Để tri thức mở ra thế giới kỳ diệu

11:11, 10/11/2022
(LĐ online) - Nữ nhà văn Astrid Lindgren đã từng có câu danh ngôn nổi tiếng: “Tuổi thơ không có sách - sẽ là không có tuổi thơ. Điều đó giống như bị đuổi khỏi nơi thần kỳ mà bạn có thể tới và tìm được niềm vui quý hiếm nhất”. Và, đó cũng chính là một trong những điều mà Thư viện cộng đồng EVG Gia Bắc (xã Gia Bắc, huyện Di Linh) đang cố gắng từng ngày trao những cơ hội học tập, đem tri thức đến với trẻ em vùng sâu. 
 
Ka Trôi cùng các em học sinh khui sách từ các nơi gửi tặng
Ka Trôi cùng các em học sinh khui sách từ các nơi gửi tặng
 
MANG TRI THỨC CHO EM
 
Không giống như những đứa trẻ ở thành phố, trẻ em ở xã vùng sâu vùng xa như Gia Bắc không có được một cuộc sống sung túc, đầy đủ về vật chất. Sân chơi của các em chỉ là sân cỏ thiên nhiên rộng lớn giữa khung cảnh trong trẻo, bao bọc xung quanh sự yên bình của núi rừng. 
 
Cuối năm 2020, vùng quê này xuất hiện một thư viện nhỏ, dành riêng cho trẻ em và người dân. Lọt thỏm giữa vườn cà phê xanh ngát với mái tranh, vách nứa đã tạo nên không gian vô vùng gần gũi với thiên nhiên. 
 
“Ở đây có hàng ngàn đầu sách các em được thoả thích đọc, từ những quyển truyện cổ tích đầy màu sắc, các thể loại truyện tranh, những cuốn sách khoa học, sách tham khảo… Thư viện thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giữa sinh viên, người nước ngoài, còn có các tình nguyện viên đến để cùng sinh hoạt, dạy cho trẻ những kỹ năng mà vốn dĩ ở một vùng quê, các em khó có điều kiện tiếp cận sớm”, Ka Trôi, quản lý thư viện EVG cho biết.
 
Đó cũng từng là ước mong của những đứa trẻ như Ka Trôi cách đây nhiều năm. Sinh ra và lớn trên miền quê còn nhiều gian khó, với Ka Trôi, ước mơ con chữ được nuôi dưỡng trong chính những ngày tháng cùng cha mẹ lên nương rẫy, lớn lên trong vòng tay bảo bọc của cộng đồng dù cái đói, cái nghèo bủa vây. Chính vì thế nên sau khi tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa TP HCM, biết tin thư viện cần người quản lý, cô gái sinh năm 1995 chẳng ngại ngần quay về. 
 
Cô bé Ha Sol Naw Quỳnh thích thú với những cuốn sách về tuổi thơ
Cô bé Ha Sol Naw Quỳnh thích thú với những cuốn sách về tuổi thơ
 
“Em nhớ năm đó học lớp 7, các anh chị tình nguyện viên của tổ chức EVG về tổ chức chương trình vui chơi cho thiếu nhi vùng đồng bào, ấn tượng đó còn mãi đến bây giờ. Trong em dường như vẫn còn ám ảnh bởi cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của những ngày xưa nên em cũng mong muốn góp sức giữ gìn văn hoá, và đóng góp một phần nhỏ bé cho quê hương bằng việc đưa tri thức về để kết nối, giúp các em thoát nghèo bằng tri thức và để các em không còn cảm thấy tự ti, xấu hổ”, Ka Trôi chia sẻ.
 
Em Noanh Trưởng, học sinh lớp 6 trường THCS Gia Bắc chọn cho mình quyển sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mặc cho các bạn vui đùa xung quanh, em vẫn chăm chú ngồi đọc sách. Trưởng chia sẻ: “Ở trường không có sách nhiều như thế này đâu, lần đầu tiên khi thấy nhiều sách, cả truyện tranh nữa, em thích lắm. Đến đây, em được vui chơi, được đọc những quyển sách hay được đọc cùng các bạn em thấy rất vui. Hễ có thời gian rỗi là em chạy qua thư viện để đọc”. 
 
