Phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số

06:06, 03/06/2022
Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Lâm Đồng trong nhiều năm nay. 
 
Dệt thổ cẩm tại xã Phước Lộc - Đạ Huoai
Dệt thổ cẩm tại xã Phước Lộc - Đạ Huoai
 
•  NGƯỜI TIÊN PHONG
 
Đến đầu thôn Ròn, xã Đạ Ròn, Đơn Dương hỏi thăm nhà ông K’Úk hầu như ai trong thôn cũng biết. 
 
Đơn giản vì K’Úk (sinh 1965) là thôn trưởng, nhưng ông còn nổi tiếng trong cả xã là nông dân sản xuất giỏi - một người K’Ho tiên phong trong việc chăn nuôi bò sữa. 
 
K’Úk cho biết, trước đây, như bao gia đình người DTTS khác nhà ông cũng sinh sống bằng làm ruộng, trồng lúa nước và chăn nuôi bò vàng. Khi người dân thôn Ròn được tái định cư, chuyển về chỗ ở mới nơi đây, ông không còn đất để làm lúa nước nên chỉ còn chăn nuôi bò vàng. Bò vàng không sinh lợi nhiều, khi thấy nhiều người Kinh nhờ nuôi bò sữa mà giàu có, ông đã chuyển sang nuôi bò sữa.
 
Trong năm 2010, K’Úk đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua bò sữa, làm chuồng, rồi từng bước mua dần các máy móc thiết bị cần thiết cho chăn nuôi bò sữa như mọi người, ông còn trồng cỏ, trồng bắp cho bò ăn. Cho đến nay, chuồng ông đã có trên 10 con bò sữa trong đó có 8 con đang cho sữa với thu nhập rất ổn định hằng tháng. 
 
Và không chỉ là một người làm ăn giỏi, K’Úk với vai trò là thôn trưởng luôn vận động, hướng dẫn bà con trong thôn tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò của ông cho mọi người. Nối bước theo K’Úk, trong thôn Ròn đến nay đã có không ít gia đình người K’Ho cũng mạnh dạn đầu tư theo nghề nuôi bò sữa và dần ăn nên làm ra.
 
•  PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CÓ UY TÍN
 
Theo thống kê của tỉnh, người DTTS chiếm 25,72% dân số của Lâm Đồng hiện nay với trên 78 nghìn hộ, trên 338,3 nghìn nhân khẩu, trong đó DTTS gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 17% với trên 223,6 nghìn nhân khẩu.Toàn tỉnh hiện có 78 xã, 478 thôn, tổ dân phố có trên 15% dân cư là đồng bào DTTS sinh sống, trong đó có không ít thôn, tổ dân phố và cả các xã có tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống lên trên 80% dân số.
 
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2021, toàn tỉnh có 479 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, trong đó, 467 người là người DTTS, 12 người còn lại là người Kinh. Những người có uy tín này phần lớn là già làng (74 người), trưởng thôn (69 người), chức sắc tôn giáo (33 người)...
 
Bên cạnh những người có uy tín này, tỉnh còn có trên 2 nghìn người là nhân sĩ trí thức và trên 170 doanh nhân là người DTTS đang có ảnh hưởng, phát huy tốt vai trò không nhỏ của mình trong rất nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở vùng DTTS hiện nay.
 
Như già làng Giàng Seo Long (sinh 1964) người H’mông tại Thôn 5, xã Rô Men, Đam Rông chẳng hạn. Ông luôn tích cực vận động bà con trong địa phương của mình định canh định cư, ổn định làm ăn, tuân thủ luật pháp, không được lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, xây dựng thôn, làng tươi đẹp. Hay như bà Triệu Thị Sa, người xã Tân Thanh, Lâm Hà, một tấm gương tiêu biểu về vận động bà con hiến đất, đóng góp công sức để làm đường giao thông nông thôn, để xây dựng các công trình công cộng.
 
Trong sản xuất, bên cạnh ông K’Út kể trên còn có bà Ka Hiên (sinh 1962) người Mạ, thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc, Đạ Huoai với mô hình trồng sầu riêng cho thu nhập cao... Bên cạnh đó là nhiều những tấm gương tiêu biểu về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, dân tộc... 
 
Như Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đánh giá, người có uy tín cho đến nay đã phát huy được vai trò của mình trong cộng đồng, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh,trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
 
Cùng đó, đội ngũ nhân sĩ trí thức người DTTS cũng chính là nhân tố quan trọng để khơi dậy tinh thần cầu tiến của con em người DTTS trong học văn hóa, trong chuyên môn nghiệp vụ, trong học và ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, trong học nghề để lập thân lập nghiệp. Đội ngũ này cũng dành tâm huyết để nghiên cứu, đóng góp ý kiến với tỉnh, góp phần không nhỏ trong giải quyết những vấn đề đang nổi lên trong thực tiễn tại các vùng DTTS trong tỉnh hiện nay.
 
Đội ngũ doanh nhân người DTTS cũng là những người tiên phong trong đổi mới, mạnh dạn đầu tư vốn, công nghệ, vào sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân, kết nối với thị trường, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân vùng DTTS.
 
Chính vì vậy, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận các cấp cùng các đoàn thể trong thời gian đến cần tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của người có uy tín, của nhân sĩ trí thức và doanh nhân người DTTS trong cộng đồng nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần đưa miền núi, vùng sâu bắt kịp dần với sự phát triển chung của cả nước. 
 
VIẾT TRỌNG