COVID trong mắt trẻ thơ

02:03, 31/03/2022
“COVID trong mắt trẻ thơ” là tên một dự án sách về đề tài COVID của Nhà xuất bản Phụ nữ được sáng tác cho trẻ em. Và trong đó, những bạn nhỏ ở thành phố Đà Lạt cũng chính là người vẽ minh họa, cũng như dịch những câu chuyện ngắn sang tiếng Anh.
 
Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm đồng hành cùng mỗi bạn nhỏ trong từng câu chuyện ở dự án “COVID trong mắt trẻ thơ”.
Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm đồng hành cùng mỗi bạn nhỏ trong từng câu chuyện ở dự án “COVID trong mắt trẻ thơ”.
 
Với 7 cuốn sách tranh cùng những câu chuyện gồm Lồng đèn bí đỏ; Cô giáo phù thủy; Chiếc bóng mùa đông; Virus có ăn được trăng rằm; Virus có ăn được mùa đông; Ngài Lu; Chuyện gì xảy ra khi rái cá vào thành phố?, dự án “COVID trong mắt trẻ thơ” khắc họa cuộc sống trong những ngày dịch bệnh hoành hành một cách đơn giản, gần gũi, đồng thời, khéo léo lồng ghép vào truyện văn hóa của một số dịp lễ hội như Trung thu, Noel, 20/11,... Bộ sách chứa những câu chuyện cảm động, nhằm làm tăng nhận thức của trẻ em về dịch bệnh, hỗ trợ tuyên truyền phòng, chống dịch và chia sẻ, hỗ trợ tinh thần cho trẻ em xa cách người thân hoặc mất người thân trong đại dịch.
 
Tác giả viết lời của dự án là cô giáo, Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm, cũng là nhà sáng lập Dự án phát triển văn hóa đọc Ô cửa sách ở Phường 10, thành phố Đà Lạt. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ từ tháng 5/2021 đã khiến các lớp đọc sách tại Ô cửa sách phải ngừng hoạt động. Thay vào đó, cô Tâm cùng các cộng sự của mình tổ chức các buổi đọc online trong chương trình “Kể chuyện trên những đám mây”, với mỗi câu chuyện được kể đều đặn với mỗi tối thứ Năm. Ban đầu là những câu chuyện có sẵn trên thư viện, sau đó thì nguồn truyện cạn dần. Và cô Tâm nhận ra, điều các bạn nhỏ muốn nghe nhất lại là những câu chuyện thật gần gũi với các bạn trong đại dịch COVID.
 
Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm chia sẻ: “Ý tưởng kể những câu chuyện về thời COVID cho các bé nghe đến với tôi trong một lần nhìn thấy một cuốn truyện tranh tự vẽ của một em bé 7 tuổi ở nước ngoài trên mạng. Em bé ấy vừa kể lại những trải nghiệm chân thực về sự xa cách, bất tiện, mất mát, vừa bày tỏ nỗi bực bội vì hoàn cảnh bí bách nhưng bên cạnh đó, em vẫn lạc quan viết: “Dù sao mình cũng được tặng thêm thời gian bên mẹ” và trên hết, em tưởng tượng về một ngày virus qua đi, em sẽ được ra ngoài và đi chơi khinh khí cầu. Biến chuyển tâm lý của em được mô tả rõ nét từ tiêu cực trở nên tích cực và tươi sáng.
 
Theo Thạc sĩ Thanh Tâm, qua những câu chuyện kể về COVID, trẻ có thể nhận thấy hình ảnh của bản thân trong mỗi câu chuyện và từ đó cảm thấy được đồng cảm và sẻ chia. Trong truyện, chúng ta có thể giải thích về đại dịch một cách dễ hiểu cũng như giải thích lý do của việc phải thay đổi lối sống để trẻ dễ chấp nhận hơn. Trong quá trình kể chuyện, người lớn cũng có thể cùng trẻ suy nghĩ giải pháp và tạo cho các bạn nhỏ niềm tin rồi mọi việc sẽ ổn. Hoặc ít ra, việc kể chuyện cũng có thể đem lại cho các bạn nhỏ niềm vui, cảm giác gắn kết với các thành viên trong gia đình và cảm giác bình yên giữa đại dịch.
 
