Có một không gian nhạc cổ điển ở Đà Lạt

04:06, 02/06/2022
Sau hai đêm diễn nhạc cổ điển khá thành công được tổ chức trong vòng 1 tháng qua tại không gian nghệ thuật Phố Bên Đồi, có vẻ như khán giả Đà Lạt và những du khách yêu nghệ thuật đang mong ngóng tiếp tục có những buổi biểu diễn nhạc cổ điển tiếp theo ở không gian này. 
 
Các nghệ sĩ trao đổi với khán giả sau khi biểu diễn
Các nghệ sĩ trao đổi với khán giả sau khi biểu diễn
 
Chia sẻ với tôi về ý tưởng đưa âm nhạc cổ điển, một thể loại âm nhạc kén người nghe về với cư với dân thành phố, anh Nguyễn Trung Hiền cho biết, ý tưởng của anh là đưa nghệ thuật nói chung, trong đó có âm nhạc cổ điển đến gần hơn với người dân Đà Lạt. “Chương trình nhạc cổ điển mà chúng tôi tổ chức ở không gian này là với mục đích giới thiệu nhạc cổ điển đến với những khán thính giả trẻ và những người đang học hoặc chưa học, chưa tìm hiểu nhưng muốn biết về nhạc cổ điển. Bất cứ ai chỉ cần yêu thích thôi cũng đều có thể đến tham dự mà không quan trọng mức độ hiểu biết, độ “sành” về nhạc cổ điển tới đâu. Nói vậy nhưng không có nghĩa là các chương trình hoà nhạc tổ chức tại đây được đơn vị tổ chức đại khái, mà đều là những chương trình được chắt lọc, có tính nghệ thuật với sự tham gia biểu diễn của những nghệ sĩ tên tuổi. 
 
Kể từ chương trình hòa nhạc đầu tiên mang tên “Voices of intruments” - tiếng nói của nhạc cụ - được tổ chức vào ngày 10/4/2022, với sự tham dự của 3 nghệ sĩ nhạc thính phòng nổi tiếng Trần Đại Nghĩa (kèn cor); Lê Minh Hiền (vilolin) và Vương Huy Hoàng (piano) mang theo tinh thần Art Connects Us - Nghệ thuật kết nối chúng ta, với những tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc người Đức, đã mang đến cho khán, thính giả Đà Lạt và cả khách du lịch đến Đà Lạt hôm đó những trải nghiệm đầy cảm xúc về chương trình trên nền ba nhạc cụ violin, kèn cor và piano.
 
Tiếp nối thành công của chương trình này, Phố Bên Đồi tiếp tục tổ chức đêm nhạc thứ hai với phần song tấu Piano và Violon của hai nghệ sĩ Vincent Adragna và Chương Vũ. Chương trình thứ hai ngoài khách mời của đơn vị thì đã có một lượng khá đông khán giả Đà Lạt, đặc biệt là khán giả trẻ mua vé đến nghe. Thế mới thấy rằng, nhạc cổ điển không phải chỉ phù hợp ở những phòng hòa nhạc sang trọng và đẳng cấp, hay chỉ phù hợp với những người sành về nhạc cổ điển.
 
Đêm nhạc cổ điển ở Phố Bên Đồi đang ngày càng hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Đà Lạt và du khách
Đêm nhạc cổ điển ở Phố Bên Đồi đang ngày càng hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Đà Lạt và du khách
 
Ông Trần Đức Tài, người dân Đà Lạt chia sẻ rằng, với mục tiêu mà Phố Bên Đồi đặt ra như vậy thì trong khuôn khổ một chương trình có thời lượng hơn 1 giờ là phù hợp với đa số đối tượng người tham dự mà không cảm thấy khó khăn hay quá tải. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tổ chức và nhận xét rằng, những chương trình âm nhạc như thế này nếu tiếp tục được duy trì với chất lượng tương tự hoặc nâng cao hơn nữa thì chắc chắn sẽ kéo được nhiều người dân đến với không gian này. 
 
Còn chị Hạnh Nguyễn thì nhận xét: Sở dĩ chương trình thành công vì đã truyền được nguồn cảm hứng đến khán, thính giả. Điều đáng trân trọng hơn nữa đó là đơn vị tổ chức đã không ngại khó để tìm cách đưa âm nhạc cổ điển đến cho người dân thành phố làm quen, biến thể loại nhạc “bác học”này trở nên gần gũi. Người nào cảm thụ và yêu thích thể loại cổ điển sẽ có cơ hội tìm hiểu và biết đâu từ nôi này mà nhiều người thúc đẩy được cảm xúc với âm nhạc, nhân cảm xúc lớn hơn với thể loại âm nhạc này.
 
Cách chọn những tiết mục biểu diễn ở không gian Phố Bên Đồi cũng rất gần gũi với khán giả và có thời lượng vừa phải, trung bình một đêm diễn chỉ diễn ra trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ để không làm khó những khán thính giả không chuyên. Chính bởi không tham cả về kiến thức lẫn dung lượng của buổi biểu diễn nên các đêm nhạc đều đã khiến nhiều khán giả không am hiểu sâu vẫn có thể tập trung với sự thích thú đầy đủ nhất. Một điểm cộng nữa là đơn vị tổ chức còn tạo thêm được một không gian trao đổi, kết nối giữa khán giả với nghệ sĩ ngay sau buổi biểu diễn để thúc đẩy và cho khán giả cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về âm nhạc. Khán giả sau khi được nghe những bản nhạc hay qua những ngón tay điêu luyện của các nghệ sỹ lại như được thuyết phục bởi các kiến thức và ngày càng am hiểu hơn với âm nhạc cổ điển. Sau các đêm diễn, các nghệ sĩ đều sẵn sàng và cho thấy sự tận tâm chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm của họ với khán giả Đà Lạt mộng mơ.
 
Ông Nguyễn Hiền - nhà sáng lập Phố Bên Đồi cho biết: Đây là một trong nhiều chuỗi hoạt động nghệ thuật do Phố Bên Đồi tổ chức vào mỗi cuối tuần tại không gian sáng tạo Phố Bên Đồi, nằm trong khuôn viên Trung tâm Thanh, thiếu niên tỉnh Lâm Đồng với mong muốn chia sẻ năng lượng và tầm nhìn dành cho nghệ thuật. Ông cũng cho biết, Phố Bên Đồi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện, chương trình văn hoá nghệ thuật không chỉ là âm nhạc mà mở rộng nhiều lĩnh vực khác với mục tiêu định vị Đà Lạt là điểm đến văn hoá nghệ thuật độc đáo của Việt Nam và khu vực.
 
NGUYỄN NGHĨA