Ánh mắt vẫn mở to tròn khi cầm trên tay cuốn truyện tranh, cô bé Ha Sol Naw Quỳnh không giấu nổi sự hào hứng: “Ở đây em và các bạn được đọc sách, chơi trò chơi, được học tiếng Anh và nhiều thứ khác. Được nghỉ là em sẽ đến đây chơi, ở đây có đủ mọi thứ và các bạn của em nữa”. 
 
Ka Trôi cho biết, sách của thư viện được kêu gọi từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều thể loại tùy thuộc sự yêu thích của các bé, để các bé tự tìm tòi, khám phá thế giới của mình. Tại đây, các em cũng được trải nghiệm rất nhiều điều mới mẻ mà trong đời các em chưa từng trải qua, đó là sử dụng máy vi tính, được học về kỹ năng sống, được giao tiếp tiếng anh với giáo viên nước ngoài, được học vẽ, được tự do sáng tạo,… Tới đây, nhiều em “nghiện” sách từ khi nào không hay. 
 
Ngoài sách, các em còn có thể tổ chức các trò chơi theo sở thích
Ngoài sách, các em còn có thể tổ chức các trò chơi theo sở thích
 
ĐỔI THAY CHO CỘNG ĐỒNG
 
Thư viện Cộng đồng EVG xã Gia Bắc được chính thức thành lập từ tháng 12/2020. Sau thời gian ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, hiện thư viện đã trở lại và thu hút đông đảo các em học sinh trên địa bàn xã Gia Bắc đến tham gia đọc sách, trải nghiệm. 
 
Người sáng lập và điều hành thư viện cộng đồng EVG là anh Phạm Văn Anh – một người làm giáo dục và là giảng viên đang công tác nhiều trường đại học trong nước. Gia Bắc là mô hình thư viện cộng đồng thứ 2, sau thư viện ở tỉnh Trà Vinh, với mục tiêu kết nối cộng đồng. Anh Văn Anh mong muốn đem các chương trình và triết lý giáo dục mới lạ về với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, để hướng đến một con đường phát triển lâu dài và bền vững, trên nền tảng chính là tri thức.
 
Anh Phạm Văn Anh lý giải việc chọn Gia Bắc giống như một mối duyên, từ những ngày anh cùng cộng sự thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện cho bà con. Ấn tượng về Gia Bắc khi đó là một mảnh đất tuy xa xôi, nghèo khó nhưng có tài sản lớn là cộng đồng người K’ho chân chất, mộc mạc.
 
Những cuốn sách, cuốn truyện tranh luôn hấp dẫn các em học sinh
Những cuốn sách, cuốn truyện tranh luôn hấp dẫn các em học sinh
 
“Tôi nhớ những ngày đầu, mang truyện đến tận nhà các em, kiên nhẫn ngồi đợi dưới gốc cây vì các em thấy người lạ liền… leo lên cây trốn. Nhưng giờ đây, nhiều phụ huynh đã chủ động đưa con đến thư viện để các em được đọc, được chơi. Đó là những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi đầu tiên. Và tôi tin rằng giáo dục là kết nối, và muốn như vậy thì mặt bằng dân trí phải cao. Chỉ có tri thức mới thay đổi được vận mệnh của con người”, anh Văn Anh nói.
 
Thực tế, các em học sinh ở Gia Bắc ngoài giờ lên lớp ít có sân chơi để rèn luyện thêm các kỹ năng, tiếp cận các chương trình giáo dục hiện đại, tiên tiến hơn. Điều đó tạo nên sự thiếu tự tin và yếu về kỹ năng sống, nhiều em ngại giao tiếp với người ngoài. Đến với thư viện như ngôi nhà chung của các em, ở đây các em sẽ được trải nghiệm rất nhiều điều mới mẻ mà trong trường học sẽ không có. 
 
Anh Văn Anh cho biết, thư viện mở ra theo nhu cầu nguyện vọng của các em, có nhiều trải nghiệm cho các em, ngoài việc đọc sách các em được học nhiều chương trình giáo dục khác nhau, để thu hút các em thư viện còn sáng tạo ra chương trình khác nhau để tạo hứng thú khi các em tham gia. Xen kẽ các buổi các em được đọc sách, hoạt động vẽ tranh, tổ chức các trò chơi dân gian, sinh hoạt tập thể múa, hát… cho các em làm quen với tiếng Việt bằng cách giao tiếp với nhau nhiều hơn.  Ngoài ra, các em còn được học online tiếng anh, được giao lưu với các bạn ở thư viện cộng đồng ở Trà Vinh.
 
