Đội ngũ nhà giáo trước yêu cầu đổi mới

12:11, 23/11/2022
Sự phát triển của xã hội, đặc biệt đổi mới giáo dục, đội ngũ nhà giáo cần sớm đảm bảo đủ số lượng và nâng cao chất lượng mới đáp ứng những vai trò mới.
 
Những nhà giáo tiêu biểu của Lâm Đồng năm học 2021-2022
Những nhà giáo tiêu biểu của Lâm Đồng năm học 2021-2022
 
•  CHUẨN HÓA ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
 
Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nhấn mạnh: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo (GDĐT); đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân”. Thực hiện những mục tiêu của nghị quyết, đồng thời áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần nhiều nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó người thầy đóng vai trò quan trọng, quyết định. Hơn lúc nào, người thầy phải là tấm gương học tập suốt đời; nhà giáo dục chuyên nghiệp; nhà nghiên cứu thực hành; nhà canh tân xã hội và rèn luyện đạo đức. 
 
Với sự nghiệp GDĐT tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quy mô, mạng lưới trường lớp, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) được sắp xếp, kiện toàn theo hướng hợp lý, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cơ sở vật chất trường lớp được củng cố và tăng cường, số trường đạt chuẩn quốc gia đến nay là 496/607 trường (đạt tỷ lệ 81,7%). Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, các chỉ số về phát triển giáo dục đạt khá; công tác phổ cập giáo dục được duy trì ổn định; hệ thống trường lớp được quan tâm đầu tư đã góp phần làm thay đổi rõ rệt chất lượng giáo dục. 
 
Đến nay, toàn ngành đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng và cơ bản hoàn thành việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ QLGD. Đội ngũ này đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo đối với mầm non là 90%, tiểu học 79%, trung học cơ sở 89,2% và trung học phổ thông 100%. Về đầu tư cho lĩnh vực GDĐT, Lâm Đồng đã quan tâm và ưu tiên hàng đầu việc bố trí ngân sách, tổng chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 40% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Riêng giai đoạn 2015 - 2022, toàn tỉnh đã chi gần 27.000 tỷ đồng…
 
Tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp chỉ đạo một số nội dung trọng tâm đối với ngành GDĐT. Liên quan đến đội ngũ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, phải thay đổi nhận thức, tiếp cận tinh thần đổi mới của Nghị quyết 29; khẩn trương rà soát đội ngũ và chủ động nâng cao trình độ và năng lực nghề nghiệp; thường xuyên xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, dân chủ và phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo; tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… 
 
“Tôi đề nghị quý thầy giáo, cô giáo chủ động tự nghiên cứu, học hỏi để nâng cao kiến thức, cải tiến phương pháp giảng dạy, tiếp cận với thực tiễn, công nghệ mới, không ngừng nâng cao tay nghề để truyền đạt cho các em học sinh những kiến thức hữu ích nhất. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, đội ngũ các nhà giáo, cán bộ QLGD và người lao động trong toàn ngành GDĐT của tỉnh sẽ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực với nghề, tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn hạn chế, đoàn kết đồng lòng, chủ động đổi mới và sáng tạo để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang của nghề dạy học, góp phần xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng phát triển, xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và lòng mong mỏi của Nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
 
SẼ THIẾU GIÁO VIÊN CÔNG LẬP
 
Về số lượng đội ngũ, bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở GDĐT cho biết, đến nay, Sở đã thực hiện giảm số lượng người làm việc so với năm 2015 là 391 người, đạt tỷ lệ 9,9%. Năm 2022, Sở GDĐT được UBND tỉnh giao 3.615 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhưng vẫn thiếu giáo viên so với định mức quy định tại Thông tư số 16/2017 TT-BGDĐT. Năm học 2022-2023 riêng Giáo dục THPT (các đơn vị trực thuộc Sở GDĐT), Bộ Chính trị đề nghị bổ sung 44 biên chế giáo viên theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Trung ương. Theo Đề án Sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đến hết năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt, từ nay đến năm 2022 sẽ không tiếp tục giảm số lượng người làm việc đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Từ năm 2023 sẽ thực hiện kế hoạch giảm số đơn vị để giảm số lượng người làm việc, đảm bảo đến năm 2025 đạt 13% so với năm 2015. Dự kiến đến hết năm 2025, giảm 121 người (năm 2023 giảm 43 người; năm 2024 giảm 40 người và năm 2025 giảm 38 người). “Nếu xây dựng kế hoạch giảm 2,5%/năm so với số được giao năm 2022 thì từ nay đến năm 2026, mỗi năm Sở GDĐT sẽ cắt giảm 88 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp và các vị trí viên chức khác trong trường học”, bà Hải cho biết. 
 
Tuy nhiên, như đã nêu, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, ngành GDĐT đồng thời cần tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp như đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao chất lượng GDĐT, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo…
 
MINH ĐẠO