Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp - ''chìa khóa'' nâng chất lượng nguồn nhân lực

04:01, 10/01/2022
“Học sinh trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở” - Nghị quyết số 13 về “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo”, ngày 18/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh.
 
Đồ họa: K.T
Đồ họa: K.T
 
  TỪ NGHỊ QUYẾT 13 
 
Giữa năm 2021, Đoàn giám sát 261 của Tỉnh ủy có những kết luận ,phân tích, đánh giá cụ thể các mặt, trong đó có nội dung về giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Nguyên nhân hạn chế là, nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với GDNN còn hạn chế; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật; nội dung, phương thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp (GDHN) trong các nhà trường còn chậm được đổi mới; chưa tạo ra sức hút mạnh đối với học sinh; thiếu những cơ chế, chính sách đủ mạnh để nâng cao hiệu quả công tác GDHN và khuyến khích học sinh tham gia học nghề. 
 
Để đưa Nghị quyết 13 vào cuộc sống rõ nét hơn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) Phạm Thị Hồng Hải cho biết: “Thực hiện có hiệu quả chủ trương phân luồng học sinh sau THCS và THPT, tạo điều kiện linh hoạt cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo. Kiên quyết điều tiết phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS thông qua thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa bàn theo đúng theo lộ trình, mỗi năm giảm từ 2-4%, thông qua chính sách tuyển sinh đào tạo cao đẳng, đại học. Nâng cao chất lượng GDHN, triển khai các hoạt động tư vấn học đường cho học sinh THCS nhằm định hướng nghề nghiệp cho các em; xây dựng chương trình và tổ chức dạy học phân hóa theo hướng tự chọn ở THCS. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế, xã hội, phát triển con người của địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các trường cao đẳng nghề làm tốt công tác tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào các chương trình vừa đào tạo nghề trình độ cao, vừa dạy các môn văn hóa tương đương THPT; triển khai thực hiện chương trình GDHN, hoạt động trải nghiệm thực tiễn, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương”. 
 
  THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 522
 
Đề án 522 là gọi tắt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018 - 2020” theo Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 522 ở Lâm Đồng, ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT cho biết: “Các trường đã bố trí đủ biên chế giáo viên tham gia công tác GDHN và tư vấn nghề cho học sinh lớp 9 với thời lượng 9 tiết/năm (1 tiết/tháng); các cơ sở giáo dục đã quan tâm đến công tác đào tạo và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho giáo viên; thường xuyên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và dạy nghề theo hướng tích hợp, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề được giao... Các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp sử dụng lao động có liên kết liên thông giữa đào tạo và sử dụng lao động...
 
Tuy nhiên, hướng nghiệp chưa thực sự được quan tâm đúng mức, sự tham gia của nhiều ngành, nên thiếu thông tin toàn diện về kinh tế, xã hội để học sinh lựa chọn. Dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trên thị trường lao động còn chung chung; nhiều học sinh và phụ huynh chưa xác định đúng mục đích lựa chọn nghề nghiệp, chọn nghề còn phiến diện, bị động, không phù hợp năng lực, hứng thú và điều kiện bản thân hay nhu cầu việc làm. Điều kiện kinh tế gia đình không có khả năng đầu tư cho con em học tiếp. Mặt khác, “Giáo viên giảng dạy công tác GDHN cho học sinh là giáo viên kiêm nhiệm chưa có nhiều hiểu biết sâu rộng về các lĩnh, vực ngành nghề để tư vấn đầy đủ cho học sinh; phương pháp tổ chức các hoạt động GDNN, phân luồng học sinh chưa phong phú và thiếu sáng tạo, học sinh ít được trải nghiệm tham gia vào các hoạt động nghề định hướng trong tương lai”, ông Lợi cho biết. Tuy hệ thống trường học cơ bản đáp ứng việc học tập của học sinh, nhưng công tác GDHN trong các trường phổ thông chưa hiệu quả; ngành nghề đào tạo tại hệ thống trường nghề chưa đa dạng và hấp dẫn người học. Cùng đó, thông tin thị trường lao động chưa kịp thời; các doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông, lao động giản đơn đều đòi hỏi phải tốt nghiệp THPT... 
 
Còn những khó khăn, hạn chế như vậy, nhưng 3 năm thực hiện Đề án 522, tỉnh Lâm Đồng đạt khá nhiều kết quả qua 6 tiêu chí (xem biểu đồ).
 
Cũng cần ghi nhận, công tác GDHN và phân luồng học sinh ở Lâm Đồng đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội, tác động tích cực đến việc lựa chọn học nghề của học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh THCS, THPT đăng ký học nghề thay vì tiếp tục học lên THPT (sau tốt nghiệp THCS), đăng ký tuyển sinh đại học (sau tốt nghiệp THPT) có xu hướng tăng... Đến nay, 100% trường THCS, THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ các hoạt động GDHN được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng tốt...
Mục tiêu của Lâm Đồng đến năm 2025 phấn đấu: 100% trường THCS, THPT có chương trình GDHN gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đồng thời có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.
 
MINH ĐẠO