Hồi ức về nghề đan mây tre trên vùng đất B'Lao

12:06, 28/06/2022
(LĐ online) - Nghề đan mây tre đã có từ nhiều thế kỷ trên mảnh đất Lâm Đồng nói chung và tại vùng đất B’Lao - TP Bảo Lộc nói riêng. Nhưng hiện nay, nghề thủ công mang nét đẹp truyền thống này đang dần “cạn kiệt” cả về nguyên liệu lẫn nguồn nhân lực nên đang có nguy cơ biến mất…
 
Tôi sinh ra và lớn lên nơi khởi nguồn từ nghề đan mây tre của vùng đất Bảo Lộc. Trên cao nguyên xanh mát, ngoài hương vị trà và cà phê nổi tiếng thì nghề thủ công này vẫn còn đó giá trị của ngày xưa cũ và nó đã gắn bó với nhiều thế hệ, trong đó có tôi.
 
Ông Nònh đang hoàn thiện các bước đan gùi từ mây tre tại thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu
Ông Nònh đang hoàn thiện các bước đan gùi từ mây tre tại thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu
 
NGHỀ ĐAN MÂY TRE GẮN BÓ TUỔI THƠ NHIỀU THẾ HỆ
 
Một ngày mới lại trôi qua và cái nghề đan mây tre của ngày tháng đó thì vẫn còn vương mãi nơi miền ký ức. Để rồi, ngày trở lại quê hương, tôi thấy nó rất đỗi quen thuộc và nghẹn ngào...
 
“Hương vị” của thời gian cứ thôi thúc tôi trở về để “tìm người đan mây tre” khi nghề thủ công ở quê tôi, một ngày rất gần sẽ trở nên hoang vắng, mai một. Cũng vì tiếc nuối cái nghề mang nét đẹp truyền thống của ông cha để lại từ bao đời nay, sẽ dần mất đi những đứa con tinh thần của mình. Yêu từ cái mùi mây tre tươi đến từng hoa văn, thớ tre đan cái gùi, cái ghế, cái rổ… do chính bàn tay người con Bảo Lộc sáng tạo nên.
 
Nơi tôi sống là một thôn nhỏ, thuộc xã Đại Lào, giáp ranh với Quốc lộ 20 và nhiều thôn xã khác. Nhưng khi kể về cái nghề nuôi sống cả thôn, tôi “mặc định” chỉ có nghề mây tre đan… Thật may mắn, khi tôi sống vào giai đoạn giao thời nên cái nghề thủ công ấy ít hay nhiều vẫn còn tồn tại. Ba mẹ tôi kể, khi đất nước hòa bình lập lại thì nghề mây đan tre của xã tôi cũng bắt đầu từ đó. 
 
Ngày trở về, hồi ức trong tôi vẫn còn hình ảnh nhà nhà đan mây tre, người người đi rừng chặt tre về vót… dù ngày nắng hay mưa, mùa nào trong năm thì âm thanh quen thuộc mỗi tối khuya vẫn là tiếng dọng nền từ khúc tre của nhà cạnh bên còn thức… Bây giờ, khi đã là người con lập nghiệp xa xứ, điều tôi không mong muốn cũng đã đến. Ngày trước, nghề đan mây tre phổ biến nhà nhà thì hiện tại, số hộ gia đình còn giữ nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay…
 
Ông Đỗ Tấn Đường theo nghề đan rổ, nia hơn 40 năm tại xã Đại Lào
Ông Đỗ Tấn Đường theo nghề đan rổ, nia hơn 40 năm tại xã Đại Lào
 
ĐAN MÂY TRE LÀM NÊN NÉT ĐẸP VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG
 
Đúng là nghề nào cũng vất vả nhưng mỗi nghề lại có nét đẹp và giá trị riêng của nó. Theo chân ông K’ Minh, trưởng thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, tôi tiếp tục hành trình “tìm người đan mây tre” của quê mình.
 
Hiện nay, người lớn tuổi nhất trong thôn còn theo nghề mây tre đan là ông Nònh (sinh năm 1948) và vợ ông là bà Ka Sếp (sinh năm 1955) đang theo nghề dệt thổ cẩm. Cả hai ông bà đều nối nghề từ ba mẹ để lại. Dù đã lớn tuổi không đủ sức làm nhưng ông Nònh vẫn nhờ con cháu phụ đi lấy nguyên liệu dưới đèo Bảo Lộc về, đan lát mỗi ngày để duy trì được cái nghề mang nét đẹp văn hóa của người dân tộc Châu Mạ tại địa phương.
 
