Công đoàn cơ sở Trường mầm non Phước Cát 2: Vượt khó gieo mầm học

08:11, 18/11/2022
Phước Cát 2, cái tên còn vọng lại những khó khăn của một thời chưa xa, đây là một trong những địa bàn xa nhất của huyện xa Cát Tiên. Nơi ấy, có những cô giáo mầm non vẫn kiên trì ngày ngày vượt khó gieo mầm học cho các bé thơ.
 
Cô giáo vận động trẻ ra lớp tại Thôn 4
Cô giáo vận động trẻ ra lớp tại Thôn 4
 
Ông Lê Minh Sơn - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Cát Tiên cho biết, các cô giáo tại Trường Mầm non Phước Cát 2 còn rất vất vả, ngoài dạy ở trường chính, ngay xã Phước Cát 2 thì còn phải chia nhau vào “cắm buôn”, dạy tại các điểm trường xa trung tâm tới mấy chục km. Phước Cát 2, dù nay không còn khó khăn như ngày xưa nhưng với các cô giáo mầm non, công việc trồng người vẫn còn nhiều vất vả.
 
Năm học 2022-2023, cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh được phân công vào phân hiệu mầm non Thôn 4. Tiếng là trong xã Phước Cát 2 nhưng Thôn 4 nằm ngay trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên, cách trung tâm xã tới 25 km. Vì quá xa, Trường Mầm non Phước Cát 2 xây dựng một phân hiệu có duy nhất 1 lớp, dạy cho các cháu thuộc 3 nhóm tuổi 3, 4, 5, để các cháu chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1. Cô Hạnh tâm sự, đường xa cô không ngại nhưng có một quãng đường rừng dài gần 7 km, vì không được phép xây dựng nên vẫn là đường đất, lối đi giữa những tán cây cổ thụ âm u. Mùa khô còn dễ, mùa mưa đất lầy, đường trơn, dốc cao xe máy chạy không nổi. Địa bàn dân cư ít, cháu cũng rất ít nên khó vận động cháu ra lớp. Như mọi năm, lớp đông hơn, có 2 cô cùng điểm trường Thôn 4. Năm học này chỉ còn 8 cháu, cô Hạnh phải đứng lớp một mình. Mưa xuống, đường lầy, dốc cao, cô không đi xe qua được nên phải ở lại trong điểm trường. Mùa khô, cô đi về hàng ngày vì nhà cô vẫn còn con nhỏ cần chăm sóc.
 
Cô Bùi Thị Dung - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Mầm non Phước Cát 2 chia sẻ, trường có 15 giáo viên trên tổng số 23 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trường có tới 3 điểm trường và trường chính. Trong đó, điểm trường Thôn 4 cách trường chính 25 km, điểm trường Thôn 3 cách 17 km. Tại các điểm trường, chủ yếu là các cháu người Châu Mạ, S’tiêng. Cô Dung tâm sự, địa bàn xã trải dài dọc sông suối, dân cư phân bố không tập trung, bao gồm nhiều thành phần dân tộc, đa số bà con làm nông nghiệp, giao thông còn khó khăn, nhất là mùa mưa nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tới lớp của trẻ. Địa bàn dân cư ít, sống rải rác dọc sông suối, có những thôn chỉ có 36 hộ/102 khẩu (25 trẻ từ 5 tuổi trở xuống) nên rất khó khăn trong việc vận động các cháu ra lớp; tuy nhiên nhà trường vẫn phải duy trì lớp học. Nhiều phụ huynh đi làm ăn xa nên việc phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng dù khó khăn thế nào, trường vẫn duy trì lớp, duy trì sĩ số, chăm sóc, dạy dỗ cháu tận tình, chuẩn bị nền móng vững chắc để cháu vào lớp 1. 
 
Khó khăn là vậy, Công đoàn cơ sở nhà trường vẫn quyết tâm cùng nhà trường, cùng tập thể người lao động vươn lên. Ngoài chăm sóc về lương, các chế độ chính sách theo quy định, các cô động viên nhau cùng cố gắng phấn đấu bám trường, bám lớp, chia sẻ cho nhau khó khăn. Như đi dạy tại các điểm trường, Công đoàn cơ sở phối hợp cùng Ban Giám hiệu phân tích hoàn cảnh gia đình các cô, những cô nào có con nhỏ được ưu tiên dạy trường chính hay các điểm gần hơn. Những điểm trường xa, các cô lần lượt đổi cho nhau qua từng năm học. Càng khó khăn, tấm lòng người mẹ, người giáo viên mầm non càng vững vàng.
 
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phước Cát 2 chia sẻ, Công đoàn nhà trường đã đề xuất nhiều ý kiến hay, hợp lý và nhà trường áp dụng hiệu quả. Ngay như các cô giáo đi bám điểm trường, nhà trường hỗ trợ các cô thêm tiền xăng xe đi lại. Tuy số tiền còn quá ít ỏi nhưng cũng là niềm động viên với các cô, tiếp thêm động lực để các cô vượt qua khó khăn. Sự xa xôi, những cơn mưa rừng, những con dốc cao không ngăn được tình yêu, trách nhiệm của những cô giáo mầm non với những em nhỏ sống giữa rừng Quốc gia Cát Tiên.
 
DIỆP QUỲNH