Điểu Thị Yêu - người phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu

06:02, 28/02/2022
Không chỉ cần cù, vượt khó vươn lên thoát nghèo, sản xuất giỏi, nuôi dạy con tốt, chị Điểu Thị Yêu, Thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phụ nữ thôn.
 
Chị Điểu Thị Yêu trong vườn điều của gia đình
Chị Điểu Thị Yêu trong vườn điều của gia đình
 
Ở Thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, không ai là không biết chị Điểu Thị Yêu. Còn với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện, chị là hội viên tích cực và là gương điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất giỏi, nuôi dạy con tốt trên địa bàn huyện.
 
Kể về câu chuyện của hội viên điển hình Điểu Thị Yêu, chị Trần Thị Ngọc Lài - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cát Tiên cho hay: chị Yêu là người dân tộc Mạ, sinh ra và lên ở Thôn 4 - một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Phước Cát 2 nói riêng và huyện Cát Tiên nói chung. Sống ở thôn cách xa trung tâm xã hơn 20 cây số, trong đó, có gần 5 km đường rừng qua vườn Quốc gia Cát Tiên chưa được đầu tư cứng hóa, cũng như 100% bà con dân tộc Mạ trong thôn, gia đình chị Điểu Thị Yêu sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Gia đình đông con, lại canh tác chỉ với cây điều là cây trồng chủ yếu nên đời sống khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ quẩn quanh mãi, 4 người con lớn của chị đều nghỉ học sớm và lập gia đình riêng. Không cam chịu với sự đói nghèo, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp Hội Phụ nữ, chị Điểu Thị Yêu mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
 
5 năm trước, được sự vận động và giúp đỡ của Hội LHPN xã, chị Điểu Thị Yêu vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Với số tiền 50 triệu đồng cộng thêm sự hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất từ các hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi và lực lượng khuyến nông của địa phương, chị đã mạnh dạn đầu tư thâm canh cây điều, trồng xen canh cây cà phê dưới tán điều. Nhờ sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi, những năm gần đây, mặc dù năng suất cây điều trên địa bàn bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh và thời tiết mưa trái mùa nhưng diện tích cây điều nhà chị vẫn cho năng suất ổn định. Bên cạnh việc chăm sóc vườn điều và cà phê, chị còn nuôi thêm heo đen, bò, gà, vịt và trồng thêm rau xanh, vừa cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa nâng cao thu nhập. Từ một hộ nghèo trong thôn, đến nay, gia đình chị đã xây dựng được nhà cấp 4 kiên cố, có ti vi để xem tin tức, có điện thoại thông minh để liên lạc và khai thác các thông tin hữu ích áp dụng trong sản xuất, chăn nuôi. 
 
Không chỉ cần cù lao động, sản xuất giỏi, được sự tuyên truyền vận động, giúp đỡ, hỗ trợ của Chi hội Phụ nữ về cách nuôi dạy con cái, lợi ích của việc cho con đi học, gia đình chị Điểu Thị Yêu đã động viên và cố gắng tạo điều kiện cho con gái út đi học để có cái chữ, có nghề phát triển bản thân và giúp đỡ gia đình. Vì vậy, sau khi hoàn thành chương trình học THPT, chị Điểu Thị Yêu đã định hướng cho con gái út tham gia xuất khẩu lao động. Hiện, con gái út của chị đang xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, làm công nhân may với tiền lương mỗi tháng khoảng 45 triệu đồng, hàng tháng có thể gửi về phụ giúp gia đình chị trả nợ, chăm lo cuộc sống và phát triển sản xuất. Không chỉ cần cù, vượt khó vươn lên thoát nghèo, sản xuất giỏi, nuôi dạy con tốt, chị Điểu Thị Yêu còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phụ nữ thôn. Nhiệt tình tham gia các phong trào của Hội Phụ nữ, chị tích cực tuyên truyền vận động chị em trong thôn tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới. “Mình và chị em bây giờ đã biết trồng rau xanh và trồng cây tạo bóng mát, vừa có rau và quả để ăn vừa có thêm thu nhập. Mình cũng đã di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc xa nhà để không bị ô nhiễm môi trường sống và vận động chị em làm như vậy”, chị Điểu Thị Yêu chia sẻ. 
 
Đặc biệt, chị còn là người truyền tin tích cực mỗi khi Đảng ủy, chính quyền, Hội LHPN xã có công việc cần thông tin với chi bộ, Chi hội, Ban Nhân dân thôn. Bởi ở Thôn 4 điều kiện vùng sâu, rừng núi, sóng điện thoại chập chờn, chỉ khu vực nhà chị Yêu bắt sóng tốt nên khi có việc cần thông tin, trao đổi, lãnh đạo xã thường liên lạc với gia đình chị để nhờ thông tin lại cho những người liên quan. Và những khi đó, chị Điểu Thị Yêu lại sẵn sàng truyền thông tin kịp thời để mọi công việc của xã, của thôn được nhanh chóng triển khai. Với sự nỗ lực vươn lên trong lao động, sản xuất giỏi và là hội viên phụ nữ tích cực trong các phong trào, chị Điểu Thị Yêu là gương phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu của Thôn 4, của xã Phước Cát 2 và của huyện Cát Tiên. 
 
VIỆT HÀO