Chuyện về người phụ nữ ''đếm gió, đo mưa''

06:06, 09/06/2022
Hơn 20 năm qua, bất kể là ngày giông bão hay nắng hạn, chị Đinh Thị Mộng Hoa, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Đà Lạt vẫn luôn miệt mài với công việc “bắt mạch ông trời”, tỉ mẩn quan trắc từng số liệu về tình hình diễn biến thời tiết, nỗ lực đem đến cho người dân những thông tin chính xác nhất.
 
Chị Đinh Thị Mộng Hoa kiểm tra các thông số về nhiệt độ không khí
Chị Đinh Thị Mộng Hoa kiểm tra các thông số về nhiệt độ không khí
 
Khi nhắc đến nghề quan trắc khí tượng thủy văn, chắc hẳn ai cũng nghĩ đây là một công việc có phần tẻ nhạt, gò bó, rất mệt nhọc khi suốt ngày phải làm bạn với các con số, dữ liệu khô cứng; phải dầm mưa giãi nắng, túc trực thường xuyên bám trạm 24/24, kể cả các ngày nghỉ lễ, tết cũng không được nghỉ. Ấy vậy mà, chị Đinh Thị Mộng Hoa từ lúc bắt đầu theo nghề đến bây giờ, đã ngót nghét hơn 20 năm làm việc vẫn vô cùng nhiệt tình và đầy tâm huyết với việc “khám bệnh cho trời”.
 
Chị Hoa kể, từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường và được học tác phẩm văn học “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long viết về những con người ngày đêm cống hiến trong thầm lặng cho quê hương, đất nước thì hình ảnh chàng thanh niên 27 tuổi dù phải một mình làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2.600 m nhưng vẫn luôn làm việc với thái độ chăm chỉ, lạc quan. Qua đó đã để lại trong tâm hồn cô học trò nhỏ Đinh Thị Mộng Hoa dấu ấn sâu đậm về con người kiểu mẫu mà cô hằng mơ đến. Như đã tìm ra được lý tưởng của bản thân, sau khi thi đỗ vào trường Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 1997, chị Hoa đã rời quê hương Ninh Bình quyết tâm đi đến các địa bàn xa xôi hơn như Tây Nguyên để có thể cống hiến hết sức mình cho đất nước, cho xã hội. 
 
Chị Hoa chia sẻ, trong điều kiện bình thường, mỗi ngày mỗi trạm sẽ phải thực hiện tám kỳ quan trắc hay còn gọi là tám ca “ốp” vào các khung giờ: 1 giờ, 4 giờ, 7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ, 22 giờ. Một ngày làm việc của một quan trắc viên như chị Hoa sẽ bắt đầu vào mỗi ca trực không phân ngày đêm như thế. Đến ca trực của bản thân, chị Hoa sẽ phải chuẩn bị dụng cụ, máy móc,… trước 30 phút để đảm bảo khi tới giờ đi quan trắc mọi hoạt động, thiết bị đều được vận hành tốt. Còn nếu có sự cố phát sinh thì cũng có thời gian để kịp thời xử lý, khắc phục.
 
“Nghề quan trắc khí tượng đòi hỏi tính kỷ luật rất cao, mỗi bước thực hiện phải đúng từng giây từng phút, nếu mình chậm một giây thôi sẽ có sai số lớn và sẽ phát sinh các vấn đề ảnh hướng xấu đến công việc” - chị Hoa tâm sự.
 
Xong bước chuẩn bị, chị Hoa sẽ bắt đầu đi quan trắc theo trình tự quy phạm quan trắc bề mặt của ngành khí tượng thuỷ văn, như: quan trắc nhiệt độ mặt đất, nhiệt độ mây, đo mưa, đếm nắng, đọc các số liệu không khí, thảo mã điện,… rồi chuyển các dữ liệu về Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên sau đó tiếp tục được chuyển về Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Nếu như ca “ốp” bắt đầu lúc 7 giờ thì đến đúng 7 giờ 10 là chị Hoa đã phải hoàn thành phần chuyển dữ liệu. Công việc không ngơi tay cho đến kỳ quan trắc tiếp theo, chị Hoa sẽ ở tại văn phòng thay các loại giản đồ ký, quy toán cập nhật và hoàn thiện các số liệu. Như vậy, một kỳ quan trắc mới chính thức kết thúc. 
 
