Từ những cây, quả được nhiều người sử dụng hằng ngày như bưởi, chè xanh, cây sả... một nhóm sinh viên Khoa Sinh học, Trường ĐH Đà Lạt đã mày mò, đặc chế ra các sản phẩm làm đẹp, có lợi cho sức khỏe.
Từ những cây, quả được nhiều người sử dụng hằng ngày như bưởi, chè xanh, cây sả... một nhóm sinh viên Khoa Sinh học, Trường ĐH Đà Lạt đã mày mò, đặc chế ra các sản phẩm làm đẹp, có lợi cho sức khỏe.
Đó là sản phẩm bột chè xanh, các loại tinh dầu thơm... do chính tay các sinh viên làm hoàn toàn thủ công trong phòng thí nghiệm và được nhiều người sử dụng, đánh giá cao.
|
Sinh viên Nguyễn Ngọc Vinh, thành viên trong nhóm nghiên cứu đang chưng cất tinh dầu bưởi tại phòng thí nghiệm Khoa Sinh học, ĐH Đà Lạt sáng 21/5. Ảnh: C.Thành |
Lê Minh Tâm (sinh viên năm 4 Khoa Sinh học, Trường ĐH Đà Lạt), trưởng nhóm nghiên cứu gồm 10 bạn sinh viên năm 2, 3 và 4, chủ nhân các sản phẩm làm đẹp trên, kể: “Đầu năm 2015, nhóm chúng mình bắt đầu có ý tưởng bào chế các sản phẩm từ lá chè xanh thành bột chè xanh làm đẹp da, rồi các sản phẩm tinh dầu có lợi cho sức khỏe được chiết xuất từ sả, vỏ bưởi, hoa oải hương. Từ đó chúng mình lên ý tưởng cụ thể, đề xuất với các thầy cô trong khoa để tạo ra các sản phẩm hữu dụng không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu mà có thể đưa vào sử dụng trong đời sống với giá thành hợp lý”.
Gần hai năm đầu việc thử nghiệm làm các sản phẩm gần như “giậm chân” tại chỗ do gặp phải một loạt vấn đề về kỹ thuật. “Độ mịn và sáng của lá chè sau khi xay nhuyễn không đạt, thời gian bảo quản sản phẩm rất ngắn, không giữ được màu và mùi, kể cả khi pha thêm nguyên liệu khác. Tương tự như các sản phẩm bào chế từ sả, vỏ bưởi mùi cô đọng ban đầu rất thơm nhưng khuếch tán nhanh và công dụng không như mong đợi. Trong khi đó, tất cả các sản phẩm chúng mình đặt ra nguyên tắc tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản nên thời gian sử dụng sản phẩm khá ngắn... Cứ mỗi vấn đề phát sinh như vậy, cả nhóm lại phải loay hoay vài ba tháng. Trong khi đó, chương trình học chúng mình phải đảm bảo các môn khác về thời gian nên tiến độ hoàn thành sản phẩm khá chậm” - một sinh viên trong nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Hằng ngày, gần như khi có thời gian rảnh, đặc biệt là thời gian nghỉ hè các bạn đều chia nhau đi tìm mua nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ khu vực Cầu Đất cho tới các vùng chè Di Linh, TP Bảo Lộc. Tại các địa chỉ thu mua nguyên liệu, khi tiến hành bào chế ra sản phẩm có màu, mùi và các chất chưa có kết quả, nhóm lại ghi chép cẩn thận, lưu mẫu để tiếp tục so sánh với đợt thử nghiệm khác để đánh giá nguyên liệu đầu vào nơi nào tốt nhất. Và đánh giá các thành phần chất, công dụng các sản phẩm sau khi thử nghiệm, ngoài hệ thống kiểm tra an toàn của khoa, nhóm cũng gửi các mẫu tinh dầu tới Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh để có các thông số đo chính xác.
Sau mỗi sản phẩm, các bạn trong nhóm và trong các lớp Khoa Sinh học là những người đầu tiên dùng thử. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu phát phiếu đánh giá cho khoảng 100 bạn dùng thử để đánh giá cụ thể từng công dụng, những mặt được và chưa được của sản phẩm. Theo các bạn trong nhóm nghiên cứu, với các thông số chưa đạt hiệu quả cao như mùi vị, thời gian giữ mùi, nhóm tiếp tục hoàn thiện sản phẩm trong phòng thí nghiệm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô bộ môn. Tin vui là ngay ở các đợt dùng thử sản phẩm thử nghiệm đầu tiên, công dụng từ một số sản phẩm đã vượt ngoài mong đợi của cả nhóm. “Với bột chè xanh, một số bạn nữ trong khoa và thầy cô trong trường sau khi dùng thấy da mặt mịn, trắng sáng, lỗ chân lông khép kín và trị nám hiệu quả. Trong khi đó, thời gian sử dụng kéo dài 2 tháng, giá bán lại khá mềm, khoảng 25.000 - 30.000 đồng/hộp tùy trọng lượng. Còn tinh dầu được chiết xuất từ bưởi, sả, oải hương theo phương pháp cất kéo hơi nước giúp dưỡng tóc và kích thích mọc tóc hiệu quả cũng được các bạn dùng thử nhận xét tích cực. Bây giờ mỗi tuần ngoài sinh viên và thầy cô trong trường tin dùng, một số người dân biết thông tin cũng đặt dùng thử và đánh giá rất tốt” - Tâm vui vẻ cho biết.
Tiến sĩ Trần Văn Tiến, Trưởng Khoa Sinh học - Trường ĐH Đà Lạt cho hay: “Từ nỗ lực nghiên cứu ban đầu, các em đã thương mại hóa sản phẩm thành công trên quy mô nhỏ, bán được sản phẩm cho sinh viên, thầy cô trong trường và một số ít người dân bên ngoài là điều rất đáng được ghi nhận. Trong đó, điều quan trọng nhất là việc nhà trường và khoa đã mang tới cho các em một phương pháp học mới, chú trọng đào tạo kỹ năng làm việc nhóm, lý thuyết gắn với thực tiễn cũng như thái độ của các em trong quá trình giao tiếp, làm việc với người dân, doanh nghiệp khi đi tìm tòi, hoàn thiện sản phẩm”.
Thời gian tới, các sản phẩm trên sẽ được các bạn sinh viên tiếp tục hoàn thiện về mặt chất lượng, đồng thời, Khoa Sinh học cho biết đang tính tới việc đề xuất lãnh đạo Trường ĐH Đà Lạt có hướng đăng ký bản quyền, nhãn sản phẩm cũng như các quy trình chứng nhận chất lượng sản phẩm cho nhóm nghiên cứu.
Hy vọng từ ý tưởng, khát vọng của các em sẽ có doanh nghiệp quan tâm kết hợp đưa sản phẩm của sinh viên trong khoa tới tay nhiều người dùng trong thời gian tới”.
C.THÀNH