''Bảo đảm giáo dục tối thiểu'' - 10 năm thực hiện chính sách xã hội

06:05, 26/05/2022
“Bảo đảm giáo dục tối thiểu” là nhiệm vụ cốt lõi của ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nêu tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, ngày 1/6/2012. Là địa phương đặc thù giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, 10 năm qua, tỉnh Lâm Đồng và ngành Giáo dục tỉnh đã thực hiện đạt nhiều hiệu quả. 
 
Niềm hạnh phúc của trẻ em dân tộc Mạ, buôn Tố Lan, Đạ Tẻh được đến trường
Niềm hạnh phúc của trẻ em dân tộc Mạ, buôn Tố Lan, Đạ Tẻh được đến trường
 
•  QUÁN TRIỆT TRIỂN KHAI CHỈ ĐẠO CỦA CÁC CẤP
 
Ghi nhận nỗ lực của địa phương các cấp và ngành Giáo dục là đến hết năm 2020, mạng lưới trường học các cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được quy hoạch hợp lý, phủ kín các địa bàn dân cư. Trường mầm non, nhóm trẻ có tận các thôn, bản; mỗi xã, phường ít nhất một trường tiểu học, THCS và trường THPT phát triển đến cụm xã. Không chỉ số lượng, các trường/điểm trường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học và thực hành được quan tâm đầu tư đáp ứng tốt nhiệm vụ tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. 
 
Đường hướng để Đảng ủy Sở GDĐT Lâm Đồng triển khai, tổ chức thực hiện trong toàn ngành, trước hết là Nghị quyết số 15, ngày 1/6/2012 của Trung ương 5 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và Kết luận số 92, ngày 5/11/2020 của Ban Chấp hành Trung ương. Thực tiễn cụ thể hóa bằng các văn bản như Nghị định 20/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (XMC); Thông tư 07/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT hay Chương trình hành động số 33 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”...
 
•  ĐẠT CHUẨN PCGD Ở CÁC BẬC HỌC 
 
Thực hiện chương trình XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ ở Lâm Đồng cho thấy: 98% đối tượng từ 15 - 25 tuổi và 15 - 35 tuổi biết chữ mức độ 1, với tổng số hai đối tượng này là 478.461 người. Ở đối tượng từ 15 - 60 tuổi, có 806.702 người biết chữ mức độ 1, chiếm tỷ lệ 96,4%. Đến hết tháng 12/2020, Lâm Đồng đã đạt 142/142 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn XMC; 12/12 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn XMC mức độ 2. Thực tế cho thấy, kết quả XMC của Lâm Đồng những năm qua tương đối ổn định và đúc kết được nhiều bài học để bổ sung những giải pháp thiết thực. 
 
Về phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ em 5 tuổi, có 3 địa phương là Đạ Huoai, Đơn Dương, thành phố Đà Lạt và 74 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn (tỷ lệ 50%) vào năm 2012. Năm 2013, công nhận thêm 5 huyện, thành phố: Di Linh, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Lâm Hà, Bảo Lộc và 125 xã, phường, thị trấn, tỷ lệ 84,45%. Năm 2014, công nhận 4 huyện Đam Rông, Cát Tiên, Bảo Lâm, Lạc Dương và 144 xã, phường, thị trấn, tỷ lệ 97,96%. Tháng 12/2014, 12/12 huyện, thành phố được công nhận. Đây là cơ sở để Bộ GDĐT công nhận tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi vào tháng 6/2015. Và cuối năm 2020, 142/142 xã, phường, thị trấn, 12/12 huyện, thành phố đều đủ điều kiện công nhận duy trì kết quả đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. 
 
Đối với PCGD tiểu học, tháng 4/1997, Lâm Đồng được công nhận đạt chuẩn XMC-PCGD tiểu học; tháng 12/2007, tỉnh hoàn thành PCGD tiểu học. Tháng 12/2008, Lâm Đồng đã có 140/145 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi, tỷ lệ 96,55%; tháng 10/2009, 144/148 xã, phường, thị trấn (tỷ lệ 97,3%) và 100% xã, phường, thị trấn cán đích vào tháng 12/2011… Đến tháng 12/2020, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành những mục tiêu xuất sắc về PCGD tiểu học: 142/142 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn; 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn mức độ 3; tỉnh đạt chuẩn mức độ 3. 
 
