Phát triển sản xuất để xây dựng nông thôn mới bền vững

06:11, 24/11/2022
Với một huyện thuần nông như Cát Tiên, việc phát triển sản xuất luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định trong việc thực hiện thành công Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn. Bởi, yếu tố này không những nâng cao thu nhập người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, mà còn tạo nguồn lực để địa phương thực hiện lộ trình xây dựng NTM theo hướng bền vững.
 
Sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao tại xã Gia Viễn
Sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao tại xã Gia Viễn
 
•  SỨC SỐNG MỚI TRÊN NHỮNG XÃ NTM
 
Đến các xã NTM huyện Cát Tiên hôm nay, đâu đâu cũng thấy người nông dân bàn chuyện làm ăn, nâng cao đời sống. Có thể nói, hiệu quả của việc xây dựng NTM thể hiện rõ nhất ở sự đồng thuận, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đối với các xã đã về đích, hay xa hơn nữa là phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao, trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, các xã đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nông dân đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa.
 
Nếu Cát Tiên là vựa lúa của Lâm Đồng, thì Gia Viễn là vựa lúa của Cát Tiên. Ông Trần Quốc Huy - Bí thư Đảng ủy xã Gia Viễn cho biết, với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, gắn với tiêu chuẩn VietGAP đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Nông nghiệp địa phương quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững. Qua đó, giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao, trên cơ sở đó, mở rộng “liên kết 4 nhà” theo hướng “Nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”. Xã Gia Viễn hiện có 1.874 ha lúa; trong đó, có 1.593 ha sản xuất lúa chất lượng cao, 1.020 ha canh tác ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
 
Bên cạnh đó, các hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng được nông dân địa phương đẩy mạnh thực hiện. Theo đó, tận dụng các diện tích mặt nước, ao, hồ lớn trên địa bàn, tiêu biểu như hồ Đắk Lô, nhiều hộ dân đã đầu tư hệ thống lồng bè để thả cá lăng, cá điêu hồng và cho thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, địa phương cũng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; tăng cường mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất cho nông dân.
 
Theo ông Trần Quốc Huy, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng NTM. Để thực hiện mục tiêu này, địa phương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã  và các chủ thể mở rộng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Mặt khác, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn xã NTM vào năm 2015, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn xã Gia Viễn tiếp tục tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu về môi trường.
 
Bằng cách làm năng động, sáng tạo, đến nay, diện mạo nông thôn xã Gia Viễn ngày càng đổi mới toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần người dân tiếp tục được nâng cao, cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp. Các tuyến đường trục xã, liên xã, đường thôn, bản, đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa đạt trên 97%, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa và sản xuất của Nhân dân. Xã Gia Viễn có 100% thôn, bản giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa; trên 95% người dân tham gia BHYT tự nguyện; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; duy trì 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; hệ thống các nhà văn hóa đáp ứng được nhu cầu văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí của Nhân dân. Năm 2019, xã Gia Viễn đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, và đến năm 2020 được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. 
 
Trong khi đó, tại xã Đồng Nai Thượng, với xuất phát điểm là một xã nghèo, thuần nông, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp so với bình quân chung của huyện thì việc tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất được xem là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, xã Đồng Nai Thượng đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, xã đã tập trung chỉ đạo sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tăng cường cơ giới hóa và chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. 
 
Ông Lê Quang Chường - Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết, chừng 5 năm trở lại đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhất là các loại cây ăn trái được Nhân dân xã Đồng Nai Thượng tích cực thực hiện. Hiện, toàn xã Đồng Nai Thượng đang có 450 ha điều, 470 ha cà phê, 50 ha cây cao su, 25 ha cây hồ tiêu. Đặc biệt, diện tích trồng sầu riêng và các loại cây ăn quả khác trên toàn xã đã phát triển lên đến gần 300 ha. Tất cả diện tích sầu riêng và cây ăn trái trên đều đa phần được chuyển đổi từ cây điều sang. Trên địa bàn xã, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập trên 500 triệu đồng, thậm chí thu tiền tỷ/ha. 
 
Xã Đức Phổ là vùng trọng điểm trong việc phát triển cây ăn trái chất lượng cao
Xã Đức Phổ là vùng trọng điểm trong việc phát triển cây ăn trái chất lượng cao
 
• KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI TỔ CHỨC SẢN XUẤT
 
Như nhiều địa phương khác trong tỉnh, huyện Cát Tiên bắt tay xây dựng NTM ở xuất phát điểm thấp. Nông, lâm, thủy sản chiếm tới 50,44% trong cơ cấu kinh tế. Trong khi, hệ thống hạ tầng kỹ thuật vốn được ví như “bộ khung” cho sự phát triển, lại thiếu và yếu. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 17,13 triệu đồng/năm; đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn... 
 
Ông Trần Quang Trừng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết, xác định để xây dựng NTM thành công phải lấy phát triển sản xuất làm khâu đột phá, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, huyện tập trung chỉ đạo sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tăng cường cơ giới hóa và chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo trong khu vực nông thôn. Đẩy mạnh việc dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác...
 
Đến nay, huyện Cát Tiên đã có diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5.602 ha, chiếm 28,4% diện tích đất canh tác của huyện; trong đó, sản xuất theo hướng hữu cơ 490 ha. Có 3 vùng sản xuất cây lúa, cây điều, măng cụt đã được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ; xây dựng được 17 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, 9 sản phẩm OCOP và đã xây dựng 7 mã số vùng trồng cho cây măng cụt, bưởi, sầu riêng với diện tích 430 ha.
 
Mặt khác, để tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế, huyện Cát Tiên đang tích cực triển khai Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong năm 2022, huyện xác định 3 địa bàn trọng điểm là xã Quảng Ngãi, Đức Phổ và thị trấn Cát Tiên sẽ triển khai xây dựng các trang trại chăn nuôi bò sữa với quy mô chăn nuôi đạt từ 200 - 500 con để làm cơ sở định hướng nhân rộng trên địa bàn huyện. UBND huyện Cát Tiên cũng phối hợp Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện và công ty sẽ thu mua toàn bộ sữa nguyên liệu tại địa phương. Đồng thời, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt sẽ tư vấn các quy trình chăn nuôi, trồng trọt và xây dựng trạm thu mua sữa tại huyện Cát Tiên.
 
Theo ông Trần Quang Trừng, hiệu quả của phát triển sản xuất trong xây dựng NTM đã và đang được chứng minh từ thực tế các địa phương. Do đó, định hướng của huyện Cát Tiên và các địa phương trong lộ trình xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu vẫn là tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, khuyến khích người dân tham gia; đồng thời, quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động HTX gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM.
 
THANH SA