Nguồn lây nhiễm Covid-19 chủ yếu là từ các tỉnh khác về Lâm Đồng

11:12, 16/12/2021

(LĐ online) - Ngày 16/12, theo Sở Y tế Lâm Đồng đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 4800/QĐ- BYT của Bộ Y tế, Lâm Đồng có nguy cơ trung bình (cấp 2, vùng vàng). Nhận định nguồn lây nhiễm Covid-19 tại địa phương chủ yếu là từ các địa phương khác đi về tỉnh Lâm Đồng. 

(LĐ online) - Ngày 16/12, theo Sở Y tế Lâm Đồng đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 4800/QĐ- BYT của Bộ Y tế, Lâm Đồng có nguy cơ trung bình (cấp 2, vùng vàng). Nhận định nguồn lây nhiễm Covid-19 tại địa phương chủ yếu là từ các địa phương khác đi về tỉnh Lâm Đồng. 
 
Người dân về địa phương từ vùng dịch đến khai báo y tế tại Trạm Y tế thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà)
Người dân về địa phương từ vùng dịch đến khai báo y tế tại Trạm Y tế thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà)
 
5 huyện, thành phố bình thường mới (cấp độ 1, vùng xanh) gồm: Đơn Dương, Đam Rông, Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Cát Tiên; có 5 huyện, thành phố cấp độ 2 (TP Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm) và 2 huyện thuộc nguy cơ cao (cấp độ 3, vùng cam) là Lạc Dương, Đạ Huoai. 
 
16 phường, xã, thị trấn đang có nguy cơ cao (cấp 3, vùng cam) gồm:  Phường 1 (Đà Lạt), thị trấn Liên Nghĩa, xã Đà Loan, Đa Quyn, N’Thôn Hạ (Đức Trọng), xã Gia Hiệp, xã Tân Thượng, Gung Ré (Di Linh), thị trấn Madaguoi, xã Madaguoi, Đạ P’Loa, Đạ Tồn, Phước Lộc (Đạ Huoai), xã Lộc An (Bảo Lâm), thị trấn Lạc Dương, xã Đạ Nhim (Lạc Dương). Có 28 xã thuộc cấp độ 2 và 98 xã thuộc cấp độ 1.
 
Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập bổ sung 166 khu cách ly tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh có 193 khu cách ly tập trung với 14.433 giường, 3.233 phòng. Tổ chức theo dõi giám sát các trường hợp kết thúc cách ly về địa phương cư trú. Từ ca bệnh Covid-19 đầu tiên ngày 27/4/2021 đến nay, Lâm Đồng đã tiến hành cách ly 108.201 trường hợp, cụ thể cách ly tại khu cách ly tập trung 23.007 trường hợp và cách ly tại nhà, nơi lưu trú 85.194 trường hợp. Ngành y tế Lâm Đồng đã điều tra truy vết 8.175 trường hợp F1 và 18.367 trường hợp F2. 
 
Công tác xét nghiệm được triển khai rộng rãi cho một số đối tượng nguy cơ cao như lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa, lấy mẫu ngẫu nhiên trong cộng đồng tại các chợ, siêu thị... Thực hiện chủ yếu bằng test nhanh hoặc xét nghiệm mẫu gộp RT-PCR, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ thì xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR. Thực hiện xét nghiệm test nhanh tổng số 721.966 trường hợp, xét nghiệm RT-PCR tổng số 367.384 mẫu. Trong đó, số ca dương tính toàn tỉnh là 6.200 ca. 
 
Qua 4 giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành y tế Lâm Đồng đã tiến hành lấy 369.527 mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, có 3 cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2 là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh với công suất là 2.300 - 2.380 mẫu/ngày ( theo quy định của Bộ Y tế là 1.000 mẫu/ngày/triệu dân). Hiện đang tiếp tục triển khai thêm 4 cơ sở tại Trung tâm Y tế các huyện: Di Linh, Lâm Hà, Đạ Tẻh và Đơn Dương để nâng công suất lên 4.000 mẫu/ngày. 
 
Hiện, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bố trí 2 cơ sở điều trị bệnh nhân tầng 2 và tầng 3 gồm: Bệnh viện Nhi Lâm Đồng và Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, nhưng do số lượng bệnh nhân Covid-19 ít nên 2 cơ sở này vẫn đang điều trị bệnh nhân cả 3 tầng. Bên cạnh đó, có 10 Trung tâm Y tế tuyến huyện điều trị bệnh nhân tầng 1 (mức độ nhẹ và không triệu chứng). 
 
Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập 36 cơ sở thu dụng và điều trị Covid-19 mức độ nhẹ và không triệu chứng (tầng 1) với tổng số giường bệnh đã bố trí là 3.885 giường. Trong đó, có 2 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc tầng 2, 3 (mức độ năng và nguy kịch) tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng có quy mô 300 giường bệnh và tại Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng có 200 giường bệnh. 
 
Khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay là các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh, chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi; một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, chưa thống nhất dẫn tới khó khăn cho tuyến dưới trong quá trình thực hiện. 
 
Sở Y tế tỉnh dự báo tình hình dịch bệnh trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó, nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập, lây lan trong cộng đồng còn cao. Đặc biệt, trong thời gian tới số lượng người dân từ các tỉnh, thành phố, khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến, về địa phương Lâm Đồng sẽ tăng dẫn tới nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh sẽ cao. 
 
Theo Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, người về từ vùng dịch cấp 2, cấp 3 không phải xét nghiệm SARS-CoV-2 khi về địa phương, do đó, khi các trường hợp này cách ly tại nhà dương tính với SARS-CoV-2 thì ngành y tế chỉ quản lý được người cách ly, còn người nhà tiếp xúc với bệnh nhân trước đó đi lại bình thường, nguy cơ cao lây dịch ra cộng đồng. Thực tế tại Lâm Đồng, số ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng tăng là từ nguồn lây nhiễm này.
 
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã phát hiện nhiều biến thể mới và đa số các trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng, nên khó khăn cho công tác sàng lọc bệnh nhân. Nhân lực ngành y tế mỏng, đặc biệt là y tế cơ sở vừa thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, công tác tiêm chủng thường quy... trong khi chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở thấp chưa đáp ứng và động viên kịp thời. 
 
Giải pháp cần tháo gỡ hiện nay là tăng chỉ tiêu biên chế cho ngành y tế nhất là y tế tuyến cơ sở (y tế xã, huyện); đặc biệt, có chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở khi quá nhiều công việc phải kiêm nhiệm và triển khai nhiệm vụ chuyên môn và sớm ban hành quy định chế độ mắc bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế khi bị mắc bệnh Covid-19. Bộ Y tế sớm có hướng dẫn cách ly cho người tiếp xúc với F0 và F1 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có hướng dẫn bổ sung thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người về từ các vùng cấp 2, cấp 3 để các địa phương kịp thời quản lý các đối tượng nguy cơ ngăn chặn sự lây lan của dịch ra cộng đồng như thực tế đã diễn ra.
 
AN NHIÊN