Tháng 5 về quê hương Bác Hồ

05:05, 19/05/2022
Tháng 5, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn và tỉnh Nghệ An năm nay càng rạo rực niềm vui và tự hào với chuỗi sự kiện Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022). Lòng người quê xứ Nghệ cùng hòa trong tâm cảm của du khách thập phương một cảm xúc thành kính về vị lãnh tụ kính yêu...
 
Hoa tươi thành kính của du khách đến từ tỉnh Cà Mau
Hoa tươi thành kính của du khách đến từ tỉnh Cà Mau
 
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Nghệ An cho biết, năm nay, Lễ hội Làng Sen - Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc diễn ra từ ngày 17 - 28/5 tại Nghệ An với nhiều chương trình, hoạt động đặc sắc. Các hoạt động phần lễ bao gồm: lễ dâng hoa, dâng hương, rước ảnh Bác tại Nhà tưởng niệm Bác và đền Chung Sơn, Khu di tích Kim Liên.
 
Khai mạc Lễ hội và Liên hoan là chương trình nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” nhằm tưởng nhớ, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi sự đổi mới của quê hương Nghệ An, mừng ngày hội của quê hương làng Sen. Chương trình do Sở VHTT Nghệ An chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức tại sân vận động Làng Sen. Chương trình nghệ thuật “Từ làng Sen đến thành phố mang tên Bác” gồm 4 phần (Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người; Nghệ An - Làng Sen quê Bác; Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác và Từ Làng Sen đến thành phố mang tên Bác). Sân khấu là những tà áo dài sen do các nhà thiết kế, người mẫu Thành phố Hồ Chí Minh trình diễn, sẽ đọng lại nơi người xem về câu chuyện văn hóa từ hình ảnh chiếc áo bà ba, áo tứ thân đến áo dài. Chương trình do 2 Sở VHTT Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An phối hợp tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh…
 
Chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng Sen” tôn vinh hình tượng bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ gồm 3 phần:Người mẹ Làng Sen; Thanh cao tình mẹ; Hương sen hội tụ đất trời. Sự kiện mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao quý của hình tượng hoa sen trên chất liệu âm nhạc đậm chất dân gian sâu lắng và chuyên nghiệp. Chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Sở VHTT và Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An tổ chức tại đền Chung Sơn, xã Kim Liên. Trong khuôn khổ Lễ hội, còn nhiều sự kiện hấp dẫn khác như: Cuộc thi “Sắc Sen xứ Nghệ”; trưng bày chuyên đề ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh; trình diễn dân ca Ví, Giặm của 21 đoàn đến từ các huyện, thành phố của tỉnh Nghệ An; trưng bày không gian ẩm thực, không gian sản phẩm ứng dụng từ sen; triển lãm ảnh nghệ thuật “Đời Sen” của nhiếp ảnh gia Trần Bích; thi ảnh online “Hello Nam Đàn”; các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian… diễn ra từ ngày 14 - 19/5.
 
Cả gia đình vào tham quan quê Bác trong niềm hạnh phúc
Cả gia đình vào tham quan quê Bác trong niềm hạnh phúc
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long chia sẻ với báo giới rằng, Lễ hội Làng Sen năm nay là chương trình văn hóa đặc biệt, sau 2 năm tỉnh dừng các lễ hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thông qua lễ hội nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người xứ Nghệ, lan tỏa giá trị văn hóa, loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương và dân tộc Việt Nam và thỏa mãn đời sống tinh thần của Nhân dân. Từ năm 1981, phong trào ca hát về Bác Hồ, về Tổ quốc, về Đảng ra đời với tên gọi Liên hoan tiếng hát Làng Sen; đến năm 2022, Liên hoan được nâng lên thành Lễ hội Làng Sen, quy mô cấp tỉnh, tổ chức hàng năm và cứ 5 năm một lần được tổ chức cấp toàn quốc vào dịp sinh nhật Bác. Lễ hội Làng Sen năm 2022 đang hướng đến sự hoàn thiện để từng bước chuẩn bị nâng tầm thành lễ hội quốc gia. “Một trong những đổi mới năm nay là Lễ rước ảnh Bác sẽ chủ động về quy mô số lượng người tham gia đông hơn, đồng thời, phát huy về hiệu ứng của ánh sáng”, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên Hà Văn Vinh cho chúng tôi biết.
 
***
 
Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 được quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Ly Ly cho hay, đây là hoạt động định kỳ của Bộ, tổ chức 2 năm một lần. Liên hoan năm nay diễn ra từ ngày 17 - 28/5, có 250 diễn viên, nghệ sĩ đến từ 11 đơn vị với 16 vở diễn (9 vở Tuồng, 7 vở Dân ca). Hội về chung sân khấu là dịp để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm tòi những cái mới trong lao động nghệ thuật; góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, lan tỏa trong đời sống tinh thần Nhân dân. “Ở những kỳ liên hoan trước, có những vở diễn chỉ có 20 - 30 khán giả đến xem, những nghệ sĩ biểu diễn cũng rất chạnh lòng bởi nhiều người chưa quan tâm đến các tác phẩm Tuồng và Dân ca - sản phẩm sáng tạo có giá trị văn hóa dân gian. Chúng tôi mong rằng, kỳ liên hoan này sẽ có nhiều khán giả tới sân khấu, thưởng thức các vở kịch giàu nghệ thuật truyền thống”, bà Ly Ly nói.
 
