Lâm Đồng: Chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trách nhiệm của toàn cộng đồng

11:11, 20/11/2022
(LĐ online) - Lâm Đồng, với vị trí một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn hơn các thành phố lớn. Tuy nhiên, dù còn khó khăn, Lâm Đồng luôn chăm sóc, quan tâm tới trẻ em, đặc biệt các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt với tình thương, trách nhiệm và nghĩa vụ.
 
Trẻ câm điếc
Trẻ câm điếc Trường khiếm thính Lâm Đồng hát Quốc ca bằng ngôn ngữ kỳ hiệu
 
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ Điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng. Đó là các trẻ khuyết tật, trẻ mồ cô cha mẹ, trẻ có AIDS, trẻ phải kiếm sống trên đường phố, trẻ bị bỏ rơi, trẻ vi phạm pháp luật, trẻ bị mua bán…, những trẻ em rất cần được cộng đồng hỗ trợ để phát triển bình thường về thể chất và tinh thần.  
 
Tại Lâm Đồng, theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, có số lượng trẻ em dưới 16 tuổi là 337.079 trẻ (chiếm 25,94%/tổng dân số); trẻ em dưới 6 tuổi 135.472 trẻ (chiếm 10,44%/tổng dân số); trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 4.320 trẻ. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Lâm Đồng nằm rải rác khắp địa bàn tỉnh, trong đó có trẻ em là người dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Lâm Đồng luôn xác định, tỉnh luôn chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em. 
 
Trẻ được nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Đà Lạt
Trẻ được nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Đà Lạt
 
Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội. Nhờ đó, điều kiện sống của trẻ em được cải thiện; các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc ngày càng được tăng lên theo từng năm; việc bảo đảm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em được duy trì ở mức khá cao, đạt 99%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh miễn; 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý miễn phí khi gia đình và trẻ em có nhu cầu, trẻ khuyết tật được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội... Hầu hết các trường hợp trẻ em bị xâm phạm quyền, bị tổn hại được can thiệp, giới thiệu kết nối các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc kịp thời, giúp các em thoát khỏi nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc tiếp tục bị tổn hại. 
 
Giai đoạn 2012-2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã kêu gọi vận động tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh thông qua các chương trình, dự án: cấp học bổng, phẫu thuật cho trẻ em bị tim bẩm sinh; phẫu thuật sức môi, hở hàm ếch, sẹo bỏng, dính ngón ở trẻ em; hỗ trợ xe lăn cho người khuyết tật; phẫu thuật vận động cho trẻ em; hỗ trợ học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh; hỗ trợ sữa, thực phẩm dinh dưỡng; xây dựng phòng lớp học; hỗ trợ công trình nước sạch; hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19; hỗ trợ quà cho trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu.
 
Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp, trẻ em khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở  y tế công lập; trẻ em khuyết tật, phẫu thuật, phục hồi chức năng, trẻ em bị tim bẩm sinh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nhiểm HIV/AIDS đều được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước và được quan tâm chăm sóc ngày càng tốt hơn. Trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật vận động nặng được chăm sóc, chữa trị tại Bệnh viện phục hồi chức năng Lâm Đồng, trẻ điếc- trẻ thiểu năng được nuôi dưỡng, dạy dỗ tại Trường Khiếm thính, trường Hoa Phong Lan. 
 
Trị liệu ngôn ngữ cho trẻ
Trị liệu ngôn ngữ cho trẻ
 
Hiện Lâm Đồng có nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ bị mồ côi cả cha và mẹ, trẻ bị bỏ rơi. Đó là các Làng trẻ S.O.S, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trường Hoa Phong Lan, Mái ấm Mai Sơn, mái ấm Lục Hòa… Theo kiểm tra từ ngành lao động, hiện có 923 trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng công lập và ngoài công lập. Các ngành chức năng luôn kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sát sao, đảm bảo các cháu được nuôi dưỡng phù hợp, đúng luật, được dạy dỗ và được tới trường đúng lứa tuổi. 
 
Riêng đối với số trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em chưa ngoan, cả cộng đồng đã chung tay, góp sức chăm sóc, định hướng, giáo dục, động viên giúp các cháu trở thành những thành viên tốt hơn, ngoan hơn.
 
Có thể khẳng định, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng và toàn thể cộng đồng nên về cơ bản công tác bảo vệ- chăm sóc trẻ em được triển khai khá đồng bộ, các mô hình, hoạt động can thiệp phát hiện và hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em nghèo… ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Hoạt động truyền thông, vận động và giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong việc thực hiện các quyền của trẻ em đã được triển khai đến tận cơ sở, hộ gia đình, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nguy cơ lang thang, nguy cơ lao động sớm, nguy cơ bỏ học, nguy cơ bị xâm hại, vi phạm pháp luật … Nhìn chung, các biện pháp, hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của từng nhóm đối tượng đã đem lại hiệu quả tích cực.
 
DIỆP QUỲNH