Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với F0, F1 tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

05:06, 26/06/2022
(LĐ online) - Ngày 26/6, Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành hướng dẫn triển khai công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 về việc phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Lâm Đồng năm 2022, Sở Y tế Lâm Đồng hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với F0, F1 tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cụ thể như sau:
 
1. Định nghĩa ca bệnh Covid-19
 
1.1. Ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) là một trong số các trường họp sau:
 
a) Là người có yếu tố dịch tễ và có biểu hiện triệu chứng:
 
- Sốt và ho; hoặc 
 
- Có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở.
 
b) Là người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (trừ trường hợp nêu tại điểm b, c của mục 1.2).
 
c) Là trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng nghi do vi rút có chỉ định nhập viện.
 
Người có yếu tố dịch tễ: bao gồm người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định, người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học... với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền.
 
1.2. Ca bệnh xác định là một trong số các trường hợp sau:
 
a) Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (RT-PCR).
 
b) Là người có triệu chứng lâm sàng (nêu tại điểm a, điểm c của mục 1.1) và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
 
c) Là người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2. 
 
1.3. Người tiếp xúc gần là một trong số các trường hợp sau:
 
- Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định.
 
- Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 1 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định.
 
- Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 1 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định.
 
- Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.
 
Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định:
 
- Đối với ca bệnh xác định có triệu chứng: thời kỳ lây truyền tính từ 2 ngày trước và 10 ngày sau khởi phát và thêm ít nhất 3 ngày sau khi hết triệu chứng (sốt và các triệu chứng đường hô hấp).
 
- Đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng: thời kỳ lây truyền tính từ 2 ngày trước và 10 ngày sau khi lấy mẫu có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
 
2. Biện pháp y tế đối với ca bệnh giám sát, ca bệnh xác định và người tiếp xúc gần
 
2.1. Đối với ca bệnh giám sát, ca bệnh xác định
 
Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm, cách ly, xét nghiệm, điều trị, chăm sóc theo quy định của Bộ Y tế.
 
2.2. Đối với người tiếp xúc gần
 
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định, người tiếp xúc gần phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp y tế sau:
 
- Bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch/dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là tránh tiếp xúc người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng; không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập; hạn chế đến những nơi tập trung đông người.
 
- Tự theo dõi sức khoẻ (đối với trẻ em, học sinh thì cha mẹ/người giám hộ/giáo viên theo dõi sức khỏe cho trẻ em, học sinh), khi có triệu chứng của bệnh (sốt và ho; hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở) cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
 
- Khi có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn, chăm sóc, điều trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm theo quy định. 
 
3. Việc xác nhận thí sinh thuộc diện F0 và xác nhận tình trạng sức khỏe thí sinh
 
- Giấy xác nhận được sử dụng làm căn cứ xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thí sinh thuộc diện F0.
 
+ Đối với các trường hợp thuộc diện F0 đang được theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế do cơ sở y tế trực tiếp theo dõi điều trị ca bệnh xác nhận. 
 
+ Đối với ca bệnh đang điều trị tại nhà, các Trạm y tế xã, phường, thị trấn tham mưu danh sách ca bệnh F0 đang điều trị tại nhà cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của xã, phường, thị trấn xác nhận.
 
- Việc xác nhận tình trạng sức khỏe cho thí sinh khi bị bệnh hoặc thương tích xảy ra: do các bệnh viện có thí sinh tới khám, điều trị xác nhận.
 
4. Các biện pháp phòng, chống dịch đối với F0
 
Thí sinh thuộc diện F0 nếu có nguyện vọng tham dự Kỳ thi thì phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch như sau: 
 
- Bố trí phòng thi riêng cho các thí sinh được xác định là F0, khoảng cách các thí sinh là ≥ 2m, phòng thi thông thoáng và cuối chiều gió, các thí sinh thực hiện sát khuẩn tay nhanh trước khi vào phòng thi và thực hiện đeo khẩu trang trong suốt quá trình thi.
 
- Thí sinh phải được xe chuyên dụng của y tế chở đến thi và chở về cơ sở điều trị, cơ sở cách ly tại nhà ngay khi kết thúc môn thi.
 
- Giám thị coi thi phải thực hiện mặc đồ phòng hộ theo đúng quy định và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như trong phần 2.2. Đối với người tiếp xúc gần.
 
5. Các biện pháp phòng, chống dịch đối với F1 tham dự kỳ thi TNTHPT
 
- Bố trí phòng thi riêng cho các thí sinh được xác định là F1, khoảng cách các thí sinh là ≥ 2m, phòng thi thông thoáng và cuối chiều gió, các thí sinh thực hiện sát khuẩn tay nhanh trước khi vào phòng thi và thực hiện đeo khẩu trang trong suốt quá trình thi.
 
- Sau khi kết thúc kỳ thi các thí sinh thuộc diện F1 tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như trong phần 2.2. Đối với người tiếp xúc gần cho đến khi đủ thời gian quy định.
 
- Giám thị coi thi phải thực hiện sát khuẩn tay nhanh trước khi vào phòng thi, ngay khi kết thúc môn thi và thực hiện đeo khẩu trang thường xuyên trong quá trình coi thi; kết thúc kỳ thi cán bộ coi thi tự theo dõi sức khỏe nếu có triệu chứng sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở) cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
 
- Trong trường hợp bố trí phòng thi riêng cho các thí sinh thuộc diện F1 khó khăn, vướng mắc, Hội đồng thi tổ chức xét nghiệm (test nhanh) cho thí sinh và bố trí phòng thi như trong hướng dẫn của Bộ Giáo dục tại Công văn số 2232/BGDĐT-QLCL ngày 30/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
AN NHIÊN