Nữ bác sỹ năng động và nhiệt huyết

09:12, 10/12/2015

33 tuổi, là thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa Y học Cổ truyền, Nguyễn Thị Kiều Oanh là Phó trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch (gọi tắt là Bệnh viện Y học Cổ truyền). Ở người phụ nữ nhỏ nhắn ấy không chỉ có tình yêu và những cống hiến trong công việc chuyên môn, mà chị còn là người phụ nữ đảm đang của gia đình và là người đoàn viên xuất sắc khi khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện.

33 tuổi, là thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa Y học Cổ truyền, Nguyễn Thị Kiều Oanh là Phó trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch (gọi tắt là Bệnh viện Y học Cổ truyền). Ở người phụ nữ nhỏ nhắn ấy không chỉ có tình yêu và những cống hiến trong công việc chuyên môn, mà chị còn là người phụ nữ đảm đang của gia đình và là người đoàn viên xuất sắc khi khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện.
 
Bác sỹ Nguyễn Thị Kiều Oanh khám bệnh cho các bệnh nhân
Bác sỹ Nguyễn Thị Kiều Oanh khám bệnh cho các bệnh nhân
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, Kiều Oanh có cơ hội mà có lẽ bất cứ sinh viên Y khoa nào cũng mơ ước là tiếp tục học lên Bác sĩ nội trú - chương trình đào tạo đặc biệt dành riêng cho các bác sĩ mới ra trường và cơ hội làm việc tại thủ đô. Nhưng Kiều Oanh đã không chọn con đường ấy, chị quay trở về quê nhà và công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền. Lựa chọn đó của chị cũng khiến nhiều người bất ngờ như ngày đầu thi vào đại học chị đã chọn ngành Y học Cổ truyền trong khi bạn bè đều lựa chọn ngành đa khoa - một ngành chưa bao giờ hết “nóng”. Nhưng với bác sỹ Kiều Oanh “ngoài những lý do riêng về gia đình thì mình nghĩ rằng dù làm việc ở bất cứ môi trường nào, thủ đô hay tỉnh lẻ, chỉ cần có tình yêu và nỗ lực hết sức thì chắc chắn sẽ thu được những thành quả ngọt ngào”.
 
Bằng tình yêu và đam mê nghề nghiệp, trong suốt quá trình công tác, bác sỹ trẻ Kiều Oanh đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học hữu ích và có tính ứng dụng cao tại bệnh viện. Cụ thể như bài thuốc Lục vị quy thược đã được bác sỹ trẻ Nguyễn Thị Kiều Oanh nghiên cứu và chế tạo thành công dưới dạng viên. Trước đây, bài thuốc này chỉ được sử dụng dạng nước bốc thành thang và sắc uống để điều trị các bệnh về thể can thận âm hư, bệnh khớp và cao huyết áp… Phương pháp bào chế thuốc dạng viên của Kiều Oanh đã chứng tỏ sự tiện lợi hơn rất nhiều, nhận được phản ứng tích cực từ phía các bệnh nhân. Bởi thế, cách bào chế thuốc này của chị đã được Bệnh viện Y học Cổ truyền đưa vào áp dụng. Bên cạnh đó, chị còn có các đề tài nghiên cứu thành công khác như: nghiên cứu dùng thuốc đông y chữa bệnh loãng xương, đánh giá tác dụng bài thuốc tứ vật tiêu phong ẩm trong điều trị viêm da cơ địa… Mơ ước của bác sỹ Kiều Oanh là mang y học cổ truyền phổ biến trong cộng đồng để người dân tự chữa trị những bệnh thông thường bằng cây thuốc, cây rau quanh nhà; biết tập dưỡng sinh, xoa bóp, bấm huyệt phòng ngừa bệnh... Bác sỹ Oanh rất tâm đắc với việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Theo chị, chính sự kết hợp này đã đem lại nhiều kết quả bất ngờ, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao, hiệu quả điều trị được nâng lên rõ rệt.
 
9 năm công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền, bác sỹ Nguyễn Thị Kiều Oanh đã được đồng nghiệp và bệnh nhân tin yêu không chỉ bởi những nỗ lực của chị trong công việc mà còn bởi chị là người phụ nữ hết lòng vì gia đình. Trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Hùng Vương, gia đình ba thế hệ của chị luôn đầy ắp tiếng cười. Chị phụng dưỡng bố mẹ, chăm sóc hai con nhỏ để chồng yên tâm công tác nơi quần đảo Trường Sa xa xôi. Sự đảm đang và tình yêu lớn lao của nữ bác sỹ trẻ này đã giúp anh Hoài Nam - chồng chị thêm vững tay súng canh gác biển trời nơi biên cương Tổ quốc. Quay cuồng với công việc bệnh viện, việc gia đình, nhưng dù là thành viên Ban chấp hành chi đoàn hay khi là một đoàn viên chị Kiều Oanh vẫn thường xuyên tham gia các chuyến khám bệnh từ thiện. “Trong những chuyến khám bệnh cho bà con vùng sâu tại Đưng K’ Nớ, Đà Loan… có khi trời mưa, đường lầy lội, anh em bác sỹ phải lội bộ cả gần 7km để vào kịp khám bệnh cho bà con. Ở vùng sâu, những đứa trẻ gầy còm vì thiếu chất, thấy những người lớn bệnh đã nghiêm trọng tới mức phải nhập viện ngay mà họ vẫn không biết bệnh của mình, khi đề nghị bà con đi nhập viện ai cũng lắc đầu và chỉ nói “có tiền đâu”. Mỗi lần như thế, tôi lại thấy nhói lòng và thấy mình cần phải đến với bà con nhiều hơn nữa” - chị nói. Có lẽ bởi lý do đó mà những đợt khám bệnh từ thiện của Đoàn Sở Y tế hay Hội Thầy thuốc trẻ chưa bao giờ vắng mặt chị Kiều Oanh. Và dường như trái tim tình nguyện, sức sống thanh niên vẫn luôn cháy ngời trong màu áo blue trắng của chị.
 
Nhận xét về đoàn viên trong chi đoàn mình, anh Nguyễn Đình Hiếu - Bí thư chi đoàn Bệnh viện Y học Cổ truyền, cho biết: Dù tuổi còn rất trẻ nhưng đảm nhiệm vai trò là Phó khoa nên bác sỹ Kiều Oanh luôn nỗ lực làm tốt công việc chuyên môn cũng như công việc quản lý, luôn tiên phong gương mẫu trong công việc, dám nghĩ, dám làm, đương đầu với những khó khăn, thử thách để có được sự thành công. Oanh là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, đã nhận được giấy khen của Sở Y tế Lâm Đồng và Bằng khen hội thi Sáng tạo trẻ lần thứ I của tỉnh. Và tinh thần ấy cũng được bác sỹ Oanh mang vào các hoạt động đoàn để truyền lửa và chung sức với anh em, góp phần đưa thành tích hoạt động đoàn của đơn vị ngày càng có nhiều khởi sắc.
 
P. NHÂN - N. NGÀ