Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số - Những vấn đề đặt ra

05:06, 16/06/2022
Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) là một chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Việc thực hiện nhiệm vụ này trong mấy chục năm qua đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận;có đóng góp lớn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS; góp phần giúp những thế hệ con em đồng bào tăng cường ý thức tộc người, tạo niềm tự hào, tự tin để hòa nhập trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, việc được học tiếng DTTS đã giúp những cán bộ, công chức đang công tác trong vùng đồng bào DTTS có điều kiện thuận lợi hơn trong công việc của mình. Và, việc dạy và học tiếng DTTS ở Lâm Đồng cũng không nằm ngoài những đánh giá trên. 
 
Tác giả (áo trắng) trong một chuyến điền dã tại vùng đồng bào Kơ Ho
Tác giả (áo trắng) trong một chuyến điền dã tại vùng đồng bào Kơ Ho
 
Từ tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 3 (21/11/2021), nhiệm vụ quan trọng này cần có những bước đi mới góp phần tạo nên hệ giá trị cho người Việt Nam nói chung và đồng bào các DTTS nói riêng nhằm nâng cao tinh thần tự cường để xây dựng đất nước phồn vinh. Chính vì vậy, với tư cách là người tham gia biên soạn tài liệu, tập huấn nghiệp vụ dạy học, tham gia giảng dạy và kiểm tra đánh giá, tôi xin phân tích, đánh giá và đề xuất một số vấn đề với mong muốn mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học tiếng DTTS tại Lâm Đồng trong thời gian tới.
 
•  DẠY TIẾNG DTTS CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC 
 
Nhiệm vụ này được triển khai tại Lâm Đồng từ năm 2006 đến nay với 3 thứ tiếng: Kơ Ho, Mạ và Churu và đã có 3.555 học viên được cấp chứng chỉ (nguồn: Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Lâm Đồng).
 
Tài tiệu dạy học tiếng DTTS đã được Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng, biên soạn theo các quyết định ban hành về chương trình khung, chương trình chi tiết của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh Lâm Đồng từ năm 2006 (được hiệu chỉnh, bổ sung năm năm 2007 và năm 2010). Chính vì vậy, tài liệu dạy học và các nguồn học liệu khác về cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu dạy học tiếng dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Tuy nhiên, qua thực tế dạy học, thầy Păng Ting Uôk, thầy K’Điệp và cô Pou Bry Dum nhiều lần đề xuất cần phải tiếp tục hiệu chỉnh, bổ sung tài liệu dạy học cho ba tiếng DTTS trên để giúp học viên thuận lợi hơn trong việc mở rộng vốn từ theo các nhóm tộc người, cập nhật đời sống xã hội và tiếp cận rộng hơn, sâu hơn các nền văn hóa theo ngôn ngữ được học. Cụ thể hơn, cần chú giải một số từ mang tính chất phương ngữ, điều chỉnh nội dung một số bài khóa theo hướng bám sát sự biến đổi đời sống kinh tế - xã hội và tăng cường hàm lượng văn hóa, đặc biệt là hàm lượng văn hóa truyền thống tộc người.
 
Giáo viên dạy tiếng DTTS hiện nay ở Lâm Đồng đều là trí thức. Trong số 18 giáo viên đang tham gia giảng dạy và kiểm tra đánh giá, có 2 người Kinh và 5 giáo viên phổ thông, 1 giáo viên Cao đẳng Sư phạm. Họ là những người có vốn ngôn ngữ và văn hóa DTTS tương đối sâu rộng. Những giáo viên này đã biết chuyển hóa ngôn ngữ với tư cách là một công cụ, phương tiện giao tiếp thành chất liệu của tình yêu đối với con người, vùng đất và văn hóa Tây Nguyên. Chính vì vậy, mỗi buổi học tiếng DTTS, học viên không đơn thuần được rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà còn được tiếp cận với những điều mới mẻ về cách nghĩ, lối sống và truyền thống văn hóa của bao lớp người sạm màu sương nắng trên cao nguyên. Tiên phong cho phương châm dạy học này chính là thầy Ja Loan, Ja Dung, Păng Ting Uôk, K’Điệp, Rơông Ha Hiếu và cô Pou Bry Dum. Tất nhiên, dưới sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Sở Nội vụ (từ năm 2012 về trước) và của Sở GD&ĐT hiện nay bằng các đợt tập huấn nghiệp vụ, dự giờ thăm lớp và các hình thức giúp đỡ khác, đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS ở Lâm Đồng ngày càng vững vàng về nghiệp vụ, ngày càng quán triệt sâu sắc hơn sứ mạng của người thầy khi được dạy một loại hình ngôn ngữ mang tính đặc thù ở Tây Nguyên nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Nếu có điều cần bổ khuyết cho những người thầy này đó chính là nên tổ chức thêm các đợt tập huấn ngắn hạn về hình thức tổ chức dạy học và các buổi tọa đàm về sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội cũng như văn hóa cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên.
 
Học viên theo học tiếng DTTS đại đa số đang công tác trong vùng đồng bào dân tộc. Qua nhiều năm, tôi rút ra được ba đối tượng học viên gắn với ba động cơ học tập khác nhau: Học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ; học để biết giao tiếp nhằm thuận lợi hơn cho công tác của mình; học để có vốn ngôn ngữ phục vụ nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu khoa học. Liên quan đến ba động cơ học tập trên, tôi xin kể một vài câu chuyện:
 
Năm 2006, một học viên lớp học tiếng Kơ Ho đi thực tế tại buôn R’Lơm (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà) đã vào nhà ông K’Tư và chào rất to, rất tự tin: Niăm să hìu hă. Hơn 30 con người trong ngôi nhà đó, người ngơ ngác, người cười phá lên. Học viên là cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) này tái mặt hỏi tôi: Sao vậy thầy? Anh đã chào gia đình nôn mửa đấy, phải chào là: Niăm să hìu n’hă (xin chào cả nhà). Lần sau nếu có đi công tác vùng dân tộc, anh ta sẽ không “tái phạm” như thế nữa. Vậy, học viên muốn lấy chứng chỉ cũng phải chào cho đúng.
 
Năm 2008, tôi đến Thôn 4 xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm. Đây là một buôn vùng sâu có đến 99% đồng bào người Mạ, lối sống đang rất lạc hậu, đời sống đang rất khó khăn. Tôi phát hiện ra họ dùng 3 bao phân NPK (do bên khuyến nông cấp) để làm bậc tam cấp bước lên nhà sàn. Tôi hỏi chị chủ nhà bằng tiếng Mạ: Tại sao không dùng phân này bón cho cây chè mà lại làm cầu thang thế này? Chị trả lời bằng tiếng Mạ: Không cho nó ăn đâu, nó ăn quen miệng thì lần sau không có cho nó ăn được. Tôi dùng vốn tiếng Mạ giải thích một hồi, chị ấy vẫn không phản ứng gì. Hóa ra lưng vốn tiếng Mạ của tôi ít ỏi quá, nhất là vốn từ về phân tro, chăm sóc cây trồng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… chỉ đạt trình độ lỏm bỏm nên chị này không hiểu gì cả. Tôi phải nhờ một anh người Mạ làm ở Hội Nông dân xã vào gia đình đó “giải quyết” vụ này. Vậy, muốn giao tiếp để thuận lợi hơn trong công tác, học viên cũng cần phải học để có vốn từ tương đối...
 
Hiện nay số học viên học tiếng DTTS ở Lâm Đồng đại đa số theo động cơ học chỉ lấy chứng chỉ. Điều này không có gì sai nhưng rất tiếc vì thế họ ít đến lớp hơn. Họ giải thích cho sự thiếu chuyên cần này là do đi công tác, do đường xa, trời tối, mưa to, thậm chí là bận tiếp khách cho cơ quan... Thầy Păng Ting Uôk cho biết, các lớp học ở Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề ở Lạc Dương và Đà Lạt khá nhiều buổi học chỉ có 30% học viên có mặt. Chính vì vậy, một số lớp học tiếng DTTS ở Đam Rông, Lạc Dương, Bảo Lâm có 25 đến 30% học viên không đủ điều kiện để cấp chứng chỉ. Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã có nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý đối với nhiệm vụ dạy và học tiếng DTTS, đặc biệt là ở khâu kiểm tra đánh giá, nhưng tình trạng học viên ít đi học vẫn được dự thi, vẫn lọt qua vòng kiểm tra đánh giá và cuối cùng vẫn lấy được chứng chỉ. Từ đó đặt ra vấn đề: Các Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề cần làm gì để giải quyết mâu thuẫn giữa nguồn thu và chất lượng dạy và học?
 
