Cùng nhau bàn cách làm giàu

03:03, 14/03/2012

Hầu hết họ là những thanh niên thế hệ 8X ở các xã vùng quê thuộc huyện Lâm Hà nhưng đều chí thú làm ăn, biết vươn lên lập thân, lập nghiệp…

Hầu hết họ là những thanh niên thế hệ 8X ở các xã vùng quê thuộc huyện Lâm Hà nhưng đều chí thú làm ăn, biết vươn lên lập thân, lập nghiệp…

CLB CHĂN NUÔI TRẺ

Từ thực tế của những thanh niên làm kinh tế gia đình, đặc biệt là trang trại chăn nuôi, nhưng không có chỗ để giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn bởi ở địa phương chưa có một tổ chức hay một nơi nào đó để thanh niên ngồi lại với nhau bàn cách làm giàu. Với những trăn trở này, tháng 10/2009, Nguyễn Hữu Phương (27 tuổi, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà) đã vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi trẻ do anh làm chủ nhiệm để anh em thanh niên có nơi sinh hoạt, bàn cách làm ăn. CLB có 9 thành viên (8 người thế hệ 8X, 1 người thế hệ 7X) với nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả đến từ các xã “cụm Nam Ban”: Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh, Nam Hà, Phi Tô và thị trấn Nam Ban.
 

Nguyễn Hữu Phương đang cho cá ăn.
Nguyễn Hữu Phương đang cho cá ăn.

Nguyễn Hữu Phương cho biết: hiện CLB đã xây dựng nội quy hoạt động và các thành viên đều tuân thủ và thực hiện tốt. Cụ thể, cứ ngày 20 dương lịch hằng tháng, anh em CLB gặp nhau họp một lần để cung cấp thông tin mới với nhau, trao đổi kỹ thuật, cùng tháo gỡ khó khăn mà các thành viên gặp phải. Địa điểm họp mặt được luân phiên từng nhà thành viên để kết hợp tham quan, tìm hiểu cụ thể từng mô hình chăn nuôi của anh em. Đặc biệt, mỗi thành viên đều phải đóng quỹ CLB 300.000 đồng/tháng để giúp đỡ các thành viên khi gặp khó khăn về vốn và đến nay, nguồn quỹ này đã lên đến 50 triệu đồng.

Nguyễn Văn Hùng (28 tuổi, thôn 6, xã Gia Lâm) tâm sự: “Tham gia vào CLB chăn nuôi trẻ này mình cảm thấy rất vui, CLB tạo điều kiện để anh em giao lưu, học hỏi được nhiều điều bổ ích; anh em bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết giúp nhau về tinh thần và vật chất (nguồn quỹ CLB) để cùng vươn lên lập nghiệp”.

THU NHẬP HÀNG TRĂM TRIỆU MỖI NĂM

9 thành viên trong CLB còn có điểm chung là hầu hết đều xuất thân từ gia đình nghèo khó và tự mình biết vươn lên lập thân, lập nghiệp. Khi mới học hết cấp 2, Nguyễn Văn Hùng (28 tuổi, xã Gia Lâm) đã ra Hà Nội lăn lộn vào đời với đủ thứ nghề như mộc, sắt, nhôm kính… để mưu sinh.

Sau 4 năm lao động vất vả nhưng “chẳng được gì”, năm 2003, Hùng trở về quê cũ nuôi trồng nhiều thứ theo quan điểm “cái gì có lãi thì làm” như trồng cà phê, trồng dâu nuôi tằm, đào ao nuôi cá, nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng và thấy cái gì không lợi thì chuyển hướng… “Chiến thuật” này của Hùng đã mang lại thành công. Hiện mô hình VAC của anh trồng 1,3ha cà phê, 3.000m2 trồng dâu nuôi tằm, 4.0002 diện tích mặt nước nuôi cá, 2.000 con gà thịt… đã mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Cũng mới học hết cấp 2 như Hùng, chủ nhiệm CLB Nguyễn Hữu Phương rất chí thú làm ăn, tâm huyết với nghề chăn nuôi. Mấy năm qua, mô hình nuôi thỏ, nuôi gà, nuôi cá và nuôi chồn hương của anh đã mang lại thu nhập 20 - 30 triệu đồng/tháng. Hiện thấy thỏ không phù hợp, Phương đang chuyển hướng chuẩn bị nuôi heo nái, nuôi cá và chồn hương.

Nguyễn Quang Huy (30 tuổi, thôn 2, xã Mê Linh), vì gia cảnh túng thiếu phải rời giảng đường đại học giữa chừng ngày nào thì nay trở thành ông chủ của trại dế đầu tiên ở đất Lâm Đồng. Thương hiệu “Huy dế” với trang trại nuôi dế Thiện An đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Huy tâm sự: “Năm 2006, chỉ từ vô tình nuôi chơi nhưng không ngờ con dế bé nhỏ, dễ nuôi ấy lại gắn luôn với đời mình và giúp mình phát triển kinh tế gia đình”. Cũng giống nhiều mô hình khác, thời gian đầu “vào nghề” luôn gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng với sự chịu khó và lòng quyết tâm, tự thân học hỏi, đi tìm hiểu mô hình khắp nơi, cuối cùng Huy đã thành công. Mạnh dạn vay vốn đầu tư, hiện trên diện tích khoảng 200m2, trại dế của Huy nuôi hàng trăm kg dế, mỗi ngày xuất bán khoảng 3kg dế thịt (700 - 1.000 con/kg) với giá 150.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, những mô hình chăn nuôi của các thành viên khác như: Trần Văn Đường (27 tuổi, xã Gia Lâm), Nguyễn Hồng Phong (30 tuổi, Gia Lâm), Nguyễn Văn Sinh (35 tuổi, thị trấn Nam Ban)… đều thành công với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chị Giáp Thị Thủy - Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà nhìn nhận: Tuy mới thành lập nhưng CLB Chăn nuôi trẻ này hoạt động rất hiệu quả; ngoài làm kinh tế, những thành viên này còn hăng hái tham gia các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương. “Điều đáng quý nhất của các bạn trong CLB, bên cạnh việc năng động, sáng tạo áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, các bạn còn góp vốn giúp nhau, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội… Đây là một mô hình hoạt động hiệu quả trong phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội” của tuổi trẻ Lâm Hà, một mô hình “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” tiêu biểu được Huyện Đoàn, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng và Trung ương Đoàn tặng nhiều giấy khen, bằng khen… Đặc biệt, năm 2010, Nguyễn Hữu Phương và Nguyễn Quang Huy đã vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của” - chị Thủy cho hay.

BÌNH MINH