Đà Lạt: Đưa Quy tắc ứng xử văn hóa vào đời sống

06:05, 31/05/2022
Một kế hoạch cụ thể đã được UBND thành phố Đà Lạt xây dựng cho 4 năm đến, từ 2022 tới 2025, nhằm từng bước đưa “Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt” đã được thành phố ban hành đi vào đời sống. 
 
Nhiều gương người tốt, việc tốt được UBND thành phố Đà Lạt tuyên dương định kỳ trong thời gian vừa qua
Nhiều gương người tốt, việc tốt được UBND thành phố Đà Lạt tuyên dương định kỳ trong thời gian vừa qua
 
•  XÂY DỰNG “THÀNH PHỐ ĐÁNG SỐNG”
 
Với 3 chương, 16 điều, Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt được UBND thành phố Đà Lạt ban hành đầu tháng 4/2022.
 
Đây là đúc kết của một đề tài nghiên cứu khoa học trước đó “Giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Đề tài này được UBND thành phố Đà Lạt nghiệm thu, công nhận kết quả và chuyển giao ứng dụng.
 
Trong Điều 1 và Điều 2 bảng Quy tắc quy định cách ứng xử của người Đà Lạt và các tổ chức, cá nhân đang công tác, học tập, làm việc, tham quan nghỉ dưỡng trên địa bàn Đà Lạt. Tất cả nhằm góp phần giữ gìn phong cách hiền hòa, thanh lịch và mến khách, tuân thủ theo các chuẩn mực trong ứng xử của tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Đà Lạt lâu nay; góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, hội nhập, phát triển, đưa Đà Lạt thành một “Thành phố đáng sống”.
 
Nhiều quy định chung đã được đưa ra cho tất cả mọi người trên thành phố, yêu cầu mọi người phải tuân thủ các quy định của pháp luật nói chung và quy định của địa phương nói riêng: ứng xử hiền hòa, thanh lịch và mến khách; sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với đặc trưng văn hóa, khí hậu Đà Lạt; giúp đỡ hỗ trợ người dân và du khách khi có khó khăn, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, giới tính trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội; yêu thương, giúp đỡ, ưu tiên người lớn tuổi, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ mang thai khi tham gia các quan hệ xã hội; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thành phố.
 
Bảng Quy tắc cũng đưa ra các ứng xử văn hóa riêng dành cho từng nhóm đối tượng ở Chương 2, trong đó, có ứng xử văn hóa dành cho công chức, viên chức (Điều 5); cho học sinh, sinh viên (Điều 6); cho người bán hàng (Điều 7); cho cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (Điều 8); cho cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống (Điều 9); cho các cơ sở kinh doanh khác (Điều 10); cho cộng đồng dân cư (Điều 11); cho các hộ gia đình (Điều 12); ứng xử văn hóa cho khách du lịch (Điều 13). 
 
Chịu trách nhiệm triển khai các Quy tắc ứng xử văn hóa này là các phòng, ban, đơn vị của thành phố như Phòng Văn hóa - Thông tin; Phòng Giáo dục Đào tạo; Phòng Nội vụ; Phòng Kinh tế; Phòng Quản lý Đô thị; Ban Quản lý Chợ Đà Lạt; UBND các phường, xã trên địa bàn... UBND thành phố cũng nêu rõ rằng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt bộ Quy tắc sẽ được biểu dương, khen thưởng, tôn vinh; trong trường hợp vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiên thông tin đại chúng, nếu vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét xử lý theo quy định.
 
ĐỂ ĐƯA QUY TẮC ỨNG XỬ VĂN HÓA VÀO ĐỜI SỐNG 
 
Nhằm hiện thực hóa những quy tắc ứng xử văn hóa trên vào đời sống, ngày 23/5/2022, UBND thành phố Đà Lạt đã tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện bộ Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt trên địa bàn thành phố cho cả 1 giai đoạn 4 năm, từ nay đến năm 2025. 
 
Mục tiêu hướng đến là việc hình thành những chuẩn mực văn hóa, điều chỉnh lời nói, thái độ hành vi của cá nhân, tổ chức trong hoạt động giao tiếp ứng xử, kinh doanh, buôn bán trên địa bàn; giữ gìn và phát huy truyền thống người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. 
 
Trọng tâm chính của việc đưa bộ Quy tắc này vào đời sống vẫn là công tác truyền thông do các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện, thông qua nhiều hình thức như sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, họp dân, phát tờ rơi đến tận nhà dân và đến với khách du lịch; lồng nghép nội dung Quy tắc ứng xử văn hóa vào chương trình ngoại khóa học đường ở các cấp học phổ thông, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn; lồng ghép nội dung của Quy tắc ứng xử văn hóa vào các chương trình tập huấn, các hội thi, hội diễn văn nghệ trên địa bàn thành phố hằng năm; bổ sung tiêu chí thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa vào việc bình xét các danh hiệu văn hóa hiện nay. 
 
Cụ thể, UBND Đà Lạt đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; các đoàn thể như Thành Đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... xây dựng kế hoạch tuyên truyền trong hội viên, đoàn viên của mình. Đà Lạt cũng chọn một số đơn vị xây dựng mô hình điểm cấp thành phố trong thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa, trên cơ sở kết quả đạt được để tiến đến nhân rộng mô hình. 
 
Với Phòng Giáo dục - Đào tạo, UBND Đà Lạt yêu cầu chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan chọn 2-3 trường trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông để triển khai mô hình điểm xây dựng trường học mang phong cách ứng xử văn hóa người Đà Lạt rồi sau đó nhân rộng ra trong các năm học kế tiếp. Cùng đó, Phòng Nội vụ Đà Lạt được yêu cầu phổ biến Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt trong khối cán bộ công chức, viên chức và người lao động; lồng ghép việc thực hiện quy tắc ứng xử này trong kiểm tra thực thi công vụ. Phòng Kinh tế và các phòng, ban, chức năng chịu trách nhiệm vận động, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện các nội dung trong Quy tắc ứng xử văn hóa; Chợ Đà Lạt triển khai thí điểm mô hình bán hàng theo phong cách người Đà Lạt đối với các hộ tiểu thương kinh doanh tại đây.
 
Riêng với UBND cấp phường, xã, UBND Đà Lạt yêu cầu triển khai việc thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa đến tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đóng chân trên địa bàn của địa phương mình; lồng ghép nội dung của bộ Quy tắc ứng xử văn hóa vào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tổ chức phát động và ký cam kết thi đua thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trên địa bàn mình. Theo yêu cầu mỗi phường, xã tại Đà Lạt trong năm 2022 này sẽ chọn 10 hộ kinh doanh tham gia thí điểm “Người Đà Lạt hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”, cuối năm có đánh giá kết quả thực hiện để tiến hành nhân rộng mô hình này trên địa bàn trong các năm đến.
 
VIẾT TRỌNG