Để tổ chức và triển khai được nhiệm vụ dạy tiếng DTTS, lãnh đạo tỉnh, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT, nhiều tổ chức chính trị - xã hội, nhiều nhà khoa học, nhiều trí thức dân tộc và cả những người thầy đã dành rất nhiều tâm huyết, công sức suốt gần 20 năm nay. Vì thế đừng để một nhiệm vụ vừa mang tính chính trị vừa mang tính nhân văn bị lệch hướng.
 
•  DẠY TIẾNG DTTS TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC
 
Tính cần thiết về việc dạy tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục ở Lâm Đồng đã được nêu ở phần đầu của bài viết. Ở đây sẽ trao đổi cụ thể hơn những thuận lợi, khó khăn cũng như những công việc cần thiết phải triển khai khi tiến hành tổ chức và triển khai nhiệm vụ quan trọng này theo Chương trình Phổ thông 2018.
 
Về thuận lợi: Lãnh đạo tỉnh đã quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ dạy tiếng DTTS qua việc triển khai dạy tiếng DTTS với ba thứ tiếng (Kơ Ho, Mạ và Churu) cho cán bộ, công chức đang công tác trong vùng dân tộc. Lâm Đồng đang có một đội ngũ trí thức am hiểu về ngôn ngữ và văn hóa các DTTS Tây Nguyên, có thể tham gia xây dựng chương trình, tài liệu, viết sách giáo khoa học tiếng DTTS. Lâm Đồng đang sử dụng đội ngũ giáo viên tiếng Anh khá đông là người dân tộc Kơ Ho, Mạ và Churu, có thể đào tạo để cấp văn bằng 2 hoặc bồi dưỡng cấp chứng chỉ giáo viên dạy tiếng dân tộc: Nguyện vọng và nhu cầu cho con em được học tiếng dân tộc mình nhằm xóa mù chữ tiếng mẹ đẻ của đồng bào các DTTS hiện nay là rất bức thiết; cở sở vật chất các cơ sở giáo dục trên địa bàn Lâm Đồng hiện nay có thể nói là tốt nhất trong các tỉnh Tây Nguyên nên việc phục vụ dạy tiếng DTTS cho học sinh sẽ rất thuận lợi. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình đào tạo giáo viên, Chương trình dạy tiếng DTTS cho học sinh cũng như nhiều thông tư để tổ chức và triển khai nhiệm vụ này.
 
Về khó khăn: Lâm Đồng hiện nay chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo theo chuyên ngành sư phạm dạy tiếng dân tộc. Vậy, Trường Cao đăng Sư phạm Đà Lạt có thể trình Sở GD & ĐT và Bộ GD & ĐT xin mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng DTTS; chương trình, tài liệu đào tạo giáo viên và sách giáo khoa dạy tiếng DTTS tuy đã có nền tảng và có sự định hướng của Bộ nhưng cần phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đào tạo và dạy tiếng DTTS cho học sinh. Hiện nay, hai công việc trên đều phải làm nhưng đang khá mơ hồ.
 
Triển khai được dạy tiếng DTTS trên là một nhiệm vụ lớn với nhiều công việc khó khăn. Hy vọng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và ngành GD&ĐT sẽ có những bước đi cần thiết với những công việc cụ thể để giáo dục Lâm Đồng tiếp tục góp phần quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện với những phẩm chất và năng lực cụ thể đã được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
ĐẶNG TRỌNG HỘ