Ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Cao đẳng Nghề Đà Lạt

04:07, 28/07/2022
Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đã xây dựng ý tưởng Thạch thủy sâm Koco, mang lại một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe con người. Với các em, học không chỉ để tích lũy kiến thức cho bản thân mà còn mong muốn đem lại giá trị cho cộng đồng.
 
Nhóm kiểm tra đông trùng hạ thảo nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
Nhóm kiểm tra đông trùng hạ thảo nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
 
Trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần thứ 5 năm 2022 do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức, dự án Thạch thủy sâm Koco của nhóm sinh viên Ka Luyn, Ka Sợp và Cáp Thành Thiện Hữu (lớp Công nghệ sinh học K14, Khoa Nông nghiệp và Ứng dụng, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt) được Ban Giám khảo đánh giá khá cao về công nghệ, tính mới và khả năng thương mại trên thị trường. 
 
Một cách tự tin, nhiệt huyết, cô sinh viên Ka Luyn trong vai trò trưởng nhóm đã gây được ấn tượng với Ban Giám khảo khi trình bày dự án của nhóm mình. Dưới sân khấu, giáo viên chủ nhiệm kiêm người hướng dẫn đề tài, cô Nguyễn Lâm Thiên Thanh cũng không khỏi tự hào: “Đó là những sinh viên có năng lực, nhiệt tình và hơn cả là các em yêu thích ngành nghề mình đã chọn”.
 
Dự án là kết quả của công trình nghiên cứu khoa học mà cả 3 sinh viên cùng cô giáo chủ nhiệm theo đuổi từ đầu năm học thứ 2, với mục tiêu tạo ra một sản phẩm mới lạ, khai thác tối đa dược tính có lợi từ sản phẩm đông trùng hạ thảo nuôi cấy trong ống nghiệm. Xa hơn nữa là có thể đem ra thị trường, đáp ứng nhu cầu về một sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe con người.
 
Ka Luyn mô tả: “Thạch thủy sâm Koco là sản phẩm kết hợp độc đáo giữa nấm dược liệu đông trùng hạ thảo và nấm thủy sâm Kompucha, giúp bổ sung năng lượng, cân bằng sức khỏe. Sản phẩm không tốn nhiều thời gian chế biến, không quá cầu kì; dễ bảo quản, tiện lợi, có thể đem theo bên mình mọi lúc như trên xe, văn phòng. Sản phẩm sử dụng công nghệ sấy lạnh, không hương liệu, không phẩm màu, không chất bảo quản, giúp giữ được tối đa các dược tính của các loại nấm…”.
 
Theo tìm hiểu của nhóm, sự kết hợp giữa các loại nấm thủy sâm và đông trùng hạ thảo đã được thực hiện ở một số nước, tạo ra sản phẩm dưới dạng viên nén, các sản phẩm trà từ đông trùng hạ thảo dạng tươi và khô, kẹo sâm… nhưng lại khá kén người dùng. Chính vì thế, sau nhiều ngày nghiên cứu, cả ba quyết định sẽ làm ở dạng thạch, tiện dụng hơn.
 
Khi cả nhóm bắt tay vào nghiên cứu cũng là lúc dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Cô và trò phải tranh thủ mọi lúc để lần lượt thử các công thức kết hợp với giữa nấm và thạch sâm theo tỷ lệ khác nhau, thêm các vị bạc hà, trà xanh… đa dạng để có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
 
“Đối với sinh viên chúng em thì quá trình nghiên cứu cũng mất khá nhiều thời gian và một số khó khăn khi quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo dễ xảy ra các vấn đề nhiễm khuẩn, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm chưa tốt. Nhưng đây cũng là cơ hội để chúng em có thể áp dụng các kiến thức đã được học về nuôi cấy mô, thao tác kỹ thuật trong phòng thí nghiệm, phương pháp bố trí thí nghiệm và xử lý số liệu…”, Cáp Thành Thiện Hữu chia sẻ.
 
Cô giáo Nguyễn Lâm Thiên Thanh cho biết, ngay khi nhận được kế hoạch của nhà trường về việc tham gia cuộc thi về khởi nghiệp, cô đã gợi ý cho các nhóm sinh viên bởi đây là cơ hội cực kỳ hữu ích cho sinh viên, giúp các bạn trưởng thành nhanh hơn. Dù không đặt nặng mục tiêu phải đoạt giải cao nhưng việc được tham gia các lớp tập huấn kiến thức khởi nghiệp cũng đã giúp sinh viên có những hoạch định rõ ràng hơn trong tương lai, nhất là khi các em ra trường, lập nghiệp.
 
“Để từ một ý tưởng thành một sản phẩm, viết nên một dự án hoàn chỉnh là cả quá trình, đòi hỏi các bạn phải thực sự nghiêm túc, đầu tư cả về thời gian lẫn kiến thức chuyên môn. Đây là mặt hàng liên quan đến thực phẩm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nên quá trình kiểm tra, đánh giá, phối trộn nguyên vật liệu, kiểm định chất lượng… đều phải thực hiện nghiêm ngặt, an toàn. Thương học trò mất ăn, mất ngủ vì đề tài bao nhiêu thì bây giờ mình tự hào bấy nhiêu. Hi vọng các bạn sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần này không chỉ trong thời gian tới trên ghế nhà trường mà còn cả trong công việc sau này”, cô Thanh chia sẻ thêm.
 
HỒNG THẮM