Lâm Đồng kiến tạo hình mẫu chuyển đổi số toàn diện (bài 2)

06:06, 07/06/2022
[links()]
 
Bài 2: Xã hội số với trọng tâm là “Công dân số”
 
Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Xác định người dân là trung tâm chuyển đổi số. Tăng cường công khai, minh bạch, khuyến khích sự tham gia và giám sát của người dân, cộng đồng trong hoạch định và thực thi chính sách. Giảm thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công theo phương thức số, thuận tiện, dễ sử dụng. Trang bị kỹ năng số cho người dân, xây dựng và hình thành văn hóa số trong xã hội.
 
Người dân sử dụng các dịch vụ tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Lâm Đồng
Người dân sử dụng các dịch vụ tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Lâm Đồng
 
Một dẫn dụ điển hình gần đây nhất khi người dân thực sự được thụ hưởng các tiện ích khi trở thành các công dân số là trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Lâm Đồng xác định công nghệ là một trong những công cụ đắc lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, từng bước hoàn thiện và đưa vào hoạt động thí điểm các hệ thống thông tin, các ứng dụng, giải pháp nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh và đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, cung cấp nhiều tiện ích trên nền tảng ứng dụng di động hỗ trợ người dân thực hiện các nhu cầu như khai báo y tế, khai báo vào tỉnh, khai báo dành cho phương tiện vận tải vào giao nhận hàng; đăng ký chương trình đón công dân từ TP Hồ Chí Minh, đăng ký cách ly có thu phí; tư vấn khám, chữa bệnh qua hình thức trực tuyến, báo cáo số công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng vắc xin...
 
Điểm nổi bật nữa là thông qua Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Lâm Đồng người dân đã tham gia với tỷ lệ cao, những phản ánh, kiến nghị, đề nghị của công dân, tổ chức được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết và được theo dõi, giám sát kết quả xử lý của các cơ quan liên quan, người dân được giám sát, đánh giá việc trả lời của các cơ quan có trách nhiệm, tạo niềm tin của người dân đối với công việc của chính quyền. Mức độ người dân sử dụng công nghệ để truy cập và sử dụng các sản phẩm ứng dụng của chính quyền cung cấp: Dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội,... ngày càng tăng lên. Đồng thời, thay đổi hoàn toàn cách thức và năng lực tổ chức, điều hành của các cơ quan trong hệ thống chính quyền các cấp. Cổng thông tin điện tử của tỉnh Lâm Đồng đã tích hợp triển khai liên thông, thống nhất 64 trang thông tin điện tử thành viên, gồm Tỉnh ủy, các ban chuyên môn của khối Đảng, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh, khối cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. 
 
Để đạt được những kết quả trên, chính là sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh bằng những mục tiêu cụ thể có kiểm tra, giám sát, đánh giá, có động viên, khuyến khích, phát huy vai trò của người đứng đầu, kiên trì, bền bỉ trong quá trình thực hiện... Sau nhiều năm xây dựng, mô hình “Hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung” ở tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là mô hình phù hợp hiện nay. Từ đó, mô hình này trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình đầu tư và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp dùng chung, cơ sở dữ liệu dùng chung cũng như tiết kiệm được tài lực và vật lực, sớm phát huy tính hiệu quả.
 
Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng phân tích: Chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, đô thị thông minh, bản chất vẫn là dựa trên phương châm “Lấy người dân làm trung tâm; doanh nghiệp làm động lực; Nhà nước kiến tạo”. Mục đích chính của việc phát triển chính quyền số, mở rộng các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh là đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; ứng dụng CNTT, công nghệ số để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm (giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, môi trường,...), tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân, thu hút mạnh mẽ sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và xã hội.
 
LÂM ĐỒNG ĐẶT MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030
 
•  Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động:
- Tối thiểu 90% và phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
- 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
- Tối thiểu 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
 
•  Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: 
- Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh.
- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 20%.
- Năng suất lao động hằng năm tăng bình quân 8%.
 
Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số:
- Phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang và phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.
- Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%.
- Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số cá nhân đạt trên 70%.
- Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%.
- Tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 80%.
 
Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu lên giải pháp thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức và người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; thực hiện chuyển đổi số trên tinh thần “nhận thức” là quyết định, “người dân” là trung tâm, “thể chế và công nghệ số” là động lực, “nền tảng số” là đột phá, “an toàn, an ninh” là then chốt, “chính quyền” là tiên phong, sự vào cuộc và quyết tâm cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố đảm bảo sự thành công trong chuyển đổi số.
 
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về chuyển đổi số trong cơ quan, lĩnh vực và địa bàn phụ trách; gắn mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành; cam kết đổi mới, cho phép thử nghiệm, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững; đẩy mạnh thanh toán điện tử, phát triển thương mại điện tử; Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, thực hiện tốt chức năng giám sát, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng chương trình chuyển đổi số tại địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; Đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...
 
Định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong các cơ quan hành chính Nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng thành thạo các dịch vụ đô thị thông minh; 100% người dân có định danh số... Đến năm 2030, 100% CBCCVC cấp huyện, xã xử lý công việc trên nền tảng số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ số đạt trên 90%... Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh đã và đang lên kế hoạch tổng thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ cho CBCCVC, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT để phục vụ tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm đổi mới và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn “nhân lực số” ngay từ trên ghế nhà trường; gắn chặt với việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức, phát triển kỹ năng số trong các cơ quan Nhà nước và trong khu vực tư nhân. Đồng thời, nhanh chóng nghiên cứu, tham mưu, ban hành và triển khai thực thi các cơ chế, chính sách tìm kiếm, thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực CNTT làm việc cho tỉnh.
 
Xác định tiến trình chuyển đổi số sẽ luôn lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng thụ hưởng chính, tỉnh cũng đặt ra yêu cầu sẽ phải xây dựng được đội ngũ “công dân số” với việc phấn đấu toàn bộ người dân có điện thoại thông minh; đảm bảo các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được gắn mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode); triển khai hiệu quả ứng dụng Công dân số trên nền tảng thiết bị di động và cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực môi trường, đô thị, xây dựng, chiếu sáng, giáo dục, y tế, giao thông... tích hợp trên ứng dụng Công dân số... Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số; tổ chức tập huấn, đào tạo cho người dân các kỹ năng số để khai thác các tiện ích, làm chủ các thiết bị số gắn với việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng và thực hiện văn hóa số. 
(CÒN NỮA)
 
DIỄM THƯƠNG