Tiểu khu 153, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, nhiều năm từng là điểm nóng về lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Khi chủ trương giao khoán rừng được đưa ra, không cá nhân, tổ chức nào dám nhận trông coi. Đoàn Thanh niên xã Xuân Thọ đã xung phong nhận khoán bảo vệ gần 244ha rừng tại vị trí này, giữ bình yên cho cánh rừng từ năm 2011 đến nay.
Tiểu khu 153, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, nhiều năm từng là điểm nóng về lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Khi chủ trương giao khoán rừng được đưa ra, không cá nhân, tổ chức nào dám nhận trông coi. Đoàn Thanh niên xã Xuân Thọ đã xung phong nhận khoán bảo vệ gần 244ha rừng tại vị trí này, giữ bình yên cho cánh rừng từ năm 2011 đến nay.
|
Tổ bảo vệ rừng Đoàn Thanh niên xã Xuân Thọ |
Việc gì khó có thanh niên
Năm 2011, Công ty cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên có chủ trương giao khoán bảo vệ rừng và đất rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với diện tích được giao khoán gần 244ha tại tiểu khu 153, xã Xuân Thọ, thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, nơi tiếp giáp địa phận giữa xã Xuân Thọ với huyện Lạc Dương. Chủ trương được đưa ra, thông báo tới nhân dân địa phương nhưng trong một thời gian dài không có cá nhân, tổ chức nào dám nhận trông coi, mặc dù chi phí được trả cho việc trông coi, bảo vệ 244ha này mỗi năm lên tới gần 84 triệu đồng.
Nguyên nhân là do vị trí rừng được Công ty cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên giao khoán hàng chục năm qua vốn là một điểm nóng trong việc lấn chiếm đất rừng để canh tác của người dân địa phương. Trước đó, tại khu vực này đã xảy ra không ít vụ kẻ xấu uy hiếp, đe dọa những nhân viên quản lý, bảo vệ rừng khi họ tiến hành thực thi nhiệm vụ, giải tỏa, cưỡng chế những vụ lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Câu khẩu hiệu dành riêng cho lực lượng thanh niên, chúng tôi luôn ghi nhớ và nghiêm túc thực hiện. Khi hay thông tin không có ai nhận trông coi diện tích rừng được giao khoán này, chúng tôi liền hội ý và xung phong nhận trông coi, bảo vệ 244ha rừng tại tiểu khu 153 từ năm 2011 đến nay…” - chị Đỗ Thị Mai, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Xuân Thọ cho biết.
Xác định việc quản lý, trông coi, bảo vệ rừng là nhiệm vụ hết sức phức tạp, nếu không được quan tâm đúng mức thì rất dễ dẫn đến việc người dân hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp, không hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí có thể nguy hiểm cho những người trông coi rừng bởi không ít đối tượng lấn chiếm đất rừng có thể liều lĩnh chống trả lực lượng trông coi, bảo vệ rừng. Do đó, Đoàn Thanh niên xã Xuân Thọ đã lên kế hoạch quản lý, phân chia công việc cho từng thành viên với những nội quy cụ thể, đảm bảo tính kỷ luật cao trong việc trông coi bảo vệ rừng.
Cụ thể, điều kiện để vào tổ tham gia bảo vệ rừng phải là Bí thư chi đoàn của các thôn. Mỗi lần không đi trông coi, bảo vệ rừng theo lịch phân công sẽ bị phạt 200.000 đồng. Không tham gia cưỡng chế, lấn chiếm đất rừng bị phạt 400.000 đồng. Không đi tuần tra trông coi, bảo vệ rừng quá 2 lần theo lịch trình sẽ phải ra khỏi tổ bảo vệ rừng. Hiện tổ trông coi, bảo vệ rừng của Đoàn Thanh niên xã Xuân Thọ gồm 11 thành viên. Họ đều là Bí thư chi đoàn của các thôn trong xã nên ý thức trông coi, quản lý, bảo vệ rừng lại càng được nâng cao, siết chặt.
Giữ xanh những cánh rừng
Từ năm 2011 đến nay, bất kể thời tiết nắng hay mưa, đều đặn mỗi tháng hai lần, các thành viên trong tổ trông coi, bảo vệ rừng của Đoàn Thanh niên xã Xuân Thọ lại băng trên 20km đường rừng trơn trượt, hiểm trở tới vị trí rừng nhận khoán để kiểm tra rừng.
Chị Đỗ Thị Mai, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Xuân Thọ cho biết, thời gian đầu nhận bảo vệ rừng tổ bảo vệ gặp không ít khó khăn. Đó là đường vào rừng rất khó đi lại, đã không ít lần các thành viên trong đoàn lúc vào rừng kiểm tra, bảo vệ bị té ngã dẫn đến bị thương. Thế nhưng, khó khăn hơn cả là rất nhiều người dân địa phương canh tác nông nghiệp sát rừng liên tục lấn chiếm, san ủi đất rừng để trồng cà phê. Không ít đối tượng quá khích sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng bảo vệ rừng. Để ngăn chặn tình trạng này, song song với việc kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa những vị trí bị lấn chiếm, tổ bảo vệ rừng Đoàn Thanh niên xã Xuân Thọ còn phải làm công tác vận động, tuyên truyền cho người dân địa phương về chính sách bảo vệ và phát triển rừng của Nhà nước.
Ban đầu khi tới nhà những gia đình có đất canh tác sát rừng vận động, họ không những không nhận được sự hợp tác mà còn bị chủ nhà xua đuổi, la mắng. Thậm chí, thời gian này khi phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế, giải tỏa những vùng đất rừng bị lấn chiếm, thực hiện xong là mọi người phải nhanh chân dời khỏi hiện trường để tránh xô xát có thể xảy ra do những người quá khích gây ra. Thì nay, những vụ lấn chiếm đất rừng đã giảm hẳn, nếu như thời gian đầu nhận bảo vệ rừng, có hàng nghìn mét vuông rừng bị chặt phá, lấn chiếm; nay mỗi năm chỉ có vài trăm mét bị lấn chiếm, buộc phải giải tỏa. Được vận động, tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân địa phương ngày càng được nâng cao. Các vụ lấn chiếm, hủy hoại tài nguyên rừng tại tiểu khu 153 đã giảm hẳn.
Việc nhận trông coi, bảo vệ rừng của Đoàn Thanh niên xã Xuân Thọ không chỉ là một hoạt động có nhiều ý nghĩa, từ đó giữ được sự bình yên của những cánh rừng, mà thông qua việc vận động, tuyên truyền, người dân địa phương đã từng bước giác ngộ được công tác bảo vệ rừng, vốn là lá phổi xanh của sự sống. Thông qua hoạt động này, mỗi quý một thành viên trong tổ bảo vệ rừng của Đoàn xã Xuân Thọ còn được nhận trên 2 triệu đồng từ dịch vụ chi trả môi trường rừng. Số tiền trên, các thành viên đã dùng một phần vào việc đóng quỹ hoạt động của Đoàn, hỗ trợ một số trường hợp khó khăn của xã.
Văn Báu - Khắc Lịch