Dân vận khéo trong xây dựng mô hình sản xuất

05:08, 12/08/2022
Thấm nhuần vai trò của công tác dân vận, Đảng ủy, UBND xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh) đã tích cực, chủ động trong công tác xây dựng Mô hình Dân vận chính quyền. Năm 2022, xã Quốc Oai xây dựng Mô hình Trồng dâu nuôi tằm ở thôn Đạ Nhar để dạy nghề, giúp bà con có thu nhập từ nghề “ăn cơm đứng”.
 
Cán bộ, đảng viên xã Quốc Oai trực tiếp xuống đồng thực hiện Mô hình Dân vận chính quyền
Cán bộ, đảng viên xã Quốc Oai trực tiếp xuống đồng thực hiện Mô hình Dân vận chính quyền
 
Thôn Đạ Nhar có 318 hộ, 1.210 nhân khẩu; đa phần bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên. Những năm gần đây, cuộc sống dân cư có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, song khó khăn lớn nhất vẫn là trình độ chưa đồng đều và tập tục canh tác của nông hộ trong thôn vẫn còn hạn chế.
 
Từ đầu năm 2022, Đảng ủy, UBND xã Quốc Oai xác định xây dựng Mô hình Trồng dâu, nuôi tằm trên diện tích 1,8 ha với sự tham gia của 12 hộ dân. Đây là Mô hình Dân vận chính quyền nên Đảng ủy, UBND xã đã huy động sự tham gia của cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể của xã.
 
Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai cho biết, 1,8 ha đất này là diện tích bỏ hoang của thôn nhiều năm nay. Thường ngày có 2 hộ chăn thả trâu và chiều đến thanh niên chơi bóng đá. Nhận thấy diện tích đất này có thể cải tạo để trồng dâu nuôi tằm, chính quyền địa phương đã quyết tâm làm bằng được mô hình để cải thiện thu nhập cho bà con và hơn hết là giúp người dân có thể nắm bắt được các kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm để rồi tìm ra phương thức làm ăn mới, áp dụng trên diện tích đất còn lại của gia đình mình.
 
Nói thì dễ nhưng bắt tay vào việc mới thấy khó. Ngày trước diện tích  đất này nằm bên suối nên đá sỏi ken dày, đất cứng như bê tông. Bà con ai cũng nghi ngờ vì lâu nay họ chỉ dùng sức người, cuốc từng nhát nhỏ không đâu vào đâu. Để cải tạo đất, chính quyền địa phương đã phải dùng đến phương tiện cơ giới.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai, Nguyễn Đức Trọng cho biết thêm: “Xã đã tổ chức họp thôn để  lấy ý kiến của người dân khi  xây dựng mô hình. Các hộ thả trâu trên đó phản đối vì họ mất chỗ cho trâu ăn, chúng tôi phải hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng cỏ voi để cung cấp thức ăn, vả lại thôn cũng còn các địa điểm chăn thả khác. Một số thanh niên cũng không mấy bằng lòng vì từ nay họ mất chỗ chơi bóng đá, tắm suối. Chúng tôi đã phải phân tích rõ ràng đây không phải là sân bóng đá, đây là đất bỏ hoang sát bờ suối của thôn. Còn muốn chơi thể thao thì xã đã có khu vực riêng dành cho hoạt động này. Tất cả chỉ vì mục đích chung giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
 
Đến thời điểm tháng 8 năm nay, 1,8 ha dâu tằm đã lên xanh tốt cỡ đầu gối người. Để người dân nắm bắt các kỹ thuật trồng trọt, chăm bón, tưới nước, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cán bộ, đảng viên, các đoàn thể trực tiếp xuống đồng từ khâu làm giống; bắt ống tưới nước; vận hành máy bơm nước từ con suối bên cạnh; theo dõi sự sinh trưởng  và phát triển của cây trồng...
 
Anh Chu Trung Kiên là công chức văn hóa - thông tin của xã, những ngày này đang tất bật bắt hệ thống tưới nước ở 1,8 ha dâu tằm, tâm sự rằng, dù vất vả nhưng giúp đỡ được bà con là niềm vui lớn nhất của anh. Còn đồng chí Lâm Hoàng Hải - Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã thì mừng vui vì bà con đồng bào DTTS của thôn rất chăm chú nghe anh hướng dẫn về kỹ thuật bắt hệ thống tưới nước, quy trình vận hành máy bơm nước; các lỗi về kỹ thuật và cách khắc phục. Riêng ông Từ Trường Thái - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã thì phấn khởi vì một bãi đất hoang giờ đã trở thành triền dâu xanh mơn mởn.
 
Nói về sự phấn khởi của bà con, hơn ai hết chính là ông K’Tiếu - Bí thư Chi bộ thôn Đạ Nhar, một đảng viên theo chân bà con từ ngày đi vận động mô hình cho đến khi dâu đã xanh tốt. Ông K’Tiếu cho hay: “Một dãy đất bỏ hoang, ai cũng bảo chả làm được việc gì ngoài buộc trâu bò, giờ thì mới thấy rằng có mồ hôi, sức người thì sỏi đá cũng thành cơm”. 
 
Một niềm vui khác của bà con đồng bào DTTS thôn Đạ Nhar,  trong kế hoạch của mô hình dân vận chính quyền còn giúp đỡ bà con 204 né gỗ nuôi tằm, với tổng kinh phí 40,8 triệu đồng; trong đó bà con đóng góp hơn 12 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ trên 28 triệu đồng.
 
Có thể nói rằng, Mô hình Dân vận chính quyền trồng dâu nuôi tằm ở xã Quốc Oai đã có những thành công bước đầu. Chính sự đồng lòng, đồng thuận giữa người dân và chính quyền trong cách thực hiện đã tạo nên những đổi thay rõ rệt, mà minh chứng rõ ràng nhất là những triền dâu xanh tốt đã thế chỗ cho mớ cỏ dại ngổn ngang ở dải đất cuối thôn. 
 
ĐỨC TÚ