Nâng chất lượng Giáo dục thường xuyên

06:09, 20/09/2022
Giáo dục thường xuyên (GDTX) ngày nay được hiểu khác so với trước và có nhiệm vụ vô cùng lớn và đa dạng...
 
Giờ học của học sinh lớp 12 Trung tâm GDTX tỉnh năm học 2022-2023
Giờ học của học sinh lớp 12 Trung tâm GDTX tỉnh năm học 2022-2023
 
GDTX không còn hiểu là bổ túc văn hoá với bằng cấp cho người học khác với bằng tốt nghiệp THPT chính quy. Chương trình GDTX tuy giảm một phần khối lượng kiến thức so với THPT nhưng chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp là như nhau và được cấp cùng một bằng tốt nghiệp THPT. Do đó, bản thân hệ học này cũng như cộng đồng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, quan tâm mạnh mẽ hơn để giải quyết các hạn chế, phát huy điểm tích cực, đưa chất lượng GDTX nâng lên. 
 
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Hoàng Đức Minh, hiện đã có nhiều trung tâm bắt đầu thực hiện đa dạng hóa các chương trình GDTX, khắc phục những khó khăn sau đại dịch COVID-19. Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và Chỉ thị số 14-CT/TW của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, GDTX sẽ tiếp tục tăng cả số lượng cơ sở giáo dục và nâng dần chất lượng. Năm học 2021-2022, toàn quốc có trên 93% học viên học chương trình GDTX đỗ tốt nghiệp THPT.
 
Tại tỉnh Lâm Đồng, năm học 2021-2022 có một Trung tâm GDTX cấp tỉnh và 11 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), có 8/12 trung tâm thực hiện ổn định mô hình GDTX THPT kết hợp với GDNN. Tổng số học sinh, học viên là 1.978/60 lớp; kết quả xếp loại hạnh kiểm Trung bình trở lên đạt 99,5%, học lực Trung bình trở lên 99%. Tốt nghiệp THPT hệ GDTX có 453/472 thí sinh đỗ, đạt tỷ lệ 95,97%; trong đó 4/8 trung tâm đỗ 100%. Các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) có nhiều chuyển biến tích cực về cơ cấu tổ chức, trang thiết bị, kế hoạch và tổ chức các hoạt động chuyên đề góp phần phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Toàn tỉnh có 142 trung tâm, 12/12 huyện, thành phố đều có ít nhất 1 trung tâm điểm.
 
Năm học 2022-2023 đã bắt đầu, Bộ GDĐT đã tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên tại các địa phương, xây dựng các nội dung tập huấn, tổ chức tập huấn chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho cán bộ quản lý, giáo viên tại các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX. Các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra với GDTX trong năm học 2022-2023 gồm: Thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành GDĐT thích ứng với tình hình dịch COVID -19 bảo đảm dạy và học an toàn, chất lượng; tiếp tục thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về học tập thường xuyên, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập; bảo đảm chất lượng, hiệu quả Chương trình xóa mù chữ; tăng cường thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục, tiếp tục đổi mới và thực hiện các phương pháp dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học viên; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng sinh hoạt chuyên môn; củng cố, phát triển mạng lưới thiết thực, hiệu quả, khuyến khích GDTX ngoài công lập, tăng cường cơ sở vật chất cũng như ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về lợi ích, vai trò và tầm quan trọng của học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
 
Ngày 10/9 vừa qua, Sở GDĐT Lâm Đồng tổ chức tập huấn xây dựng kế hoạch dạy học và kiểm tra đánh giá học viên theo định hướng phẩm chất và năng lực chương trình GDTX cấp THPT. Theo ông Hà Văn Thanh - Trưởng phòng Quản lý chất lượng - GDTX, các đơn vị cần bám sát các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, UBND tỉnh và sở. Sau tập huấn, cần thành lập các nhóm giáo viên theo bộ môn, liên hệ trao đổi, giúp đỡ nhau tháo gỡ khó khăn vướng mắc và hỗ trợ nhau cùng phát triển chuyên môn...
 
Trong hệ thống GDTX Lâm Đồng, Trung tâm GDTX tỉnh là cơ sở có quy mô lớn nhất về đội ngũ, học viên, học sinh và loại hình giáo dục. Giám đốc Trung tâm Trần Văn Thảo cho biết, kết thúc năm học 2021-2022, chất lượng giáo dục THCS có 86,4% hạnh kiểm Tốt, 13,6% hạnh kiểm Khá; 95,4% học lực Trung bình trở lên; ở THPT có 94,5% hạnh kiểm Khá, Tốt và 0,5% hạnh kiểm Trung bình; 65,8% học lực Trung bình trở lên. 100% học sinh tham gia tốt chương trình học nghề, trong đó, 80% Khá, Giỏi, không có loại Yếu. Năm học 2022-2023, Trung tâm tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp cơ bản nhằm tiếp tục khắc phục những khó khăn để nâng chất lượng giáo dục. 
 
“Một số giải pháp cơ bản là tăng cường liên kết, tìm các nguồn đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu nâng cao năng lực, trình độ của người lao động trên địa bàn tỉnh; cùng đó tăng cường công tác tuyển sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện đội ngũ, bố trí đủ đúng nguồn nhân lực hiện có và nhu cầu tuyển mới theo tiến độ tuyển sinh và hoạt động của trung tâm. Tập trung nguồn lực và các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục 2018; tăng cường đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm...”, ông Trần Văn Thảo cho biết.
 
MINH ĐẠO