Đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại Đức Trọng

03:04, 05/04/2022
Triển khai chương trình nông thôn mới gắn với việc thực hiện công tác dân tộc, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) huyện Đức Trọng ngày càng được nâng cao, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. 
 
Huyện Đức Trọng tổ chức phiên giao dịch việc làm tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người dân trên địa bàn
Huyện Đức Trọng tổ chức phiên giao dịch việc làm tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người dân trên địa bàn
 
Đức Trọng có tổng số dân là 190.822 người, trong đó, ĐBDTTS là 63.118 người, chiếm tỷ lệ 33,4% dân số toàn huyện, với 20 dân tộc thiểu số cùng sinh sống xen kẽ trên địa bàn các xã, thị trấn, tạo nên bản sắc phong phú, đa dạng, với các dân tộc anh em như: Cơ Ho, Chu Ru, Tày, Thái, Mường, Khơ Me, Hoa, Mạ...
 
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, UBND huyện Đức Trọng; sự hưởng ứng nhiệt tình và tham gia tích cực về mọi mặt của các tầng lớp Nhân dân trong huyện, đến nay, kinh tế - xã hội của huyện ngày càng khởi sắc, các chính sách đầu tư đã có tác động lớn đến mọi mặt đời sống của Nhân dân, đặc biệt là người dân vùng ĐBDTTS. Hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện; hệ thống y tế, giáo dục và công tác vệ sinh môi trường ngày càng được quan tâm và đạt hiệu quả tích cực, an ninh trật tự được đảm bảo.
 
Tính đến nay, toàn huyện Đức Trọng có 100% các thôn có điện lưới Quốc gia, trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng đạt an toàn thường xuyên đạt 99,8%. Toàn huyện có 14/14 xã có nhà văn hóa xã đạt chuẩn về diện tích và chỗ ngồi; 100% trung tâm văn hóa - thể thao xã được bố trí đầy đủ các phòng chức năng, công trình phụ trợ và cơ sở vật chất trang thiết bị đảm bảo tổ chức các hoạt động cộng đồng thường xuyên, cũng như các sự kiện tập trung; 14/14 xã đều có khu thể thao riêng, với diện tích trên 2.000 m2, xây dựng các sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn...
 
Cũng theo UBND huyện Đức Trọng, đến năm 2020, các xã trên địa bàn huyện không còn hộ nào ở trong nhà tạm, dột nát. Giai đoạn 2016-2020, các xã tiến hành tập trung các nguồn lực tu sửa nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn, đảm bảo không có nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, triển khai vận động người dân tự đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhà cửa nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch” và nâng cao tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng.
 
Cũng trong giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Đức Trọng tăng đáng kể. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,1 triệu đồng/người/năm, thì đến cuối năm 2020, con số này là 60,7 triệu đồng/người năm. Để đạt được kết quả trên, huyện Đức Trọng đã tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển mọi lĩnh vực như: Công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Đặc biệt, huyện cũng khai thác mọi tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển các ngành kinh tế, từ đó, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.
 
Song song với đó, huyện đã thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo như hỗ trợ dạy nghề gắn với việc làm, chính sách về y tế, hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo; thực hiện hiệu quả dự án tín dụng ưu đãi... đã tạo điều kiện về vốn cho hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, góp phần giảm hộ nghèo chung của toàn huyện. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 0,58%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn 1,14% và đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là ĐBDTTS giảm xuống còn dưới 1,1%.
 
Cùng đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng Nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới luôn được quan tâm chỉ đạo. Năm 2020, 14/14 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn Liên Nghĩa xây dựng “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.
 
Các di sản văn hóa vật thể, các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống được sưu tầm, bảo tồn, phát huy; các hoạt động kinh doanh văn hóa phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao đảm bảo đúng quy định của luật và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân... 
 
NHẬT MINH