Đó chính là lý do để Thạc sĩ Thanh Tâm kiên trì viết và kể những câu chuyện thời COVID cho trẻ. Rất nhiều bạn nhỏ đã thích thú và ao ước các truyện này sẽ được xuất bản thành sách tranh hoàn chỉnh. Cơ hội đến khi cuối tháng 11/2021, cô nhận được lời đề nghị hợp tác của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam để xuất bản các truyện về COVID này dưới dạng sách tranh.
 
“Vì trước đây, tranh minh họa đều được vẽ trên máy tính một cách sơ sài nên tôi cần hoàn thiện lại khâu vẽ minh họa một lần nữa. Lúc đó, ngay lập tức tôi nhớ lại những điều mình đã ấp ủ từ lâu trong dự án Ô cửa sách là để các bạn nhỏ cùng cho ra đời một bộ sách, và đây là cơ hội. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng khi trẻ được trao niềm tin, trẻ sẽ hoàn thành công việc và sáng tạo không thua kém gì người lớn. Vì thế, tôi đã tập hợp các bạn nhỏ thân thiết của Ô cửa sách và dựa vào khả năng của các bạn để cho các bạn chọn truyện để vẽ, dịch sang tiếng Anh” - Thạc sĩ Thanh Tâm cho biết.
 
Vậy là, một đội ngũ sáng tác đặc biệt được ra đời, đội ngũ họa sĩ có 7 bạn nhỏ, mỗi bạn nhỏ phụ trách một truyện. Đội ngũ dịch giả có 4 bạn. Tất cả các bé đều sinh từ năm 2010-2015, tức là đều không quá 11 tuổi. Qua một tháng làm việc đầy say mê và trách nhiệm, các con đã hoàn thành dự án với những nét vẽ hồn nhiên, đáng yêu, tự do và phóng khoáng và lời dịch đầy sự sáng tạo.
 
Mất 2 tuần để dịch xong quyển truyện Ngài Lu sang tiếng Anh, Sinh Hùng - cậu bé 11 tuổi cho hay: “Ngoài đời, Lu cũng là chú chó rất thân thiết với con, câu chuyện con dịch cũng dựa trên câu chuyện thực tế của con Lu. Vậy nên lúc dịch con cảm thấy rất vui như chính mình được kể chuyện và thấy hạnh phúc khi mình được đóng góp vào quyển sách này”.
 
Theo chị Lục Minh Thư - Người hỗ trợ Dự án “COVID trong mắt trẻ thơ”, điểm đặc biệt của bộ sách là do người lớn viết nhưng trẻ em vẽ minh họa, trẻ em dịch. Thông qua đó, các con hiểu rõ nhất thông điệp mà các câu chuyện muốn truyền tải. Đây là bộ sách đầu tiên có sự hợp tác giữa người lớn và trẻ em một cách bài bản, trong đó, trẻ em được nhìn nhận như những người trưởng thành trong công việc: có ký kết hợp đồng lao động, có quy trình làm việc chặt chẽ, trẻ em được tôn trọng và trẻ em tự tin thể hiện bản thân. Từ đó, dự án hướng đến quảng bá mô hình sách “Do trẻ em làm - Cho trẻ em đọc” để tăng nhận thức cộng đồng về việc thúc đẩy sự sáng tạo của trẻ em, truyền thông điệp trẻ em có khả năng chủ động thực hiện các công việc liên quan đến sáng tạo.
 
Cùng đồng hành với con gái Thuần Nhiên 9 tuổi và tự hào với từng nét vẽ, từng lời dịch của con, chị Đinh Lý Đoan Thục chia sẻ: “Khi được cô giáo phân công công việc cụ thể, Nhiên tham gia rất hào hứng vì sách và vẽ vốn dĩ đã là những thứ mà con thích nhất. Sau khi hoàn thành công việc của mình, con còn ngồi ngắm tranh của các bạn khác và đọc hết các truyện còn lại. Điều này cũng giúp con có thêm hoạt động giải trí trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 ít được ra ngoài”. Và cũng như Thuần Nhiên, các bạn nhỏ khác tham gia dự án cũng chưa biết hợp đồng lao động là gì, nhưng sau khi được phụ huynh giải thích thì tất cả đều thêm tự hào về những giá trị mà mình tạo ra. 
 
“COVID trong mắt trẻ thơ” dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 4/2022, đồng thời, tiếp tục được phổ biến rộng rãi bằng các bản đọc bằng tiếng Anh trên kênh Youtube do chính các bé kể chuyện, cùng các hoạt động trò chơi đi kèm do các bé sáng tạo nên.
 
VIỆT QUỲNH