Chuyên gia tình nguyện vào tâm dịch

09:01, 01/01/2022
Câu chuyện của GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng - chuyên gia hô hấp - tình nguyện vào tâm dịch Bình Dương qua nhiều tháng điều trị bệnh nhân COVID-19 không phải hiếm hoi. Song đi cùng trách nhiệm của một lương y cứu người trong vùng dịch, từ đấy ông còn đưa ra một số đề xuất, giải pháp trong hoạt động điều trị COVID-19. 
 
GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ phụ trách an toàn sinh học của Trung tâm xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 tại TP Dĩ An - Bình Dương (tháng 7/2021).
GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ phụ trách an toàn sinh học của Trung tâm xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 tại TP Dĩ An - Bình Dương (tháng 7/2021)
 
  PV: Thưa GS! Xin ông chia sẻ điều gì thôi thúc ông tình nguyện vào tâm dịch Bình Dương, trong thời điểm đó, Bình Dương là “mắt bão” của dịch COVID-19?
 
  GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ: Đại dịch COVID-19 là một gánh nặng sức khỏe toàn cầu trong vòng 2 năm qua với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong rất cao ở nhiều quốc gia và trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu khi dịch COVID-19 xảy ra và lan rộng ở các nước vào tháng 3/2020, cá nhân tôi đã thấy trách nhiệm của mình là người thầy thuốc và là chuyên gia trong lĩnh vực hô hấp cần phải tham gia đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch của đất nước. 
 
Ngay từ những ngày đầu dịch COVID-19 xảy ra, tôi và tập thể cán bộ, viên chức Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Lâm Đồng đã phát minh sáng chế sản xuất ra khẩu trang giấy lọc 7 lớp có tẩm nhuộm than hoạt tính và tinh dầu húng chanh có tác dụng kháng khuẩn để gửi tặng cho các đơn vị y tế khi khẩu trang y tế khan hiếm trên thị trường. 
 
Trước khi dịch COVID-19 lan rộng tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, tôi đã gửi đơn tới lãnh đạo Bộ Y tế xin tình nguyện tham gia chống dịch tại Bắc Giang. Do vậy, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Bình Dương, tôi đã cùng với một số giảng viên và sinh viên Trường CĐYT Lâm Đồng tình nguyện đi vào tâm dịch để hỗ trợ và đóng góp một phần nhỏ chuyên môn của mình cho công cuộc phòng, chống dịch. 
 
Cũng như rất nhiều cán bộ y tế (CBYT) của cả nước và của Trường CĐYT Lâm Đồng, tôi tình nguyện tham gia chống dịch COVID-19 xuất phát từ trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, đối với ngành Y tế và đặc biệt là với người bệnh bị COVID-19. 
 
  PV: Nhớ lại những ngày làm việc tại tâm dịch Bình Dương, ông có thể chia sẻ ký ức này?
 
  GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ: Tham gia chống dịch tại Bình Dương từ tháng 7/2021 cho đến tháng 11/2021 có thể nói là khoảng thời gian có ý nghĩa nhất trong suốt quá trình 30 năm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh, phục vụ cho ngành Y tế và cũng là khoảng thời gian tôi đã có những kỷ niệm và ký ức sống động nhất về một giai đoạn cả nước chung tay phòng, chống dịch. Đây cũng là giai đoạn tôi và các đồng nghiệp là CBYT trong cả nước, cũng như tỉnh Bình Dương đã trải qua những thời điểm khó khăn, thử thách nhất trong việc đem hết năng lực chuyên môn, kiến thức chuyên ngành để cứu chữa người bệnh, cố gắng giành giật lại sự sống cho từng bệnh nhân COVID-19 nguy kịch để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người bệnh và gia đình. 
 
Tôi không thể nào quên được những cảm xúc và kỷ niệm khi tham gia chống dịch tại Bình Dương ở thời điểm làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang ở đỉnh điểm. Đặc biệt là đã tham gia các hoạt động khác nhau trong công tác phòng, chống dịch như: Tham gia thành lập Trung tâm xét nghiệm RT-PCR SARS-COV-2 dã chiến tại TP Dĩ An, tham gia tổ chức hoạt động lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng tầm soát và chẩn đoán COVID-19, tham gia “Chiến dịch tiêm một triệu liều vắc-xin trong 1 tuần của Bình Dương”, tham gia hội chẩn chuyên môn và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ tầng 1 cho đến tầng 3... 
 
