Hội thảo triển khai giấy chứng nhận điện tử tiêm vắc xin Covid-19

12:03, 23/03/2022
(LĐ online) - Hội thảo triển khai giấy chứng nhận điện tử tiêm vắc xin Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố được tổ chức vào chiều qua 22/3.
 
Tại các điểm cầu Lâm Đồng tại Sở Y tế tỉnh và các đơn vị trực thuộc, tham dự hội thảo có DSCKII Huỳnh Thị Phương Duyên - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng và các trưởng, phó Phòng Nghiệp vụ Y; chuyên viên phụ trách công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Covid-19; cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của Văn phòng Sở Y tế; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, Trung tâm Y khoa Pastuer Đà Lạt và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trong tỉnh. 
 
Chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và sự tham dự của Đại sứ Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam. Thông tin từ hội thảo cho biết, Đại sứ quán Anh và Tổ chức PATH (Tổ chức Y tế toàn cầu phi lợi nhuận) hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam để liên kết dữ liệu tiêm chủng quốc gia vắc xin phòng Covid-19 theo chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển trong và ngoài nước. 
 
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết: Hiện tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam đã đạt mức rất cao trong khu vực và quốc tế, là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất thế giới. Tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi gần 100%, phủ 2 mũi 99% và tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt 43,5%. Đối với người từ 12 đến 17 tuổi đã bao phủ 1 mũi đạt 99% và 2 mũi 94%. 
 
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin cho các hoạt động như thu thập dữ liệu để phòng chống dịch bệnh. Việc áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong bối cảnh hiện nay sẽ đẩy mạnh việc sử dụng các hệ thống số hóa và đáp ứng nhanh khi thế giới đang dần tiến tới trạng thái bình thường mới.
 
Việt Nam hiện đang dần bước vào giai đoạn phục hồi hoạt động kinh tế xã hội. Chính phủ đã tuyên bố chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022. Trong khuôn khổ dự án hợp tác, Bộ Y tế đã phối hợp với tổ chức PATH và với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh để liên kết dữ liệu tiêm chủng quốc gia theo chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển trong và ngoài nước.
 
Từ cuối năm 2021, Việt Nam đã nỗ lực phát triển giấy chứng nhận tiêm vắc xin phòng Covid-19 điện tử để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại. Chứng nhận tiêm chủng điện tử hiển thị các thông tin cá nhân và thông tin tiêm chủng của người sử dụng thông qua mã QR có hạn sử dụng là 12 tháng.
 
Từ đầu đại dịch đến nay, tổ chức PATH đã hợp tác hỗ trợ các cơ quan chính phủ và đối tác quốc tế để phát triển và triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tăng cường hệ thống giám sát và báo cáo dịch bệnh; đồng thời, đánh giá và giải quyết các lỗ hổng trong việc đáp ứng nguồn cung cấp oxy và chăm sóc hô hấp.
 
Tại hội thảo, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc tiêm chủng mũi 3 cho người trên 18 tuổi, bao phủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức buổi tiêm chủng, thực hiện ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 như nhập thông tin đối tượng tiêm chủng, báo cáo kết quả tiêm, xử lý các phản ánh...
 
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu Cục Công nghệ thông tin tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc thí điểm việc ký số chứng nhận điện tử tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. 
 
AN NHIÊN