Khi chúng tôi hỏi chị về những ngày phải đối mặt với các hiện tượng khí hậu cực đoan như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, dông, lốc, mưa đá,… thì chị có cảm thấy sợ hãi và thoái chí không, chị chỉ cười hiền, rồi gật gù nói: “Bản thân cũng sợ lắm chứ, nhưng làm nhiều thành quen. Đặc biệt, trong những ngày mưa bão, cứ 30 phút trạm phải cập nhật số liệu một lần. Nếu trong những lúc như thế mà mình không vượt qua được nỗi sợ của bản thân thì ngay từ đầu đã không quyết tâm gắn bó với nghề quan trắc khí tượng rồi. Càng trong những tình huống đặc thù như thế, mình càng phải làm việc với sự tập trung cao độ nhất để cung cấp thông tin kịp thời về các vị trí cơn bão, các điểm ảnh hưởng của bão,… để cảnh báo đến cho người dân biết mà phòng tránh”.
 
Ánh mắt chị Hoa nhìn vô định về phía xa như vẫn đang lạc trong dòng hồi tưởng của chính mình, chị kể cho chúng tôi nghe về lần làm việc đáng nhớ nhất trong đời. Lúc đấy có một trận mưa lớn kèm mưa đá, có giông mạnh, lúc đấy vừa đến lúc chị phải đi “ốp”. Sau khi cẩn thận ghi lại các số liệu tại vườn khí tượng, chị Hoa cùng với cây dù như sắp bị kéo bay đi bởi mưa gió thì may sao chị vẫn giữ được cây dù trên tay. Dợm bước quay trở về phòng làm việc thì vừa ra tới cổng vườn, bất ngờ một tia lửa điện xẹt xuống đánh trúng cây dù khiến cây dù bung ra. Nhìn thấy sắc mặt lo lắng của chúng tôi, chị Hoa liền nói: “Bản thân lúc đó cũng sợ, run lẩy bẩy cả người, mặt thì xanh mét cả lên. Nhưng mà sau đó, bình tĩnh lại cảm giác cũng chỉ giống như bị điện giật nhẹ thôi, không có sao hết”. Nghe xong câu chuyện của chị, chúng tôi không khỏi cảm khái tinh thần luôn lạc quan của chị dù có phải đối mặt những tình huống nguy hiểm như vậy.
 
Dù vất vả nhưng chị Hoa luôn coi công việc quan trắc khí tượng là niềm hạnh phúc. Chị đã yêu thích nghề của mình từ những ngày đầu cho đến tận bây giờ. Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng sự đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề của chị Hoa vẫn vẹn nguyên. Đến năm 2017, với lòng đam mê cháy bỏng, luôn luôn tận tâm với nghề, chị Hoa được tin tưởng giao đảm nhận vị trí Trạm trưởng Trạm Khí tượng Đà Lạt.
 
Ông Trần Xuân Hiền, Giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện tại toàn tỉnh có 7 trạm khí tượng thủy văn và gần 100 điểm đo mưa. Mỗi trạm sẽ có 2-3 cán bộ phụ trách. Do tính chất công việc thuần túy, nên đòi hỏi người làm không những phải có các kiến thức chuyên môn và các kĩ năng cần thiết mà còn phải thật sự say nghề, yêu nghề mới có thể vượt lên mọi sự khó khăn kể cả nỗi buồn chán, cô đơn để cống hiến cho đất nước, cho xã hội.
 
HƯƠNG LY