Ra mắt Ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 338 tại Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam

04:05, 15/05/2022
(LĐ online) - Sáng 15/5, tại TP Bảo Lộc, Sư đoàn 338 (Bộ Quốc phòng) đã long trọng tổ chức lễ ra mắt Ban Liên lạc tại Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam. Dự lễ ra mắt về phía Sư đoàn 338 có Đại tá Tạ Đức Thanh - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 338 Bộ Quốc phòng cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 338 qua các thời kỳ. Về phía tỉnh Lâm Đồng có ông Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện lãnh đạo TP Bảo Lộc và Hội Cựu chiến binh thành phố. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Sư đoàn 338.
 
Toàn cảnh lễ ra mắt Sư đoàn 338 tại Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam
Toàn cảnh lễ ra mắt Sư đoàn 338 tại Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam
 
Tại lễ ra mắt Ban Liên lạc, Ban tổ chức đã ôn lại truyền thống vẻ vang anh hùng của Sư đoàn 338. Ngày 11/12/1956, Sư đoàn 338 được Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng ký Quyết định thành lập. Là Sư đoàn mà tiền thân là các đơn vị ra đời và chiến đấu trên chiến trường Nam Bộ “Từ miền Đông gian lao, từ rừng đước Cà Mau, rừng tràm U Minh của miền Tây Nam Bộ”. Thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Văn Quạn được cấp trên giao làm Tư lệnh; đồng chí Tô Kí làm Chính ủy Sư Đoàn. Cho đến hôm nay, trải qua một chặng đường dài hoạt động chiến tranh và trưởng thành, trải qua bao sự thăng trầm của lịch sử đất nước, từ Sư đoàn 338 và Lữ đoàn 338, tới Sư đoàn 308 B sau lại chuyển thành Sư đoàn 338, đến này là Đoàn kinh tế Quốc phòng 338. Suốt chiều dài đất nước, từ mục Nam Quan đến đất mũi Cà Mau, đến Bản Chất, Đình Lập, Chi Ma Long đầu huyện Lộc Bình Lạng Sơn đều in đậm dấu chân của các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 338.
 
 Lãnh đạo Sư đoàn 338 đương nhiệm và qua các thời kỳ tham dự lễ thành lập Ban Liên lạc tại Lâm Đồng
Lãnh đạo Sư đoàn 338 đương nhiệm và qua các thời kỳ tham dự lễ thành lập Ban Liên lạc tại Lâm Đồng
 
Phát huy truyền thống anh hùng, Sư đoàn 338 luôn là quân đội của Nhân dân, do dân, chiến đấu vì dân. Từ Nhân dân mà ra, là đội quân chiến đấu, công tác trên khắp các mặt trận các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 338 đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược các đơn vị tiền thân của Sư đoàn đã đánh trên 80 trận, diệt hàng ngàn tên địch. Đêm mùng 4 Tết Nhâm Thìn (1952) Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 656 tiêu diệt Đồn Cần Giờ, diệt gọn 1 đại đội lính Com - Măng - Đô. Đêm 31 tháng 5 năm 1954, Tiểu đoàn 5 Đặc công đánh kho Bom Phú Thọ (nay là sân bay Tân Sơn Nhất) phá hủy 32 kho trung tâm và trại lính, 10 nghìn tấn bom đạn, 80 nghìn lít xăng, diệt một đại đội lính mật thám, 4 đại đội lính bảo vệ và 500 lính tiếp viện. Do có những thành tích trong trận đánh kho Bom, đồng chí Bùi Văn Ba được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Các đơn vị Đại đội 1, đại đội 2, đại đội 3, đại đội 4, đại đội 13 Trung đoàn 664, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 656, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 660 được tặng Huân chương quân công và Huân chương chiến công. Trong huấn luyện chiến đấu và xây dựng đơn vị, Sư đoàn luôn được cấp trên đánh giá là đơn vị huấn luyện chiến đấu, huấn luyện kỹ thuật giỏi. Từ năm 1961 đến năm 1975 đã huấn luyện 120 nghìn cán bộ, nhân viên kỹ thuật, y tá; huấn luyện 2 trung đoàn tập trung, 160 tiểu đoàn bổ sung lẻ, 32 đại đội hoàn chỉnh bổ sung cho các chiến trường, tỉ lệ 95 - 97% và tới chiến trường đã xây dựng 5 công trường quốc doanh (Xuân Mai - Ba Vì, nông trường 20 tháng 7, nông trường 13/9 và nông trường sông Bôi).
 
Khen thưởng đại diện Ban Liên lạc tại Lâm Đồng và các tỉnh phái Nam
Khen thưởng đại diện Ban Liên lạc tại Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam
 
Từ năm 1975 đến nay, Sư đoàn đã xây dựng trường đại học kỹ thuật Quân sự (Công trình 15325), xây dựng công trình 6525 tổng Cục hâu cần, xây dựng cầu Thăng Long, trạm thủy điện Bình Trương; khai hoang phục hồi và trồng cây công nghiệp, cây bóng mát và cây lấy gỗ; thu hoạch hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm quả tươi cà phê; khai thác hàng nghìn tấn than; xây dựng hàng ngàn mét vuông nhà ở, xây dựng nhà tình thương giúp Nhân dân huyện Lộc Bình, Đình Lập ổn định tăng gia sản xuất, chăn nuôi gia cầm; trồng hàng ngàn cây lấy gỗ, góp phần tích cực bảo vệ màu xanh đường biên giới.
 
Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, Sư đoàn đã đánh 28 trận, diệt 7500 tên địch, phá hủy 1 dàn hỏa tiễn H12, 6 khẩu lục pháo 122mm, 2 súng cối 120mm và nhiều phương tiện chiến tranh khác.
 
Ngày 17 tháng 3 năm 2006 Sư đoàn vinh dự được Chủ tịch Nước ký quyết định tặng danh hiệu cao quý đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Trải qua những năm tháng xây dựng, huấn luyện và chiến đấu, được trưởng thành trong mưa bom bão đạn ác liệt của kẻ thù. Các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 338 rất vinh dự và tự hào đã được rèn luyện, chiến đấu, cống hiến sức trẻ bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Góp phần tô thắm thêm truyền thống “Nam Bộ thành đồng Tổ quốc”. 
 
Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cựu Chiến binh Sư đoàn 338 luôn cố gắng phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời chiến cũng như thời bình, có nhiều đóng góp cho đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước; xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng thời, tổ chức, vận động hội viên nêu cao tinh thần tự lực tự cường, sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động tình nghĩa, giúp nhau nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
 
Đặc biệt những người lính năm xưa luôn tự nhủ cần phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng là người lính Cụ Hồ, là Cựu chiến binh của Sư đoàn 338 anh hùng.
 
Ban Liên lạc Sư đoàn 338 được thành lập là niềm vinh dự tự hào để những người cựu binh tại Lâm Đồng thắt chặt tình đoàn kết, phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng; đồng thời, răn dạy con cháu, thế hệ trẻ cùng chung tay đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
 
KHÁNH PHÚC