng
 
Qua 45 năm thành lập và phát triển, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã có bao điều đổi thay. Có may mắn được chứng kiến bước tiến vượt bậc trên chặng đường ấy của đơn vị mới cảm nhận đầy đủ về cụm từ "văn hóa doanh nghiệp". Suốt bao năm dài, trong suy nghĩ của người dân Lâm Đồng, ngành điện "ỷ thế độc quyền", dù là bên bán điện song lúc nào cũng đặt mình ở vị trí cao hơn khách hàng. Thủ tục gắn điện kế, kéo điện về nhà một thời luôn được nghĩ tới với sự tốn kém và mất nhiều thời gian chờ đợi. Khi điện có sự cố hư hỏng, người dân phải kiên nhẫn chờ đợi. Và một thời gian không ngắn, chất lượng điện luôn phập phù, tình trạng "ăn đèn, ngủ điện" luôn thường trực...
 
•  XÂY DỰNG PHONG CÁCH LÀM VIỆC CHUYÊN NGHIỆP
 
Với phương châm không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả sản xuất kinh doanh, những năm qua, các hoạt động văn hóa doanh nghiệp của Công ty Điện lực Lâm Đồng ngày càng được đẩy mạnh và thiết thực, góp phần gắn kết tập thể và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp trong mỗi cán bộ, công nhân viên.
 
Trước tiên, về thủ tục tiếp cận điện năng, nói nôm na là gắn công tơ, bây giờ chỉ trong vòng 2-3 ngày, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã hoàn thành công việc vừa khảo sát lẫn thi công. Khách hàng cũng không phải "mang nón áo" đến tận trụ sở các đơn vị điện lực để mua biểu mẫu, kê khai, xếp hàng dài nộp hồ sơ và về nhà chờ nhân viên điện lực đến giải quyết. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần đăng ký qua cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua website chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam trình bày yêu cầu, lập tức được hướng dẫn tận tình thủ tục và có thể không cần đến văn phòng điện lực nhưng hồ sơ vẫn hoàn tất, nhân viên đến tận nhà để gắn công tơ.
 
Ngoài ra, thủ tục thanh toán tiền điện bây giờ khách hàng cũng không phải nhọc nhằn vượt đường dài đến nộp cho nhân viên thu ngân nữa. Bằng phương thức thu qua ngân hàng qua các đơn vị trung gian như ví điện tử Momo, VNPay, Internet banking, khách hàng dùng điện có thể thanh toán tiền điện đầy đủ, nhanh chóng. Nhờ đó, tình trạng khách hàng vì bận rộn chậm trễ đóng tiền, dẫn đến bị tạm dừng cung cấp điện đã giảm đáng kể; nhiều gia đình, con cái ở nơi xa vẫn có thể trả hộ tiền điện cho cha mẹ kịp thời. Khi gặp sự cố điện, chậm nhất cũng chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ, thợ điện đã đến khắc phục, đóng điện trở lại. Còn về chất lượng điện, nơi nào lưới điện do ngành điện trực tiếp đầu tư, tình trạng điện phập phù đã lùi vào dĩ vãng.
 
Ông Nguyễn Phước Qúy Hùng - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng chia sẻ: Để thực thi có hiệu quả văn hóa doanh nghiệp và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp trong mỗi cán bộ, công nhân viên, hơn ai hết, những người lãnh đạo tại đơn vị chính là những “người tiên phong” gương mẫu trong việc thực thi văn hóa tại đơn vị. Qua đó, truyền cảm hứng và phong cách làm việc tới tập thể cán bộ, công nhân viên. 
 
Hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy tại Công ty Điện lực Lâm Đồng, các giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cán bộ, công nhân viên trong đơn vị. Tập thể luôn hòa thuận, đoàn kết và luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau như gia đình, giữa các bộ phận trong đơn vị luôn thể hiện sự tôn trọng, hòa đồng và chia sẻ công việc với nhau. Mọi công việc đều được phân công và thực hiện một cách bài bản, khoa học. 
 
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân đều có ý thức thực thi văn hóa doanh nghiệp như trang phục, giờ giấc, văn hóa hội họp,... luôn được cán bộ, công nhân viên của Công ty chấp hành, tuân thủ quy trình, chủ động báo cáo các công việc liên quan hoặc phát sinh đến nhiệm vụ của cá nhân. Tuy là những hành động nhỏ, nhưng kết nối lại sẽ tạo dựng thành những thói quen tốt, cải thiện môi trường làm việc với đội ngũ cán bộ, nhân viên có phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.
 
Không chỉ thế, nhiều hình thức thực thi văn hóa doanh nghiệp của Công ty Điện lực Lâm Đồng luôn đa dạng và phong phú như: Tập huấn, đào tạo chuyên sâu, tổ chức hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hội thi... đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về thực thi văn hóa doanh nghiệp nói chung, văn hóa EVN SPC nói riêng. Nhiều năm liền, Công ty Điện lực Lâm Đồng luôn dẫn đầu trong khối các doanh nghiệp của tỉnh về các phong trào thi đua, góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Từ thành thị đến nông thôn, nơi nào có ánh sáng điện, nơi ấy có dấu ấn văn minh, sự thân thiện, tận tụy của những cán bộ, nhân viên Công ty Điện lực Lâm Đồng, giữ cho dòng điện ổn định, nối mạch phát triển của các vùng miền
Từ thành thị đến nông thôn, nơi nào có ánh sáng điện, nơi ấy có dấu ấn văn minh, sự thân thiện, tận tụy của những cán bộ, nhân viên Công ty Điện lực Lâm Đồng, giữ cho dòng điện ổn định, nối mạch phát triển của các vùng miền
 
Theo ông Nguyễn Phước Qúy Hùng, văn hóa doanh nghiệp của ngành điện đã tác động tích cực, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Tiếp xúc với cán bộ, nhân viên ngành điện ở bất kỳ đâu, người dân cũng cảm nhận được sự chuyên nghiệp, lịch sự, thực sự là người bán hàng có kỹ năng, tận tụy với khách hàng. Việc giáo dục, tuyên truyền về văn hóa doanh nghiệp của ngành điện được thực hiện bắt đầu từ khi tiếp nhận người lao động cho đến khi người lao động nghỉ hưu. Đó là một quá trình liên tục, không ngừng nghỉ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Đảng ủy, chính quyền, Công đoàn đến Đoàn Thanh niên... trong doanh nghiệp.
 
•  NÂNG TẦM HIỆU QUẢ VĂN PHÒNG ĐIỆN TỬ
 
Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp sớm triển khai chuyển đổi số có sức chống chọi tốt hơn. Đồng thời, việc chuyển đổi số giúp doanh nghiệp sẵn sàng thích nghi “sống chung với dịch”, tận dụng cơ hội để bứt phá. 
 
Trong làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã chủ động thích ứng và triển khai nhiều chương trình vận hành doanh nghiệp bằng công nghệ số, nhằm thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 đang là lá chắn an toàn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành toàn cầu.
 
Ông Phan Sỹ Duy - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết: Một trong những thay đổi cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0 là việc chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cách làm việc. Thay vì làm việc với văn phòng giấy truyền thống, văn phòng điện tử là giải pháp mang lại lợi ích thiết thực về năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả kinh tế. Khi ứng dụng văn phòng điện tử vào làm việc, không chỉ dễ dàng kiểm soát nội dung công việc mà còn dễ dàng đánh giá hơn về chất lượng công việc.
 
Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn phòng cơ bản đem lại được một số hiệu ứng, góp phần giúp người lao động, cán bộ quản lý các cấp nhập thức sâu hơn về kỷ nguyên số, chuẩn bị tâm thế, kiến thức, kỹ năng để tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung và của Công ty Điện lực Lâm Đồng nói riêng.
 
Hiện tại, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã xây dựng được môi trường làm việc khoa học, tiến tới cung cấp đầy đủ các công cụ số phục vụ cho công tác của người lao động, từ đó tạo điều kiện cho người lao động phát huy tối đa năng lực, hiệu quả, năng suất trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chuyển đổi số cũng cung cấp cho cán bộ quản lý các cấp những công cụ để giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ, hiệu quả công việc của người lao động, từ đó có biện pháp khuyến khích, điều chỉnh phù hợp. Đây là một trong những cơ sở để cải tiến, không ngừng nâng cao năng lực quản trị của đội ngũ quản lý trong toàn Công ty.
 
Theo ông Phan Sỹ Duy, văn phòng điện tử còn đem lại những lợi ích trực tiếp đáng kể về kinh tế. Với khả năng cung cấp môi trường làm việc trực tuyến một cách hiệu quả, giúp cho chi phí tổ chức hội họp, chuyển phát tài liệu, in ấn, di chuyển, lưu trú... giảm đi đáng kể, đồng thời tiết kiệm thời gian và công sức cho công tác chuẩn bị, hậu cần phục vụ tổ chức sản xuất...
 
Quá trình chuyển đổi Công ty thành Doanh nghiệp số thành công sẽ góp phần xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Trong đó, chuyển đổi số cơ bản hoàn thành trong năm 2022, tiếp tục thực hiện mục tiêu đi trước, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nâng cao chất lượng công tác văn phòng là yêu cầu tất yếu. Văn phòng Công ty đóng vai trò như một cầu nối xuyên suốt toàn bộ quá trình vận hành của Công ty, đơn vị. Vì vậy, hiện đại hóa văn phòng từ trang thiết bị, nguồn nhân lực, cũng như kỹ thuật nghiệp vụ hành chính, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực văn phòng sẽ là động lực cho sự phát triển bền vững của Công ty Điện lực Lâm Đồng.
 
THIÊN PHƯƠNG