Đánh giá tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 khu vực phía Nam

11:06, 24/06/2022
(LĐ online) - Sáng 24/6, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố phía Nam về kiểm điểm tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì.
 
Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Tại điểm cầu Sở Y tế Lâm Đồng, ông Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế tỉnh chủ trì hội nghị, cùng tham dự có lãnh đạo các sở: Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Công thương; lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế Đà Lạt và Lạc Dương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 
 
Hội nghị được kết nối tới điểm cầu Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà có lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Trung tâm Y tế các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Đam Rông tham dự. Tham dự tại điểm cầu Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng có lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng và Trung tâm Y tế huyện Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. 
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu: Kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, nước ta đã đạt độ bao phủ vắc xin Covid-19 cơ bản cho các đối tượng theo quy định. Chúng ta đã kiểm soát được tình hình và chuyển sang bình thường mới. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là vì có nguy cơ bùng phát dịch, do đó, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đặc biệt, đối với TP Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh phía Nam phải nâng tỉ lệ cao hơn nữa, hiện tốc độ tiêm chủng rất chậm so với các tỉnh miền Trung và phía Bắc. 
 
Việc kiểm điểm đánh giá tiến độ tiêm chủng hôm nay để tìm ra nguyên nhân tại sao chậm và thống nhất các biện pháp triển khai thực hiện để ngay trong những ngày cuối của tháng 6 này hoàn thành việc tiêm hết số vắc xin còn tồn. Nếu không đảm bảo tiến độ tiêm mũi nhắc lại nguy cơ dịch sẽ xảy ra. 
 
Theo Cục Y tế Dự phòng, tình hình tồn vắc xin Pfizer đến ngày 22/6 tại các tuyến toàn quốc còn 5,3 triệu liều sẽ hết hạn vào 30/6. Trong đó, có 1,5 triệu liều từ nguồn ngân sách nhà nước, còn lại chưa rõ nguồn. Từ các địa phương tổng hợp cho thấy khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam còn tồn 2,5 triệu liều là nhiều nhất so với các khu vực khác, khả năng sử dụng khó khăn, nguy cơ dư thừa rất lớn (khu vực miền Trung còn tồn 1,1 triệu liều; Tây Nguyên tồn 350 ngàn liều; khu vực miền Bắc còn 1,1 triệu liều). 
 
 Trong khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam, vắc xin còn tồn nhiều nhất là tại TP Hồ Chí Minh 600 ngàn liều, Đồng Nai 500 ngàn liều và các tỉnh khác hầu hết tồn khoảng 100 ngàn liều.
 
Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn tiêm nhắc các mũi. Tuy nhiên, toàn quốc tỉ lệ tiêm liều nhắc lại lần 1 chỉ đạt 65%. Nếu tính trên số đối tượng đã tiêm 2 liều cơ bản thì hiện còn 24 triệu đối tượng cần tiêm mũi nhắc lại (mũi 3); mới chỉ có 12 tỉnh đạt mũi tiêm nhắc trên 80%.
 
Trong tháng 6, tốc độ tiêm trung bình cả nước 200 - 300 ngàn mũi tiêm/ngày. Hôm qua (23/6), số mũi tiêm tăng lên cũng chỉ đạt 500 ngàn liều/ngày. Theo tính toán, phải đạt 600 - 700 ngàn mũi/ngày trong 7 ngày tới thì mới tiêm hết số lượng vắc xin còn tồn.
 
Nhận xét chung trong cả nước tình hình tiêm mũi nhắc lần 1 đạt 65%, còn thêm 25% nữa với 24 triệu người, số lượng đối tượng nhiều. Tiến độ tiêm nhắc mũi 1, 2, 3, 4 chậm; nguy cơ tồn vắc xin rất cao. Bộ Y tế đề xuất các tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiêm nhắc lại cho các đối tượng, lưu ý sử dụng vắc xin Pfizer từ nguồn ngân sách Nhà nước với khoảng 1,5 triệu liều là con số thống kê chưa đầy đủ và thực hiện điều chuyển vắc xin cho một số địa phương.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Phải thống nhất rằng đối tượng cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 rất nhiều nhưng chúng ta tiêm chưa hết chứ không phải thừa vắc xin. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh nào không nhận vắc xin, không tiêm thì Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản báo cáo. 
 
Đây là tiêm phòng chống dịch theo Nghị quyết của Chính phủ, quy định đối tượng tiêm, nếu chúng ta không tiêm thì dịch xảy ra thì làm thế nào. Bài học đợt dịch thứ 4, các tỉnh phía Nam đã thấm thía, chỉ có vắc xin mới đánh giá hiệu quả cơ bản trong chống dịch. Trước đây, chưa có vắc xin chúng ta giãn cách, nay có vắc xin thì tỉ lệ mắc, tử vong giảm. Đến hôm nay, xảy ra chủ quan lơ là ngay từ cấp ủy đảng, lãnh đạo. Tiến độ tiêm chủng chậm, trong đó, TP Hồ Chí Minh tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi thấp nhất khu vực, chỉ đạt 37,4% và tỉ lệ tiêm mũi 3 đạt 74%.
 
Hội nghị đã phân tích nguyên nhân và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nhằm giải quyết hết số vắc xin còn tồn ngay trong tháng 6. Trong đó, đối tượng mắc Covid-19 từ 18 tuổi trở lên khi hết bệnh phải tiêm ngay, còn dưới 18 tuổi sau khi mắc Covid-19 phải đợi 3 tháng mới tiêm vắc xin theo quy định của Bộ Y tế.
 
AN NHIÊN