Đón trẻ mầm non trở lại trường để đạt mục tiêu kép

05:12, 24/12/2021

Ngày 20/12/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5969/BGDĐT-GDMN gửi các sở GDĐT chủ động đón trẻ em trở lại các cơ sở giáo dục mầm non với "mục tiêu kép": tạo điều kiện tốt việc tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; đồng thời bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. 

Ngày 20/12/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Công văn số 5969/BGDĐT-GDMN gửi các sở GDĐT chủ động đón trẻ em trở lại các cơ sở giáo dục mầm non với “mục tiêu kép”: tạo điều kiện tốt việc tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; đồng thời bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. 
 
Trưởng phòng GDĐT Bảo Lộc - Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Trường Mầm non Đạ Nghịch, xã Lộc Châu mới tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 13/12/2021
Trưởng phòng GDĐT Bảo Lộc - Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Trường Mầm non Đạ Nghịch, xã Lộc Châu mới tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 13/12/2021
 
ĐẢM BẢO AN TOÀN ĐƯA TRẺ TRỞ LẠI TRƯỜNG
 
Thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trẻ em mầm non ở nhiều tỉnh, thành phố phải tạm dừng đến trường. Bộ GDĐT đánh giá: “Do vậy, đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và sự phát triển toàn diện của trẻ em; cha mẹ trẻ em không thể tham gia lao động, sản xuất vì phải dành thời gian chăm sóc trẻ em tại nhà, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể”, như mục tiêu của Nghị quyết 128 của Chính phủ. 
 
Đã đến lúc chủ động, linh hoạt đón trẻ em trở lại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) để tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GDĐT trước đó. 
 
Theo đó, các cơ sở GDMN điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình GDMN theo hướng dẫn tại Công văn số 1268/BGDĐT-GDMN ngày 14/4/2020 của Bộ GDĐT. Căn cứ nội dung tại Phụ lục kèm theo Công văn 5969 nêu trên, điều chỉnh kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh, chơi và học theo chế độ sinh hoạt cho trẻ em, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 tại địa phương, an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 theo qui định. Mặt khác, ngành Giáo dục phối hợp với cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, y tế, chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn khi đón trẻ quay trở lại trường và truyền thông về sự cần thiết, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc đưa trẻ em đến trường để được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện theo luật định và bảo đảm quyền trẻ em. Phối hợp chặt chẽ với gia đình trẻ em, y tế địa phương nắm bắt, có phương án xử lý kịp thời khi có tình huống diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt trong trường hợp trẻ em có biểu hiện mắc COVID-19. Trước khi đưa trẻ em trở lại cơ sở GDMN, gia đình phải cam kết với nhà trường về việc thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19 vì sự an toàn của trẻ em. Bộ GDĐT cũng yêu cầu tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, xử lý kịp thời, bảo đảm các cơ sở GDMN an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến kéo dài và phức tạp.
 
KHÓ KHĂN Ở LÂM ĐỒNG KHÔNG NGOẠI LỆ
 
Năm học 2021-2022, Sở GDĐT cho biết, tại thời điểm ngày 13/12/2021, toàn tỉnh có 231 trường, 411 nhóm trẻ độc lập tư thục. Đầu năm học, tổng số học sinh là 69.065 em. Trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, Sở GDĐT có Công văn 1523 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học và Công văn 1592 tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non. Theo đó, gồm 2 phương án: Thời gian trẻ em chưa đến trường, tuyệt đối không triển khai dạy trực tuyến; duy trì hoạt động kết nối bằng kênh liên lạc phù hợp, hình thành các nhóm qua mạng giữa giáo viên và phụ huynh để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ... Còn khi trẻ đến trường trở lại, cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch năm học, tổ chức thực hiện chương trình theo các kịch bản phù hợp; lựa chọn nội dung giáo dục cần thiết phù hợp với thời gian còn lại của năm học, giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với khả năng của trẻ. Với mẫu giáo 5 tuổi, căn cứ hướng dẫn của Bộ, cơ sở giáo dục lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục giúp trẻ em đạt được những kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng tâm thế tốt vào lớp Một...
 
Trong bối cảnh dịch COVID-19, trên địa bàn Lâm Đồng, cơ sở GDMN dạy trực tiếp (thời điểm tháng 12/2021) là 74 trường, nhóm lớp độc lập tư thục; trong đó có 64 trường mầm non tổ chức bán trú tại trường. Số trẻ bị nhiễm COVID-19 là 78 học sinh, trong đó 33 trẻ đã khỏi bệnh, 45 trẻ đang được điều trị tại các khu cách ly; số cán bộ, giáo viên, nhân viên bị nhiễm COVID-19 là 18 người, trong đó 11 người đã khỏi bệnh, 7 người đang được điều trị tại các khu cách ly. 
 
Đánh giá tác động, ảnh hưởng do dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long cho biết: Việc thực hiện kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ trẻ hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị và các chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa bảo đảm tương tác tích cực với trẻ mầm non. Các trường mầm non công lập tạm dừng hoạt động kéo dài vì dịch COVID-19 nhưng đời sống của cán bộ, giáo viên không ảnh hưởng nhiều, vì vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, các cơ sở GDMN công lập thuộc các địa bàn cấp 3, cấp 4 chưa tổ chức dạy học trực tiếp/chưa tổ chức hoạt động bán trú, đội ngũ bảo mẫu/người nấu ăn hưởng lương hợp đồng, không có thu nhập nhiều tháng. Các cơ sở mầm non ngoài công lập, giáo viên, nhân viên hầu như không có bất cứ khoản thu nhập nào trong thời gian nghỉ dạy. 
 
GDMN bị gián đoạn thời gian dài đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục của bậc học này. Đặc biệt, việc trang bị tâm lý, kỹ năng cho trẻ cuối cấp chuẩn bị vào lớp Một là khó khăn. Để đạt mục tiêu kép, nhất là thời điểm cuối học kỳ I năm học, Bộ GDĐT khuyến khích các địa phương và cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học trực tiếp. 
 
MINH ĐẠO