Tổng chi ngân sách mua sắm thiết bị trường học từ 2019 - 2021 gần 351 tỷ đồng

11:01, 05/01/2023
(LĐ online) - Đây là số liệu vừa được ông Lưu Đại Phong - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội của HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Công tác quản lý về việc cấp, mua sắm, sử dụng trang thiết bị dạy học tại các trường học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cung cấp.  
 
Trường THCS Ka Đô, huyện Đơn Dương được đầu tư khoảng 18 tỷ đồng cho các hạng mục phòng học, phòng bộ môn, nhà đa năng sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2022 - 2023
Trường THCS Ka Đô, huyện Đơn Dương được đầu tư khoảng 18 tỷ đồng cho các hạng mục phòng học, phòng bộ môn, nhà đa năng sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2022 - 2023
 
ĐÁP ỨNG NHU CẦU DẠY VÀ HỌC
 
Tính đến tháng 11/2022, tỉnh Lâm Đồng có 496/604 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 82,1%; trong đó, mầm non đạt 84,88%, tiểu học đạt 89,04%, THCS đạt 73,89% và THPT đạt 69,64%. Về cơ sở vật chất (CSVC), có 8.640 phòng học, 1.477 phòng học bộ môn, 1.007 phòng phục vụ học tập và 1.334 phòng khác. 
 
Kết quả triển khai thực hiện Dự án mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quản lý dự án và Dự án mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 do Sở GDĐT làm chủ đầu tư như sau: Số trường được đầu tư cấp thiết bị tối thiểu lớp 1 là 256 trường/1.355 lớp/26.702 học sinh; số trường được đầu tư cấp thiết bị tối thiểu lớp 2 là 255 trường/1.448 lớp/27.132 học sinh và số trường được cấp thiết bị tối thiểu lớp 6 là 168 trường công lập, trong đó 158 trường có cấp THCS thuộc UBND huyện, thành phố quản lý và 10 trường có cấp THCS do Sở GDĐT quản lý với tổng số 647 lớp/23.155 học sinh. 
 
Từ năm 2019 - 2021, tổng chi ngân sách việc mua sắm thiết bị trường học toàn tỉnh là 350.961 triệu đồng (năm 2019 là 67.517 triệu đồng; năm 2020 là 131.720 triệu đồng; năm 2021 là 151.724 triệu đồng). Đoàn giám sát cũng cho biết, các thiết bị do Sở GDĐT cấp và địa phương tự mua, sắm đều được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh.
 
CẦN CHỦ ĐỘNG VÀ ĐẠT HIỆU QUẢ CAO HƠN 
 
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng CSVC, trang thiết bị đồ dùng dạy học hiện có của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo; thiết bị, đồ dùng dạy học còn thiếu, từ đó dự kiến vốn đầu tư để có kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng CSVC, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cấp cho các cơ sở giáo dục để đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới, sớm phê duyệt kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để triển khai thực hiện. 
 
Đối với danh mục tài sản mua sắm theo phương thức tập trung, chỉ đạo Sở Tài chính đầu năm cần đưa ra nhiều cấu hình máy móc, thiết bị và giá dự kiến để các đơn vị có cơ sở đăng ký phù hợp với nhu cầu. Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với nhân viên thiết bị, thí nghiệm cho các đơn vị trường học theo quy định tại Thông tư số 08/2019/TT-BGDĐT ngày 02/5/2019 của Bộ GDĐT. Chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng (trường học) và các đơn vị được cấp tỉnh, cấp huyện giao làm chủ đầu tư xây dựng để các công trình tại các trường học khi xây dựng đưa vào sử dụng phải bảo đảm phù hợp với nhu cầu sử dụng của giáo viên và học sinh. 
 
Đối với Sở GDĐT, Đoàn giám sát kiến nghị: Thường xuyên chỉ đạo rà soát nhu cầu thiết bị dạy học của các đơn vị để xây dựng kế hoạch mua sắm cho phù hợp với nhu cầu thực tế của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tránh lãng phí, không cần thiết. Tăng cường công tác tập huấn sử dụng thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 
 
Chỉ đạo Phòng GDĐT các huyện, thành phố thường xuyên tập huấn và chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tập huấn thường xuyên trong nhà trường đối với việc quản lý, sử dụng, bảo quản thiết bị, đồ dùng dạy học, sử dụng phần mềm quản lý tài sản, phần mềm quản lý thiết bị dạy học đã trang bị. 
 
Mặt khác, chủ động trong công tác tham mưu mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu từ lớp 3 đến lớp 5 và từ lớp 7 đến lớp 12 kịp thời vào đầu năm học. Đồng thời, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc điều chuyển, thanh lý, bán, tiêu hủy, quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản công tại cơ sở giáo dục. 
 
P.M.ĐẠO