Cùng đó là PCGD trung học cơ sở, Lâm Đồng được công nhận đạt chuẩn tháng 12/2008 với 143/148 xã, phường, thị trấn (chưa đạt còn 5 xã: Tà Nung (Đà Lạt), Mỹ Đức (ĐạTẻh), Lộc Bảo (Bảo Lâm), Phước Lộc (Đạ Huoai) và Đồng Nai Thượng (Cát Tiên). Trong 3 năm (2010 - 2012), các xã này lần lượt được công nhận, công nhận lại, trong đó, xã Lộc Bảo là địa phương cuối cùng. Kết quả được duy trì cả 142/142 xã, phường, thị trấn, trong đó, đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 tại 11 huyện, thành phố (huyện Đam Rông mức độ 1).
 
QUAN TÂM GIÁO DỤC DÂN TỘC 
 
Vấn đề chính sách xã hội đối với giáo dục còn có nhiệm vụ phát triển trường dân tộc nội trú, mở rộng mô hình trường bán trú, nhà trẻ trong khu công nghiệp và vùng nông thôn. Năm học 2020 - 2021, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) của Lâm Đồng cụ thể như sau: mầm non 16.201 trẻ (tỷ lệ 22,19%); tiểu học 38.055 học sinh (29,46%); THCS 22.593 học sinh (24,55%) và THPT 7.993 học sinh (18,31%), tỷ lệ này căn cứ vào tổng số học sinh toàn tỉnh. Hiện nay, Lâm Đồng có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cấp tỉnh, 8 trường PTDTNT cấp huyện. Đây là hệ thống cơ sở giáo dục vừa thực hiện chính sách xã hội vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ cho tỉnh. Tỷ lệ học sinh người DTTS học trường PTDTNT so với tổng số học sinh DTTS ở cấp THCS chiếm 8,83%; cấp THPT chiếm 8,36%. Tỷ lệ học sinh DTTS tham gia học tập tại các trường PTDTNT năm học 2020 - 2021 bậc THCS 97,70% và bậc THPT 98,24%.
 
•  VẪN CÒN NHỮNG KHOẢNG CÁCH CẦN TIẾP TỤC THU HẸP 
 
Những số liệu trên có thể ghi nhận chung là giáo dục Lâm Đồng đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ “Bảo đảm giáo dục tối thiểu” như nghị quyết đề ra. Để tiếp tục triển khai chính sách xã hội hiệu quả hơn, ngành Giáo dục và toàn xã hội cần khắc phục được những hạn chế và khó khăn trong thực tế. Trước hết, nâng chất lượng giáo dục nói chung để đạt tính vững chắc ở một số địa bàn vùng sâu, vùng dân tộc; và nâng trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm giảng dạy của đội ngũ giáo viên THPT vùng sâu nói riêng để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Một nhiệm vụ thường xuyên và là áp lực đối với các trường học, đòi hỏi ngành Giáo dục, các ngành liên quan, địa phương và phụ huynh phải vượt qua là nâng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp, hiện, Lâm Đồng còn thấp so với mặt bằng chung cả nước.
 
Qua thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy, việc tổ chức bán trú tại các lớp mẫu giáo lẻ ở vùng khó khăn còn gặp nhiều bất cập do thiếu cơ sở vật chất; tiến độ thực hiện các chương trình xây dựng trường, lớp còn chậm, các điểm trường tuy có nhà vệ sinh nhưng đã xuống cấp… Mặt khác, thực hiện hiệu quả chính sách xã hội là lượng hóa được việc tăng cường đồng bộ cơ sở vật chất trường học. Để đạt chuẩn quốc gia về trường học, phù hợp tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cần tính toán và quan tâm thực sự việc bố trí diện tích trường học và số lượng phòng học ở nhiều điểm trường hiện còn thiếu…
 
MINH ĐẠO