Kỳ II: Hướng đến bộ máy thực sự ''Tinh'' và ''Gọn''

02:12, 29/12/2021

Là tỉnh Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 9.781,27 km², 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện và 2 thành phố;...

[links()]
 
Là tỉnh Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 9.781,27 km², 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện và 2 thành phố; 142 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 111 xã, 18 phường và 13 thị trấn với 1.376 thôn, tổ dân phố, gồm 877 thôn, 499 tổ dân phố. Dân số toàn tỉnh có 1.315.389 người, với 47 dân tộc cùng sinh sống đan xen, gồm nhiều tôn giáo khác nhau, có tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển đã tạo nên một cộng đồng đa dạng trong văn hóa cũng như phong tục tập quán.
 
Đại diện Sở Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh với Đoàn giám sát
Đại diện Sở Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh với Đoàn giám sát
 
Về cơ bản, từ khi các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến tiêu chuẩn đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực, Chính phủ và các cơ quan từ Trung ương đến địa phương có hướng dẫn về kế hoạch, phương án tổng thể; từ góc độ địa phương đã nghiêm túc, khẩn trương thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, kế hoạch để cụ thể hóa, quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo đúng quy định và thời gian theo yêu cầu.
 
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công, các ngành, địa phương đã ban hành 113 văn bản (cấp tỉnh 44, cấp huyện 69) chỉ đạo tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo từng nội dung cụ thể.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho biết: Đến nay, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã góp phần giảm đầu mối theo hướng tinh gọn, mỗi năm giảm chi ngân sách nhà nước hơn 17 tỷ 364 triệu đồng, giảm số lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức và người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, tăng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. 
 
Công tác sắp xếp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được các cấp, các ngành triển khai đảm bảo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch; công tác rà soát, đánh giá thực trạng được triển khai đồng bộ gắn với tình hình thực tế, nhờ đó Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương và được đại đa số Nhân dân ở các đơn vị hành chính liên quan tán thành.
 
Công tác sắp xếp, bố trí, giải quyết chính sách dôi dư đã được triển khai thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi chính đáng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và động viên, khích lệ, ghi nhận kịp thời đối với các trường hợp dôi dư. Công tác giải quyết những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề phát sinh đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp đưa ra các phương án giải quyết kịp thời; tổ chức, hoạt động và đời sống Nhân dân ở các đơn vị hành chính mới thành lập đến nay đã cơ bản ổn định; không phát sinh các kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác sắp xếp đơn vị hành chính và giải quyết các chế độ, chính sách sau sắp xếp.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn thực hiện việc sử dụng ngân sách để lập đề án sáp nhập đơn vị hành chính các cấp và kinh phí tổ chức lấy ý kiến cử tri (gồm: nguồn kinh phí thực hiện, định mức chi, nội dung chi, đối tượng thụ hưởng, cơ chế thanh quyết toán,...) để địa phương áp dụng triển khai đồng bộ, kịp thời trong quá trình xây dựng đề án ở địa phương. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể phương án sử dụng kinh phí dôi dư (ban hành đồng thời với kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính) để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện theo quy định. Việc sắp xếp các xã thuộc tỉnh Lâm Đồng là phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến được áp dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, công tác quản lý cũng đang được thực hiện trên không gian mạng.
 
Việc sắp xếp các xã góp phần đem lại các tác động tích cực sau: Mở rộng không gian, quy mô của một đơn vị hành chính cấp cơ sở. Giảm đầu mối cấp hành chính trực thuộc cấp huyện. Giảm tổ chức, bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị nhằm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước và chất lượng hoạt động của toàn hệ thống chính trị. Giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
 
Ngoài ra, việc sắp xếp các xã để thành lập xã mới có quy mô lớn hơn là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là các xã sắp xếp đều có quy mô diện tích và dân số quá nhỏ. Việc đầu tư của Nhà nước vào địa bàn mới sau khi sáp nhập sẽ tập trung hơn, không bị dàn trải, do đó hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của xã mới sẽ được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn, nhất là hệ thống các công trình hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa... Bên cạnh đó, một số cơ sở vật chất của các xã cũ cũng sẽ được tính toán lại, tận dụng hiệu quả bảo đảm tạo cơ hội phát triển tốt cho xã mới. 
 
Sau khi thành lập các xã mới có quy mô diện tích rộng hơn, dân cư đông, điều kiện phát triển mạnh hơn, cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nguồn vốn đầu tư cho xã mới sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, có nhiều cơ hội hơn trong việc giao lưu hợp tác và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo ra nhiều cơ hội giải quyết việc làm cho người dân, từ đó nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân..., góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương...
 
Để tiếp tục tiến tới lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2022-2030, tỉnh xác định: Đối với những đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số thì giao cho địa phương căn cứ tình hình thực tế để xem xét, quyết định. Đồng thời, có quy định chuyển tiếp áp dụng riêng đối với các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này theo hướng không áp dụng quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Đề xuất lộ trình triển khai thực hiện nên chia làm 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1, bắt đầu từ năm 2022 đến hết năm 2024. Giai đoạn 2, từ năm 2025 đến hết năm 2026, giữ ổn định để tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Giai đoạn 3, từ năm 2027 đến năm 2030. Mỗi giai đoạn phải tiến hành tổng kết, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để làm cơ sở tổ chức triển khai, sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo.
 
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo cho biết, đối với các kiến nghị, đề xuất của các địa phương như: Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 nhằm bảo đảm phù hợp theo vùng miền, với các đặc điểm, điều kiện riêng biệt khác nhau của từng địa phương; ban hành các cơ chế đặc thù đối với cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để động viên cán bộ, công chức có quá trình cống hiến lâu dài ở địa phương; Đoàn giám sát sẽ ghi nhận để kiến nghị cụ thể đến các cơ quan chức năng liên quan, xem xét, nghiên cứu giải quyết trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa việc sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030 trên cả nước.
 
 NGUYỆT THU