Những "trang nhật ký" sinh động

10:06, 08/06/2017

Lưu luyến những ngày cuối cấp III, sắp phải chia tay mái trường yêu dấu, chia tay bạn bè, thầy cô, đa phần các bạn học sinh đều muốn có những bức hình kỷ yếu thật đẹp, thật ý nghĩa. 

Lưu luyến những ngày cuối cấp III, sắp phải chia tay mái trường yêu dấu, chia tay bạn bè, thầy cô, đa phần các bạn học sinh đều muốn có những bức hình kỷ yếu thật đẹp, thật ý nghĩa. 
 
Hình ảnh kỷ yếu của học sinh lớp 12A4 Trường THPT Bảo Lâm. Ảnh: Tường Phu
Hình ảnh kỷ yếu của học sinh lớp 12A4 Trường THPT Bảo Lâm. Ảnh: Tường Phu
Theo trào lưu
 
Đó là câu hỏi được đặt ra khi ngày càng nhiều các lớp 12, từ thành phố cho tới các trường huyện đều tổ chức, thuê nhiếp ảnh để chụp ảnh kỷ yếu, bất chấp mùa thi đang đến gần. Bạn Trần Thị Minh Thư (học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú, TP Đà Lạt) cho biết: “Để chụp được một bộ hình kỷ yếu cuối năm, lớp em phải bàn bạc trước đó cả tháng, từ việc lên ý tưởng, chọn địa điểm, thuê trang phục, thuê thợ chụp… “Chín người thì mười ý”, mỗi bạn trong lớp đều có những ý tưởng khác nhau, như tái hiện một câu chuyện cổ tích, một chuyến phiêu lưu ở dải Ngân hà... Sau đó thì cả lớp quyết định chỉ làm hai album đơn giản, một ở tại trường và một album ngoại cảnh. Tổng chi phí cho việc di chuyển, thuê thợ, trang phục là 200.000 đồng/bạn. Ban đầu tụi em cũng muốn sáng tạo nhưng sau vài lần chật vật vì kẹt lịch học, lịch thi nên cả lớp quyết định làm đơn giản hơn, đó là những hình ảnh chân thật, giản dị, phù hợp với học sinh để sau này khi mở ra cảm xúc mình vẫn vẹn nguyên như ngày đầu”. 
 
Hiện nay, trên các mạng xã hội, thông tin về những bộ ảnh kỷ yếu “độc, lạ, bá đạo” thường xuyên được các bạn học sinh truyền tai nhau, và đó cũng trở thành tiêu chí cho các ý tưởng kỷ yếu. Anh Hoàng Cao Khánh, làm nghề nhiếp ảnh tại Lâm Đồng cho hay, ngày càng nhiều bộ ảnh kỷ yếu được đầu tư công phu, đa dạng về ý tưởng. 80% các gói anh nhận có thuê thêm chụp, quay bằng flycam. Chi phí cho những bộ ảnh như vậy có thể lên tới hàng chục triệu đồng mỗi bộ, thường gấp 2, 3 lần các gói thông thường bằng máy ảnh. 
 
Nhiều giáo viên cũng cho rằng ngày nay có nhiều học sinh có ý tưởng sáng tạo nhưng những tưởng đó dường như đã vượt xa giới hạn dành cho lứa tuổi học trò. Thậm chí có những hình ảnh “không giống ai” như bộ ảnh Chí Phèo - Thị Nở, học sinh đứng, ngồi lên bàn, tắm trong bùn lầy… khó có thể chấp nhận. Bên cạnh đó, những ý tưởng độc đáo như bộ ảnh lên án nạn bắt cóc và buôn bán phụ nữ, bộ ảnh tái hiện những năm tháng tuổi thơ… vẫn được đánh giá khá cao.
 
Hướng đến giá trị tinh thần
 
Thay vì viết nhật ký như trước đây thì việc thực hiện bộ ảnh kỷ yếu hiện nay được xem như một cuốn nhật ký sinh động lưu lại những hình ảnh đẹp của đời học sinh. Những hình ảnh này sẽ theo các bạn đến khi trưởng thành, để nhớ về một thời với bạn bè, thầy cô, trường lớp. Chụp kỷ yếu muốn đẹp thì nhất định phải có sự đầu tư, tuy nhiên, thay vì đầu tư trang phục cầu kỳ, địa điểm đắt đỏ thì các bạn hoàn toàn có thể đầu tư thêm về chất xám, ý tưởng, phong cách… Anh Khánh cho rằng, muốn thật độc đáo và khó quên thì các bạn có thể suy nghĩ đến những kỷ niệm thật đáng nhớ trong những năm tháng học sinh, sau đó mới nghĩ đến chuyện trang phục, kỹ thuật… Bởi, quan trọng hơn cả là các bạn có được những kỷ niệm thật sâu sắc với nhau, đoàn kết bên nhau. Kỷ niệm và tình cảm nằm ở trong tim nhiều hơn so với nằm trên một tấm ảnh hoặc một video.
 
Thầy Lê Phước Vĩnh Hưng (giáo viên Trường THPT Lộc Thành, Bảo Lâm) cho rằng: Giới trẻ bây giờ mang tâm lý nổi loạn, thích làm việc khác người, không “đụng hàng”. Giai đoạn này là thời điểm tập trung cho các kỳ thi quan trọng thì cũng là lúc nhiều lớp chụp kỷ yếu. Hầu hết đều do các thành viên trong lớp tự bàn bạc, thuê người chụp. Phần lớn trong các bộ ảnh đều không thấy thầy cô giáo, không phấn trắng bảng đen, không bài học, sách vở... Đâu rồi những thứ thân thuộc, gần gũi nhất? Kỷ yếu phải là những gì đẹp nhất và ý nghĩa nhất của tuổi học trò. Giờ các em sáng tạo đủ kiểu, có lẽ, đã đến lúc có những định hướng cho các em rồi.
 
Còn bạn Nguyễn Cao Hương Giang (học sinh lớp 11A10, Trường THPT Trần Phú, Đà Lạt) cũng cho rằng, kỷ yếu là dịp để bạn bè có thể hiểu nhau hơn, cùng nhau siết chặt tình cảm của những ngày tháng cuối cấp nhưng vẫn phải nhớ rằng mình vẫn đang còn là học sinh, chưa thể tự kiếm tiền thì cũng không nên đầu tư quá nhiều, phung phí quá. Đặc biệt là đừng bao giờ làm mất đi tính văn minh của môi trường học đường. Bàn ghế chẳng phải là tài sản của riêng ai để có thể tùy tiện sử dụng, nhất là việc ngồi, đứng lên nó.
 
HỒNG THẮM