Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam

06:06, 28/06/2022
Gia đình là nơi sản sinh, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người; từ cái nôi gia đình, mỗi con người được trao truyền những tri thức văn hóa, những bài học đầu tiên về đạo lý làm người. Gìn giữ, vun đắp giá trị gia đình Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đang ngày càng được ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. 
 
Gia đình là nơi chia ngọt, sẻ bùi
Gia đình là nơi chia ngọt, sẻ bùi
 
Giá trị của gia đình là sự yêu thương, gắn kết giữa các thành viên, các thế hệ, đặc biệt là tình yêu thương, đức hy sinh của cha mẹ với con cái. Chính tình yêu thương, lòng vị tha, sự bao dung, độ lượng của thế hệ đi trước đã nâng đỡ, tạo xúc cảm lớn cho thế đi sau để khi lớn khôn, trưởng thành con cháu luôn nhớ về cội nguồn với lòng thành kính, biết ơn. Từ trong mỗi gia đình, nhiều giá trị cao đẹp cũng được bồi đắp như: Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, gắn bó, thủy chung, sự quan tâm, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ; mỗi thành viên luôn cần cù, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, chắt chiu, dành dụm, luôn sống vì những người thân yêu. Nói về giá trị gia đình, Đảng ta đã đúc kết: “Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước”.
 
Đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực, gia đình Việt Nam đứng trước nhiều thách thức đó là: Gia đình truyền thống ngày càng thu hẹp, các quan hệ tự do, cởi mở về hôn nhân và gia đình xuất hiện, tình trạng ly hôn, sống đơn thân, ngại sinh con, tình trạng buông lỏng giáo dục gia đình, lối sống thực dụng, chạy theo vật chất chi phối thái độ ứng xử các thành viên trong gia đình và xã hội. 
 
Nhằm gìn giữ “nếp nhà”, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, qua 12 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, Lâm Đồng đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của Nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam thật sự là tổ ấm của mỗi người. Các hoạt động về lĩnh vực gia đình phong phú, thiết thực, bổ ích, hướng về cơ sở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với hoạt động của các Câu lạc bộ (CLB) như: CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững, CLB Gia đình văn hóa, CLB ông bà cháu, CLB không sinh con thứ ba, CLB an toàn cho phụ nữ và trẻ em; CLB phòng, chống bạo lực gia đình… đã thay đổi nhận thức của Nhân dân về xây dựng gia đình hòa thuận, bình đẳng, hạnh phúc, vun đắp giá trị truyền thống quý báu của gia đình; phê phán sự xuống cấp của các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình; lên án lối sống thực dụng, ích kỷ; bài trừ tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm; đẩy lùi tảo hôn; ngăn chặn bạo hành trong gia đình… 
 
Gia đình là nơi chia ngọt, sẻ bùi
Gia đình là nơi chia ngọt, sẻ bùi
 
Tiếp tục đẩy mạnh công tác gia đình, ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch Lâm Đồng đã triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025, thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất là thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025 gồm 5 tiêu chí với tiêu chí ứng xử chung là “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ”, ngoài ra còn có tiêu chí ứng xử riêng cho từng mối quan hệ. Cụ thể, tiêu chí ứng xử của vợ, chồng là “Chung thủy, nghĩa tình”: Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng; yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình; tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; lắng nghe, cùng nhau thảo luận, thống nhất và quyết định những vấn đề chung của gia đình; hòa nhã với nhau. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là “Gương mẫu, yêu thương”: Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu; quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong. 
 
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là “Hiếu thảo, lễ phép”: Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình; học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính; thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em là “Hòa thuận, chia sẻ”: Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải; anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị; cùng chia sẻ với nhau công việc chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn. 
 
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng khẳng định: Vun đắp giá trị văn hóa gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc. Trong thời gian tới, ngành chú trọng tổ chức các hoạt động thực hành các hành vi văn hóa lành mạnh, ứng xử chuẩn mực trong gia đình nhằm tạo sự gắn kết, trao truyền và phát huy giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp, vun đắp các giá trị gia đình. Xây dựng các mô hình gia đình kiểu mẫu “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, nhân rộng mô hình “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, biểu dương những tấm gương gia đình hạnh phúc... Từ đó, gìn giữ những nét đẹp văn hóa gia đình, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
 
QUỲNH UYỂN