Với mong muốn đưa những giọt mật ong tự nhiên đến với khách hàng, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Mạnh, thôn Hoài Đức, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà đã xây dựng thành công thương hiệu mật ong Sweetbee. Năm 2021, sản phẩm của anh được UBND tỉnh công nhận OCOP 3 sao.
Mật ong Sweetbee được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2021 |
Từng học kế toán thuộc Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), nhưng Mạnh lại từ bỏ công việc như chuyên ngành đã học để gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật của gia đình. Bởi theo chia sẻ của chàng trai 9X, nghề nuôi ong đã gắn bó với bố mẹ đến nay đã được gần 20 năm. Và cũng chính nghề này đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
“Bất cứ làm điều gì cũng thế, mình phải biết cách thay đổi phương thức mới có thể phát triển được lâu dài. Mình quyết định từ bỏ công việc ở thành phố để trở về quê hương khởi nghiệp bởi đó là đam mê, là những dự định ấp ủ của mình từ bấy lâu nay xuất phát từ nghề nuôi ong của gia đình. Trước đây, do bố mẹ mình còn nuôi ong theo kiểu truyền thống nên cách đây ít năm, quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, sản lượng ít. Sau khi tìm hiểu qua internet và bạn bè, gia đình mình bắt đầu xây dựng thương hiệu riêng, rồi dần dần mở rộng, thu mua mật ong của người dân”, Mạnh cho hay.
Trong câu chuyện Mạnh kể về quá trình làm nghề nuôi ong, thời gian được ở nhà ít ỏi, phần lớn, người nuôi phải đi theo các mùa hoa ở mỗi địa phương. Hành trình theo đàn ong bắt đầu từ đầu năm đến tận cuối tháng 12, và cứ thế xoay vòng. Nơi nào có hoa thơm, cỏ lạ thì người nuôi ong tìm đến. Con ong ở đâu thì con người cũng sẽ ở đó. Cứ vài tháng, gia đình lại di cư các thùng ong theo những mùa hoa. Rồi phải theo sát ong từng giờ, từng ngày ở những vùng đất mới và chăm sóc kỹ càng như chăm con thơ. Quy trình di dời đàn ong từ vùng đất này đến vùng đất khác khá phức tạp.
“Vì số lượng đàn ong khá lớn, nên gia đình mình thường phải đi các tỉnh xa để lấy mật, có khi mấy tháng không về. Do di chuyển đàn ong theo những mùa hoa nên chất lượng mật ong ở mỗi mùa, mỗi thời điểm là khác nhau. Mạnh chia sẻ, nếu nuôi ong mà không di chuyển theo những mùa hoa, để ong cố định một chỗ thì có lẽ ong sẽ đói, chết nhiều, thậm chí có đàn còn bỏ tổ bay đi lên núi. Sau mỗi lần vận chuyển đi các tỉnh xa lấy mật, thường các đàn ong sẽ yếu đi, nhiều con chết, ong chúa cũng mất khả năng sinh sản. Vì vậy, sau hơn 1 năm lấy mật, đàn ong sẽ được đưa về chăm sóc, tái tạo lại đàn. Về nguồn thức ăn và mùa hoa, nhanh nhất khoảng 15 ngày, công nhân sẽ tiến hành quay mật, sau đó đóng chai đưa ra thị trường. Đặc biệt, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh các loại côn trùng khác bám vào thành tổ ong làm hạn chế sự phát triển của đàn ong”, Mạnh giải thích.
Cũng theo Mạnh, thức ăn của ong chủ yếu là phấn hoa tự nhiên, muốn đạt sản lượng cao cần đặt thùng ong ở những nơi có nguồn hoa dồi dào. Để giữ ong trú ngụ, gia đình Mạnh dùng gỗ đóng thành nhiều thùng hình chữ nhật, đặt cách mặt đất khoảng 40 cm, mỗi thùng có 6 - 7 kèo ong. “Hiện, gia đình mình có khoảng 400 thùng ong. Mỗi năm thu về gần 10 tấn mật ong và nhiều mặt hàng, sản phẩm khác từ ong mật. Đến nay, mật ong của gia đình có các vị như cà phê, vải, nhãn... Ngoài trang trại ong của nhà, gia đình cũng tiến hành thu mua mật ong của một số hộ tại địa phương và các xã lân cận như Tân Thanh hoặc Liên Hà”, Mạnh nói.
Đối với chất lượng mật ong đưa ra thị trường, sản phẩm đều được kiểm soát từ các khâu chăm sóc đến khi chiết xuất mật thành phẩm. Đặc biệt, với những hộ được gia đình thu mua, mật ong sẽ được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về độ chuẩn của mật, đảm bảo sản phẩm khi thu mua phải tự nhiên.
Là Phó Bí thư Đoàn xã Hoài Đức, mô hình nuôi ong lấy mật của Nguyễn Văn Mạnh đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ tại địa phương đến học hỏi và phát triển kinh tế. Ngoài công tác xã hội, Mạnh thường có những buổi chia sẻ kinh nghiệm về cách nuôi ong lấy mật, cũng như quy trình chiết xuất mật ong cho các bạn đoàn viên, thanh niên có nhu cầu tìm hiểu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin