''Chạy nước rút'' tiêm vắc xin phòng Covid-19

11:09, 08/09/2022
(LĐ online) - Đội ngũ y tế làm việc hết công suất, các điểm tiêm hoạt động suốt đêm ngày, các địa phương quyết liệt triển khai, cả hệ thống chính trị vào cuộc để “chạy nước rút” với quyết tâm bao phủ vắc xin ngừa Covid-19.
 
Ông Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác tiêm chủng tại TP Bảo Lộc
Ông Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác tiêm chủng tại TP Bảo Lộc
 
Ông Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết: Để xác định lại nhu cầu tiêm vắc xin, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương trong toàn tỉnh tiến hành rà soát các trường hợp đã chuyển đi khỏi địa bàn, không liên lạc được, đã chết, hoãn tiêm... để đưa ra khỏi danh sách cần tiêm.
 
Sau khi rà soát, tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh số liệu đối tượng tiêm. Theo đó, tổng số đối tượng xin giảm trừ là 329.776 người. Sau khi thực hiện việc giảm trừ đối tượng, tỷ lệ bao phủ vắc xin của Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực. 
 
Các điểm tiêm chủng hoạt động tất cả các ngày trong tuần
Các điểm tiêm chủng hoạt động tất cả các ngày trong tuần
 
Đến ngày 5/9, tỉnh Lâm Đồng đã nhận tổng số 4.113.138 liều vắc xin. Tổng số liều đã tiêm là 4.096.056 liều, đạt tỷ lệ 99,58 %; trong đó, tiêm 1 mũi là 1.304.730 người (số mũi tiêm cao hơn dân số của tỉnh do một bộ phận người dân từ các địa phương khác về tránh dịch), tiêm đủ 2 mũi là 1.264.251 người, tiêm liều bổ sung là 566.293 người, tiêm liều nhắc lại lần 1 là 747.962 người, tiêm liều nhắc lại lần 2 là 212.820 người. So với bình quân chung của cả nước, kết quả tiêm mũi 3 cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên trung bình toàn tỉnh đạt 89,9%, cao hơn trung bình cả nước (76,8%); tiêm mũi 4 trung bình toàn tỉnh đạt 65,4%, thấp hơn trung bình cả nước (77%). 
 
Riêng đối với trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm 1 mũi đạt 101,06%, tiêm 2 mũi đạt 99,4%, tiêm liều nhắc lại lần 1 đạt tỷ lệ 84,8%. Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 99,7%, tiêm mũi 2 đạt 82,5%.
 
Số liều vắc xin hiện còn tồn 69.626 liều. Ngành y tế Lâm Đồng đang dốc toàn lực để triển khai tiêm lượng vắc xin này cho người dân theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện thành công chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
 
Hiện, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh việc tiêm vắc xin. Trong đó, nhấn mạnh các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của tỉnh nếu để tình trạng cán bộ, nhân viên, người lao động không đi tiêm vắc xin đầy đủ; không sử dụng hết vắc xin được cấp, không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm để xảy ra dịch tại địa phương và vắc xin quá hạn sử dụng.
 
Để hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực hiện tiêm chủng của các địa phương, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận đã cùng lãnh đạo ngành y tế một số địa phương trực tiếp kiểm tra và đốc thúc tiến độ tiêm chủng. Trực tiếp có mặt tại điểm tiêm Trường THPT Bảo Lộc và Trạm Y tế Phường II và xã Đạm Bri vào chiều 7/9 để đôn đốc và kiểm tra tiến độ thực hiện công tác tiêm chủng, bác sĩ Nguyễn Minh Hoà – Giám đốc Trung tâm Y tế TP Bảo Lộc chia sẻ: Hiện nay, tại thành phố Bảo Lộc có hơn 160 tổ tiêm chủng lưu động đang hoạt động hết công suất. Ngoài việc đến tận nhà những người không có điều kiện đi tới các điểm tiêm để tiến hành tiêm chủng cho người dân, các tổ này còn phối hợp chặt chẽ với các thôn, tổ dân phố để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.
 
Ngành y tế Lâm Đồng đặt mục tiêu là đến ngày 13/9 sẽ sử dụng hết số vắc xin đang còn tại Lâm Đồng để tránh tình trạng hết hạn vắc xin và đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra về tỷ lệ tiêm ở các nhóm đối tượng. 
 
 
Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Khó khăn lớn nhất của ngành y tế hiện nay là có nhiều luồng thông tin sai lệch vắc xin phòng Covid-19 khiến nhiều người dân trì hoãn tiêm hoặc không đồng ý tiêm cho con em mình. Thực tế cho thấy, nguy cơ dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn rất cao, do đó, người dân cần tiêm đúng, tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Đặc biệt, đối với nhóm những người có bệnh nền, bệnh ung thư, các bệnh suy giảm miễn dịch, trẻ em mắc bệnh bẩm sinh… nếu không được tiêm vắc xin thì khi mắc Covid-19 nguy cơ tử vong rất cao. 
 
Hiện, cả hệ thống chính trị tỉnh đang vào cuộc quyết liệt để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Riêng ngành y tế cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt các mục tiêu đã đề ra. Sau khi lọc danh sách cụ thể các đối tượng chưa tiêm vắc xin, ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tiến hành tiêm tại nhà đối với các đối tượng không đi tiêm được, tổ chức các đội tiêm lưu động và các điểm tiêm chủng hoạt động tất cả các ngày trong tuần để đảm bảo người dân được tiêm ngay khi có nhu cầu. Đồng thời, tiến hành điều chuyển vắc xin giữa các đơn vị tiêm chủng để sử dụng hiệu quả tránh việc hết hạn sử dụng. 
 
 
Theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19. Hiện tại, ở nước ta, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, gần đây đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của chủng Omicron trong cộng đồng. Bên cạnh đó, miễn dịch trong cộng đồng cũng suy giảm dần sau khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng tiêm vắc xin. Giải pháp an toàn và hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay vẫn là việc thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.

 

DIỄM THƯƠNG - NGỌC NGÀ