***
 
Trong dịp Lễ hội Làng Sen năm 2022, tỉnh Nghệ An cũng tiến hành khởi công một số công trình, hạng mục như: Công trình Khu du lịch văn hóa thuộc Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên; Công trình xây dựng thác 9 tầng tại Khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên Hà Văn Vinh cũng chia sẻ với chúng tôi: “Những công trình mới của Khu di tích được đưa vào sử dụng đã tạo nên không gian vừa đẹp mang nhiều ý nghĩa, đó là xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ, nâng cấp xây dựng ao cá Bác Hồ, cảnh quan khu mộ bà Hoàng Thị Loan... Cá được mang từ chính ao cá Bác Hồ tại Khu Phủ Chủ tịch, Hà Nội, đến nay đã phát triển nhiều, du khách rất thích thú đến điểm này để thưởng ngoạn và chụp ảnh lưu niệm. Nhà nước cũng đã phê duyệt dự án tổng thể toàn Khu di tích”. Sức hút của Khu di tích Kim Liên ngày càng lan tỏa và lớn mạnh. Riêng tháng 4 và dịp lễ 30/4-1/5 vừa rồi, theo ông Hà Văn Vinh, đơn vị đã đón 5.265 đoàn với 63.707 lượt người; trong đó, 14 đoàn nước ngoài với 29 người từ 9 quốc tịch. Ban Quản lý Khu di tích đã làm lễ tưởng niệm cho 42 đoàn. Thời điểm chúng tôi có mặt, hàng trăm học sinh các trường học và nhân viên các công ty từ các tỉnh, thành trong nước đến với Khu di tích. Có nhiều đoàn mang hoa tươi đến tưởng niệm. Một trong những đoàn đó là gia đình anh Trần Văn Tuy, quê ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Trong tay ôm bó hoa tươi, anh Tuy bùi ngùi chia sẻ: “Chúng tôi vừa mới ra, lần đầu tiên được biết đến những cảnh vật nơi sinh ra Bác Hồ thật quá xúc động…!”.
 
***
 
Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, quê nội và quê ngoại của Bác Hồ không chỉ có Khu di tích quốc gia đặc biệt, mà còn là địa phương điển hình về xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đến UBND xã, Chủ tịch Nguyễn Quang Lộc đang chủ trì cuộc họp với các xóm mới kết thúc. Chiều muộn, Chủ tịch Lộc mới chia sẻ được với chúng tôi những thông tin về phát triển kinh tế - xã hội của xã. Năm 2021, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, ước đạt 6,32%. Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) ước 508,490 tỷ đồng, đạt 99,34% kế hoạch, tăng 7,31 % so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người/năm 52,4 triệu đồng, tăng 2,7 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ trọng ngành Nông, Lâm, Thủy sản chiếm 29,67%, giảm 1,56 %; ngành Công nghiệp, xây dựng chiếm 32,96%, tăng 1,15 % và ngành Dịch vụ chiếm 37,37%, tăng 0,4%. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 ước đạt 19.844,5 triệu (bằng 54,4%), tăng 206% so với thực hiện năm 2020… Kết thúc năm học 2020 - 2021, 5/5 trường học của Kim Liên tiếp tục giữ vững trường chuẩn quốc gia, trong đó, 4 trường đạt chuẩn mức 2 (3 trường: Tiểu học Làng Sen, Tiểu học Hoàng Trù và Mầm non Hoàng Trù chuẩn mức độ 2 lần thứ 2)...
 
Tháng 5 năm nay, du khách đến với xã Kim Liên, mạng lưới giao thông càng khang trang, thông thoáng. Những nẻo đường thôn được nâng cấp bê tông hóa sạch đẹp, từ các xóm Liên Sơn, Vân Hội, Nương Hội, Liên Hồng,... Huyện và xã đã đầu tư 32,9 tỷ đồng xây dựng các hạng mục hạ tầng giao thông, trường học, trung tâm văn hóa, nhà thi đấu đa năng, kênh tiêu tưới và kè ao sen… Cả 12/12 xóm của xã Kim Liên đang tích cực theo lộ trình hoàn thành đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Một địa phương với dân số hơn 12,5 ngàn, chân chất, hiền hòa mến khách là nét đặc trưng. Kim Liên thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến mỗi năm, quê hương Bác Hồ đang định hình một địa chỉ đặc biệt về văn hóa theo nghĩa rộng...
 
Ghi chép: MINH ĐẠO