Không lúc nào quên được những kỷ niệm sống động và đầy ý nghĩa khi cùng các thầy cô và sinh viên Trường CĐYT Lâm Đồng tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin tại Bình Dương, trong vòng 5 ngày, đoàn tiêm vắc-xin của chúng tôi gồm 26 thầy cô và sinh viên đã thực hiện tiêm 15 nghìn liều vắc xin bảo đảm an toàn cho người dân. Tôi đã trực tiếp khám sàng lọc và tiêm cho gần 300 - 500 người dân khỏe mạnh và người có bệnh nền mỗi ngày với cường độ làm việc cao, cật lực mỗi ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng kéo dài có khi đến 22 giờ để bảo đảm mọi người dân khi đến điểm tiêm chủng đều được tiêm vắc xin phòng COVID-19. 
 
Đây cũng là những thời điểm mà ký ức không quên được những khó khăn, vất vả, những thử thách mà các đoàn tình nguyện tiêm vắc - xin của tỉnh Bình Dương phải chạy đua với thời gian, phải chịu đựng sự khắc nghiệt về điều kiện thời tiết mưa nắng bất chợt và nhất là những buổi trưa thực hiện nhiệm vụ dưới cái nóng hơn 40 độ của những ngày cuối hè ở Bình Dương khi đi tiêm phòng COVID-19 cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh. 
 
Những kỷ niệm không quên về tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể của lực lượng CBYT, các đoàn tình nguyện, chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của bà con nhân dân địa phương cho các đoàn tình nguyện về điều kiện vệ sinh và từng hộp cơm, chai nước uống. Khơi dậy tinh thần dũng cảm của các thầy cô và sinh viên Trường CĐYT Lâm Đồng không ngại lây nhiễm, không sợ gian khổ đã vượt qua thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Một số thầy cô, các bạn sinh viên và cá nhân tôi đã trải qua một thời gian “màn trời chiếu đất” tại các khu vực dã chiến, tắm mình sát khuẩn bằng cồn 90% trong những buổi trưa nóng bức, ăn trưa tại các vùng dịch “đặc biệt đỏ” vừa tranh thủ nhai nuốt vội bữa ăn trong khi vẫn phải đeo khẩu trang N95 để tránh lây nhiễm. 
 
Tôi và các thành viên trong các đoàn tình nguyện cũng không bao giờ quên được nỗi buồn và sự lo lắng, thấu cảm với những con số mắc bệnh và số ca tử vong của người dân trong cả nước nói chung, đặc biệt của Bình Dương nói riêng trong giai đoạn tham gia chống dịch ở thời điểm cao điểm của làn sóng dịch thứ 4. Những chia sẻ với người bệnh và với gia đình có người thân mất đi vì COVID-19, những lo lắng trăn trở với những thành viên là các thầy cô và sinh viên của Trường CĐYT Lâm Đồng và các CBYT tham gia chống dịch bị nhiễm bệnh. Có lẽ ký ức cũng không thể nào quên được hình ảnh những người bệnh bị COVID-19 nặng, nguy kịch từ các bệnh nhi trẻ tuổi, các sản phụ đang mang thai cho đến các cụ già đã ngoài 90 tuổi tại Khoa Hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19 Phú Chánh. 
 
Trong suốt quá trình điều trị, tôi và tập thể CBYT của Khoa đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất, toàn diện nhất và đã cùng nhau triển khai những phương thức điều trị mới, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế đã cứu sống được nhiều trường hợp bệnh nguy kịch, giảm tỷ lệ tử vong; trong đó, chữa thành công cho những thể bệnh COVID-19 hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới.
 
  PV: Và từ tâm dịch, GS đã cứu sống nhiều bệnh nhân cũng như đề xuất một số giải pháp trong hoạt động điều trị COVID-19, ông có thể cho biết cụ thể hơn?
 
  GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ: Trong công tác phòng, chống dịch, các CBYT cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là những bệnh nhân nặng, nguy kịch. Tôi cũng đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn thông qua các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân COVID-19; đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên, liên tục cho các bác sĩ chuyên khoa và đa khoa, các điều dưỡng viên về chăm sóc, điều trị toàn diện cho bệnh nhân COVID-19. 
 
Trong thời gian tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, tôi đã tư vấn và định hướng cho địa phương về một số giải pháp giúp làm giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả với đặc thù nguồn lực địa phương trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các mức độ nặng; các giải pháp chăm sóc toàn diện người bệnh giúp giảm nguy cơ tử vong, mau hồi phục, giảm số ngày nằm viện và đặc biệt là giảm di chứng hậu COVID-19. 
 
Vào những ngày cuối tháng 9/2021, tôi cũng đã có đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia về mô hình chăm sóc toàn diện bệnh nhân COVID -19 nặng và nguy kịch, tập trung vào 5 vấn đề thiết yếu cần thiết cho người bệnh, bao gồm: Dinh dưỡng theo tình trạng bệnh và theo bệnh nền sẵn có; đối với bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, thở máy, lọc máu, thay huyết tương cần phải có bác sĩ dinh dưỡng hỗ trợ cho việc chỉ định dinh dưỡng toàn thân theo nhu cầu năng lượng phù hợp với tình trạng bệnh. Vấn đề hỗ trợ tâm lý cho người bệnh, cần có nhân viên y tế chuyên ngành về tâm lý trị liệu để hỗ trợ người bệnh trực tiếp hoặc trực tuyến, nhằm giúp người bệnh giảm lo âu, giảm stress và có niềm tin vào việc điều trị khỏi bệnh. Yếu tố tiếp theo là cải thiện chất lượng giấc ngủ bệnh nhân và cần có sự hỗ trợ của các nhân viên y tế trong việc quan tâm đến vai trò giấc ngủ trong điều trị F0 nặng, nguy kịch thông qua việc thực hiện tâm lý liệu pháp, hướng dẫn chăm sóc hỗ trợ giấc ngủ, các biện pháp giảm stress, trấn an tâm lý, tránh những yếu tố làm nặng thêm tình trạng rối loạn giấc ngủ của người bệnh, hỗ trợ điều hòa giấc ngủ bằng các liệu pháp y học cổ truyền, thư giãn liệu pháp và tập thở… Vì chất lượng giấc ngủ tốt sẽ góp phần tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe. Vấn đề thứ tư là quan tâm đến tập vận động hồi phục sớm cho bệnh nhân, tại mỗi cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 cần có CBYT chuyên ngành về Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng để tập phục hồi cho những bệnh nhân thở máy, bệnh nhân nằm điều trị lâu ngày nhằm tránh nguy cơ yếu cơ, cứng khớp và thuyên tắc mạch máu do nằm lâu và thiếu vận động. Vấn đề thứ năm trong chăm sóc toàn diện bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch là hỗ trợ chăm sóc vệ sinh thân thể, vệ sinh cá nhân cho người bệnh và hỗ trợ cho người bệnh trong việc ăn uống thông qua các nhân viên y tế được đào tạo sơ cấp. 
 
Trong thời gian qua, tôi và các chuyên gia hô hấp của Việt Nam cũng thường xuyên tham dự các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19 do Viện Hàn lâm Y học Pháp phối hợp Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, do Hội Y học Pháp - Việt phối hợp với Hội Hô hấp Việt Nam tổ chức nên cũng đã có thêm những kiến thức hữu ích để vận dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.
 
Tính tới thời điểm này, Lâm Đồng đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch COVID -19, số ca nhiễm trong cộng đồng chiếm tỷ lệ thấp. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện điều trị do COVID-19 không nhiều nên ngành Y tế vẫn chủ động kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tỷ lệ tử vong do COVID-19 cũng rất thấp. Hy vọng rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 ở địa phương Lâm Đồng và ở các tỉnh, thành tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay và trong thời gian sắp đến.
 
  PV: Cảm ơn GS đã chia sẻ câu chuyện đầu xuân với bạn đọc!
 
DIỆU HIỀN (Thực hiện)