Thanh niên DTTS Bảo Lâm và vấn đề thoát nghèo

09:12, 17/12/2015

Hàng năm, có khá nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm được quan tâm triển khai; trong đó, có nhiều chương trình, dự án mà đối tượng được thụ hưởng chính là những bạn đoàn viên, thanh niên. Thế nhưng, đầu tư nhiều mà hiệu quả phát huy được lại chưa cao là thực tế đang diễn ra. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này? 

Hàng năm, có khá nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm được quan tâm triển khai; trong đó, có nhiều chương trình, dự án mà đối tượng được thụ hưởng chính là những bạn đoàn viên, thanh niên. Thế nhưng, đầu tư nhiều mà hiệu quả phát huy được lại chưa cao là thực tế đang diễn ra. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?  
 
Lựa chọn cây trồng phù hợp là hướng thoát nghèo bền vững cho thanh niên DTTS huyện Bảo Lâm
Lựa chọn cây trồng phù hợp là hướng thoát nghèo bền vững cho thanh niên DTTS huyện Bảo Lâm
Theo khảo sát hộ nghèo trong thanh niên năm 2015 của Huyện Đoàn Bảo Lâm, tại 7 xã gồm: Lộc Thành, Lộc An, Lộc Lâm, Lộc Phú, Lộc Bắc, Lộc Ngãi và B’Lá, trong tổng số 123 hộ nghèo do thanh niên làm chủ hộ thì có đến 90 hộ DTTS, chiếm tỷ lệ trên 73%. Đây là con số khá lớn khiến những người làm công tác Đoàn từ cấp xã đến huyện trăn trở. Trên thực tế, đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS nói chung và trong lực lượng thanh niên DTTS nói riêng được triển khai nhưng hiệu quả không cao. Chị Hoàng Thị Mỹ Hằng, Phó Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lâm, cho rằng: “Những năm gần đây, nhận thức của thanh niên DTTS về làm ăn, phát triển kinh tế là rất tích cực. Nhiều thanh niên đã có nhiều ý tưởng cũng như có những hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thanh niên chưa có ý thức thoát nghèo, còn trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ, đầu tư. Do đó, ngoài việc hỗ trợ kinh phí phát triển kinh tế thì công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển kinh tế để các thanh niên noi theo là việc làm rất cần thiết”. Cũng theo chị Hằng, cái khó nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn hỗ trợ thanh niên lập thân lập nghiệp. Nguồn vốn vay hay vốn hỗ trợ thanh niên hiện vẫn còn quá ít so với nhu cầu. Năm 2015, huyện Bảo Lâm bố trí 23,5 tỷ đồng hỗ trợ thanh niên, nhưng có đến trên 1.200 hộ vay. Do thiếu vốn nên việc triển khai các mô hình kinh tế trong thanh niên cũng bị hạn chế.
 
Những khó khăn trong việc giúp đỡ thanh niên DTTS thoát nghèo là thực trạng đã tồn tại lâu nay. Nhưng, khó không có nghĩa là “đầu hàng”, là buông xuôi không triển khai. Trong những năm qua, Huyện Đoàn Bảo Lâm đã và đang triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên DTTS. Các mô hình có thể kể đến là Tổ hợp tác ghép cải tạo vườn cà phê của thanh niên xã Lộc Bảo, Tổ hợp tác trồng bơ ghép tại xã Lộc Đức, Mô hình trồng lan ứng dụng công nghệ cao ở xã Lộc Quảng… Những mô hình này đã từng bước phát huy được hiệu quả kinh tế nhưng hiệu quả lớn hơn mà các mô hình đã làm được là công tác tập hợp thanh niên, hỗ trợ giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Khi đã liên kết bằng hình thức hợp tác, những thanh niên có ý chí, kinh nghiệm sẽ truyền đạt lại cho những thanh niên khác, tạo động lực cùng vươn lên. Đây cũng là cách làm mà anh Điểu Hòa, Bí thư Đoàn xã Lộc Lâm, đã triển khai cho các bạn thanh niên trong xã. Điểu Hòa là người Châu Ro, một thủ lĩnh thanh niên DTTS nổi tiếng về nghị lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng cho bản thân. Thông qua những cách làm của anh, đã tạo nên sự thay đổi về nhận thức trong cộng đồng thanh niên DTTS tại xã Lộc Lâm. Với nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm từ vườn chè và cà phê, kinh tế gia đình Điểu Hòa khá ổn định và là niềm mơ ước của nhiều thanh niên khác trong vùng. Khi cuộc sống đã ổn định, anh đã giúp đỡ những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Hiện tại, ngoài tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho những thanh niên DTTS, anh Hòa còn trực tiếp giúp 2 thanh niên DTTS khó khăn mỗi người 5 tạ phân bón, giải quyết việc làm thời vụ cho 20 lao động địa phương với tiền công mỗi ngày là 150.000 đồng/người. Bên cạnh đó, anh đã thành lập được 3 tổ đổi công, giúp nhau phát triển kinh tế, với 40 thành viên tham gia. Anh Điểu Hòa chia sẻ: “Muốn đầu tư cho thanh niên DTTS đạt hiệu quả cao thì ngoài việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật còn phải nắm được thực tiễn về nhận thức của thanh niên, từ đó có những ưu tiên và cách thức đầu tư phù hợp. Thay vì đầu tư theo cách truyền thống trước đây là hỗ trợ tiền, phân bón, cây con giống thì nên thay đổi theo hướng hướng dẫn thêm cho thanh niên cách thức làm ăn, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp và quản lý chi tiêu hợp lý. Nếu đầu tư đúng cách, đúng đối tượng thì tự thân họ sẽ có động lực để phát triển”.
 
TRỊNH CHU