Lâm Đồng kiến tạo hình mẫu chuyển đổi số toàn diện (bài cuối)

04:06, 08/06/2022
[links()]
 
Bài cuối: Kinh tế số - mở ra không gian phát triển mới
 
Từ năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã và đang tạo áp lực và cả động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và bùng nổ kinh tế số ở Việt Nam cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tìm hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn... Cả nước đang hướng mạnh đến mục tiêu năm 2025 có 100.000 DN công nghệ số, với ít nhất 10 DN công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD; có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên 1 tỷ USD. 
 
Lâm Đồng kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử
Lâm Đồng kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử
 
Nắm bắt xu hướng đó, tỉnh Lâm Đồng cũng có các giải pháp hướng đến nền kinh tế số mà tiên phong vẫn là nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao.
 
Phải khẳng định rằng, kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong hội nhập và phát triển thương mại điện tử đã trở thành nhu cầu mang tính bắt buộc hiện nay. Thế nhưng, có một thực tế là phần lớn các DN của tỉnh chưa quan tâm đến phát triển kinh tế số, vì sợ đầu tư, sợ quảng bá, sợ phải đóng nhiều tiền thuế khi hàng hóa được bán rộng rãi và công khai trên mạng... Ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Lâm Đồng cho rằng: Hầu hết các DN cũng đã nhận thức được sự quan trọng của số hóa, thương mại điện tử, song vẫn còn tâm lý rụt rè, chưa mạnh dạn. Trong thời gian tới, cộng đồng DN sẽ có nhiều hoạt động để thúc đẩy các DN vào sân chơi này. Gần đây nhất là việc chuyển đổi hóa đơn điện tử, với mục tiêu 100 % người nộp thuế, DN thực hiện trước 1/7/2022. Kinh tế số đang dần hiện hữu rõ nét hơn trong quá trình chuyến đổi số của tỉnh Lâm Đồng.
 
Với một tỉnh thế mạnh nông nghiệp, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thì việc phát triển kinh tế số thông qua các sàn giao dịch, trang thương mại điện tử để tăng khả năng kết nối, mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu sản phẩm là rất cần thiết. Do vậy, ngành quản lý và các địa phương cần xây dựng các kế hoạch mang tính chiến lược, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các DN, hộ sản xuất kinh doanh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng trong tham gia phát triển kinh tế số. Từ đó, chủ động tham gia và tích cực đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch và mạnh dạn ứng dụng các giao dịch điện tử, góp phần cho kinh tế số phát triển và thật sự tạo nên những động lực cho tăng trưởng kinh tế.
 
Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu rõ tầm quan trọng của kinh tế số trong thời gian tới: Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển DN công nghệ số, công nghiệp 4.0, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế; Phát triển các DN công nghệ số, gồm: DN thương mại, dịch vụ lớn chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; DN công nghệ thông tin tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số; DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới; DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số. Nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ phục vụ nhu cầu của xã hôi, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số.
 
Định hướng phát triển thương mại điện tử: Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong DN và cộng đồng; phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị. Các nhà sản xuất lớn, nhà phân phối vừa và nhỏ, nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, công ty thương mại điện tử cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng; tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và DN công nghệ số. Triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển DN số Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin truyền thông, doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ số.
 
Nói về chuyển đổi số trong nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho rằng: Với những kết quả rõ nét trong 5 năm qua, để Lâm Đồng tiếp tục phát triển chuyển đổi số trong nông nghiệp thông minh trong giai đoạn tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để các thành phần kinh tế và DN , người dân thấy được hiệu quả từ chuyển đổi số, đặc biệt giảm chi phí lao động, tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt. Qua đó, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh, thiên tai, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến khó lường, phức tạp. Tiếp tục đẩy mạnh Đề án Khởi nghiệp sáng tạo sẽ tạo động lực cho thế hệ trẻ tiếp tục nghiên cứu và để hình thành nhiều dự án trong nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp và không chỉ dừng lại ở cấp tỉnh mà phải nâng tầm lên cấp quốc gia, cấp quốc tế.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, cũng đã nhấn mạnh: Chương trình Chuyển đổi số tại Việt Nam đang chuyển dần từ chính sách sang triển khai thực tế. Sau 2 năm thực hiện Chương trình Chuyển đổi đổi số quốc gia, hầu hết các ngành, địa phương đã có chương trình, kế hoạch chuyển đổi số. Nhận thức về chuyển đổi số đã và đang được nâng cao và phổ biến một các rõ rệt trong tất cả các cơ quan, chính quyền các cấp, cũng như hầu hết các thành phần của nền kinh tế. Các cơ sở dữ liệu quốc gia đang hình thành và phát triển nhanh chóng như: Dữ liệu dân cư, dữ liệu DN, dữ liệu tài chính, dữ liệu đất đai, dữ liệu về bảo hiểm... cùng rất nhiều cơ sở dữ liệu cấp độ khác đang được hình thành. Chuyển đổi số đã và đang tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới. Tỉnh Lâm Đồng tranh thủ vận hội này cũng phải nhanh chóng triển khai chuyển đổi số trong các ngành kinh tế chủ lực như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao...
 
Thực tế nhiều biến động trong thời gian qua càng chứng minh những mô hình tổ chức, kinh doanh tiết giảm nhân lực, mặt bằng, thời gian, quãng đường di chuyển... đang ngày một chiếm ưu thế, từ đó làm thay đổi tư duy của toàn xã hội. Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đến năm 2030 phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 20%, năng suất lao động hằng năm tăng bình quân 8%.
 
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Lâm Đồng vào nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số, ngay từ thời điểm này, mọi định hướng, giải pháp thực hiện, chiến lược trọng tâm đã và đang được tỉnh triển khai trên mọi lĩnh vực. Tin rằng, với những hoạch định đúng đắn, bắt kịp xu hướng, kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng sẽ có nhiều phát triển đột phá từ chuyển đổi số, sớm đưa Lâm Đồng trở thành khu vực kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên.
 
DIỄM THƯƠNG