Thời  gian đầu các em học sinh còn tự ti nhưng sau thời gian hoạt động các em dần trở nên mạnh dạn, tự tin hơn, nhiều em tích cực chủ động các hoạt động của thư viện cũng như tham gia các khoá học online hoặc offline. 
 
Các em được học các lớp học online, offline với nhiều nội dung hấp dẫn, bổ ích
Các em được học các lớp học online, offline với nhiều nội dung hấp dẫn, bổ ích
 
MỞ HÀNH TRÌNH TƯƠNG LAI
 
Dù chỉ mới hoạt động nhưng thư viện đã thu hút hơn 300 các em thiếu nhi đăng ký là thành viên. Những người làm thư viện cũng tập trung phần lớn các hoạt động vui chơi, giải trí, đào tạo kỹ năng vào dịp cuối tuần. Sau mỗi buổi sinh hoạt như vậy các em được bày tỏ nguyện vọng, chủ động đề xuất các chương trình phù hợp với sở thích của mình.
 
Ông Trần Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Gia Bắc cho biết, ở Gia Bắc, phần lớn là con em người đồng bào dân tộc thiểu số K’ho, điều kiện sống và tiếp cận với giáo dục còn hạn chế. Thư viện cộng đồng đem lại nhiều giá trị thiết thực cho cả các em học sinh và phụ huynh. Điều dễ nhận thấy là phụ huynh cũng an tâm để con mình vui chơi vào các dịp hè, cuối tuần khi bận lên nương rẫy. Đây cũng là một môi trường giáo dục an toàn, hấp dẫn, giúp các em tránh xa các khu vực ao hồ, sống suối nguy hiểm. 
 
Thư viện thường xuyên đón các đoàn sinh viên, các đoàn công tác xã hội về giao lưu, tổ chức các trò chơi
Thư viện thường xuyên đón các đoàn sinh viên, các đoàn công tác xã hội về giao lưu, tổ chức các trò chơi
 
Điều kiện ở Gia Bắc còn khó khăn, xa cách về mặt địa lý với khu vực trung tâm nên thư viện chính là địa điểm học tập, vui chơi lành mạnh cho trẻ em, đồng thời cũng giúp các em có điều kiện tiếp cận các trang thiết bị hiện đai.  Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để thư viện hoạt động, đồng thời tăng cường giám sát các hoạt động, đảm bảo an toàn, trật tự khi diễn ra các hoạt động, nhất là khi có sự tham gia của các đoàn khách đông người hoặc có sự tham gia của người nước ngoài. 
 
Mục tiêu lâu dài, theo anh Văn Anh, đó chính là tạo thêm sinh kế bền vững cho bà con từ cây cà phê và góp phần bảo tồn, phát triển các giá trị của tài nguyên văn hóa truyền thống. Mà giáo dục chính là nền tảng đầu tiên, để giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu được đâu là yếu tố cốt lõi tạo nên sức mạnh của cộng đồng. Và cũng chỉ có cách đó, mới có thể rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
 
Từ trung tâm thị trấn Di Linh, vượt qua con đường đèo quanh co dài hơn 40km, chúng tôi đến với Thư viện EVG. Như đã hẹn trước, Ka Trôi và đám trẻ chạy ra chào đón những vị khách lạ, không quên câu chào và nụ cười thường trực trên khuôn mặt. Sau khi giúp chúng tôi mang những thùng sách vào trong, các em nhanh nhảu giúp Ka Trôi mở những thùng sách ra, phân loại chúng để sắp xếp lên kệ. Ánh mắt chúng bất giác tròn xoe, ngắm nhìn những cuốn sách mới như mở ra cho em một thế giới mới kỳ diệu. Dáng vẻ xuýt xoa, vui mừng khi thấy một vài cuốn quen thuộc khiến chúng tôi bất giác mỉm cười và tin rằng chẳng đâu xa xôi, chính những đứa trẻ này sẽ mang theo niềm tin và sự trưởng thành từng ngày để thay đổi cuộc đời của mình và cả cộng đồng.
 
Trẻ em ở Gia Bắc có cơ hội học thêm các kỹ năng, phát huy khả năng sáng tạo của mình
Trẻ em ở Gia Bắc có cơ hội học thêm các kỹ năng, phát huy khả năng sáng tạo của mình
 
HỒNG THẮM - HOÀNG YÊN