Được biết, chỉ có ông Nònh là người có thể đan nhiều đồ dùng từ cái tráp, nia, rổ, giỏ, bình cắm... Và ông cũng nằm trong số ít người làm được tất cả các công đoạn tạo ra thành phẩm từ chẻ tre, vót tre đến phơi khô, nhuộm màu mây tre từ mũ thông và các loại cây lá tạo màu tự nhiên, cho đến công đoạn dựng khung, rồi mới đan lát và chế tác vẽ thêm tùy ý theo yêu cầu của người mua. Những đồ vật xen kẽ màu sắc tươi tắn càng làm tăng vẻ đẹp của nghề thủ công đan lát.
 
Ông Nònh cho biết: Các món đồ của ông không chỉ để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như cái nón, cái gùi hái chè, rổ giỏ xúc cá, mẹt đựng cơm, tráp để đồ, cái nia sàn gạo… mà còn phục vụ cho hoạt động văn nghệ ca múa và trang trí nhà cửa, làm đồ lưu niệm với nhiều màu sắc và mẫu mã. Giờ cũng không ai muốn giữ nghề nữa nên ông bà cố gắng giữ nghề để sau này có cái làm kỷ niệm cho con cháu nhớ về tổ tiên. 
 
Nhìn bàn tay thoăn thoắt của ông, tôi mới cảm nhận được, thời gian ngồi xem video đan mây tre qua internet hoàn toàn khác xa với cảm xúc khi xem trực tiếp nhiều lắm. Nhìn những nếp nhăn trên vầng tráng nâu, mồ hôi những ngày hè đổ dầm dề trên vai áo, chỉ những ai thấy được mới trân quý món đồ thủ công từ bàn tay hơn 60 năm hành nghề của ông Nònh. 
 
Quay trở lại những ngôi nhà xưa kia làm nghề mây tre đan với sự trống vắng đến nghẹn ngào. Xã tôi, cách thôn ông Nònh khoảng 3 km nhưng số nhà còn giữ nghề giờ chỉ còn là phép toán trừ… Nhớ lắm, ngày tôi còn nhỏ thì gia đình ông Đỗ Tấn Đường (sinh năm 1947) đã làm nghề đan rổ, nia bằng tre, đến tận bây giờ nhà ông Đường vẫn duy trì nghề này, dù kinh tế khó khăn, thu nhập không ổn định như trước nhưng vợ và các con vẫn ủng hộ ông giữ nghề vì yêu và tiếc cái nghề của ông bà xưa để lại… Tính đến nay, ông Đường đã theo nghề gần 40 năm.
 
Thế rồi, từ các con đường lớn nhỏ đi quanh phường xã TP Bảo Lộc, tôi được người dân giới thiệu và tìm đến gia đình của anh Vũ Ngọc Long (sinh năm 1968) và chị Phan Thị Mỹ (sinh năm 1971) tại phường Lộc Tiến với hơn 30 năm trong nghề. Được biết, ngày trước ba mẹ của anh Long mang nghề này từ ngoài Bắc vào đây lập nghiệp. Hiện ba mẹ đã già, không còn đủ sức để làm nên cả phường Lộc Tiến hầu như chỉ có vợ chồng anh còn nhận làm đồ dùng từ mây, tre. Những năm trở lại đây, khách hàng chỉ đặt các đơn hàng lẻ tẻ, chủ yếu là cái nong, cái nia để nuôi tằm nên công việc đan lát cũng ngày một khó khăn hơn rất nhiều.
 
Hiện, anh chị vừa đan lát kết hợp với trồng chè, cà phê. Vì nghề đan lát hiện tại nguồn cầu ít dần và thu nhập không đủ để anh chị chăm lo cho con cái. Được biết, nguyên liệu anh chị phải đặt tận Đa Mi, đèo Lộc Nam cách Bảo Lộc 60 km mới có đủ tre để làm. Khó khăn là vậy, nên tôi cũng hiểu được phần nào vì sao nhiều người bỏ nghề và vì sao con cháu họ không ai muốn giữ nghề nữa. Nhưng anh Long, chị Mỹ vẫn đam mê với nghề, làm ít làm nhiều vẫn giữ nghề. Bởi tuổi thơ, cây mây, cây tre từng giúp anh chị có tiền ăn học, cũng nhờ vào đan lát mà ba mẹ già mới có cuộc sống ổn định lúc bấy giờ…
 
Vì nhiều lý do, nghề đan mây tre từng là một nghề truyền thống nhưng theo thời gian thì nghề này chỉ còn là nghề phụ để người dân làm lúc nông nhàn, kiếm thêm thu nhập và hơn hết, nhiều thế hệ già trẻ đã và đang cố gắng duy trì vì muốn giữ cái nghề của cha ông. 
 
Nhìn những món đồ thủ công của quê nhà, tôi cảm thấy tiếc và bất lực cho cái nghề mang đậm sự gần gũi, gắn bó với tuổi thơ, lại vô cùng giản dị nhưng lại có sự chịu thương, chịu khó và tình cảm của những người con Bảo Lộc trên mảnh đất Lâm Đồng.
 
ĐẶNG HÀ