Bên cạnh đảm bảo cho thanh niên thực hiện quyền và nghĩa vụ trong học tập, lao động, việc nâng cao các hoạt động xã hội với tinh thần "tự nguyện, xung kích, sáng tạo" đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương. Ðó là đánh giá của Tỉnh ủy sau 10 năm thi hành Luật Thanh niên 2005 trên địa bàn Lâm Ðồng.
Bên cạnh đảm bảo cho thanh niên thực hiện quyền và nghĩa vụ trong học tập, lao động, việc nâng cao các hoạt động xã hội với tinh thần “tự nguyện, xung kích, sáng tạo” đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương. Ðó là đánh giá của Tỉnh ủy sau 10 năm thi hành Luật Thanh niên 2005 trên địa bàn Lâm Ðồng.
|
Động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. Ảnh: Phan Nhân |
Theo báo cáo chuyên đề của Tỉnh ủy, trong 10 năm qua, các cấp, các ngành và địa phương triển khai nghiêm túc thực hiện Luật Thanh niên 2005 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác phối hợp giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện các nội dung của Luật Thanh niên được triển khai đồng bộ; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với thanh niên, tạo điều kiện phát huy vai trò thanh niên đối với gia đình và xã hội.
Qua đó, đã tổ chức hơn 300 buổi học tập, nghiên cứu quán triệt Luật Thanh niên; thành lập 25 đội tuyên truyền thanh niên và hơn 50 câu lạc bộ pháp luật trẻ với hơn 800 thành viên. Bên cạnh đó, các cơ sở đoàn đã tổ chức 250 buổi tuyên truyền và tuyên truyên lồng ghép Luật Thanh niên với các nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh.
Những kết quả thực hiện các quy định của bộ luật này trên thực tế nhằm đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên Lâm Đồng trên các mặt giáo dục, hoạt động khoa học công nghệ, lao động, bảo vệ Tổ quốc và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí…
Cụ thể, tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện miễn giảm học phí cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, khó khăn; con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình liệt sỹ có công với cách mạng; hỗ trợ vay vốn cho sinh viên và nhận bảo trợ cho hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Bên cạnh đó, các ngành đã phối hợp với nhiều tổ chức, doanh nghiệp trao học bổng cho các thanh niên nghèo vượt khó học giỏi như học bổng Vừ A Dính, học bổng Nghĩa tình Trường Sơn hay Ngăn dòng bỏ học, Quỹ Kotex… Và chỉ tính riêng trong 4 năm vừa qua đã thực hiện 3 công trình thanh niên bao gồm: Dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và nước uống trực tiếp của Trường Tiểu học Liêng Srônh, phần mềm quản lý đoàn viên tỉnh Lâm Đồng, chuyển giao thư viện điện tử khoa học công nghệ, cùng đó là việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong học tập, sản xuất, bảo vệ môi trường.
Ðáng chú ý, trong 10 năm qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và địa phương giải quyết việc làm cho hơn 313.844 lao động, trong đó đối tượng lao động thanh niên chiếm khoảng 70% trong tổng số đối tượng đã được giải quyết việc làm.
Ngoài ra, hơn 1.700 đoàn viên, thanh niên được tham gia các lớp tư vấn, hỗ trợ, định hướng việc làm. Đặc biệt, hiện đang duy trì hoạt động 52 câu lạc bộ, đội, nhóm giúp nhau khởi nghiệp, lập nghiệp; xây dựng mới 11 tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên và 96 mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên.
Hàng năm vận động 100% thanh niên trong độ tuổi tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự và đảm bảo 100% thanh niên trúng tuyển lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Bên cạnh đó, hàng năm Tỉnh Đoàn đã phối hợp, tổ chức triển khai cho đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia các phong trào, nhất là cuộc vận động thanh niên xây dựng văn minh đô thị, văn minh công sở, văn hóa trường học, văn hóa giao thông… và khuyến khích nghiên cứu, tìm hiểu học tập, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời mở rộng các thiết chế văn hóa, thể thao thu hút đông đảo thanh niên. Qua đó, toàn tỉnh đã tổ chức trên 300 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh thu hút trên 5.000 vận động viên tham gia và trên 9.000 đoàn viên, thanh niên cũng như nhân dân đến cổ vũ; hình thành 239 đội văn nghệ cồng chiêng, hơn 617 đội văn nghệ quần chúng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa nhân dân…
Cũng trong thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các chương trình, dự án nhằm giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số qua các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay vốn, giải quyết việc làm, bồi dưỡng các thanh niên dân tộc thiểu số ưu tú để tạo nguồn cán bộ quản lý, lãnh đạo. Từ đó đã có 83 thanh niên, học sinh là người dân tộc thiểu số được cử tuyển, 251 lao động tham gia xuất khẩu lao động và hàng năm có 350 lao động được tư vấn giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng Chương trình vay vốn giải quyết việc làm sau 5 năm triển khai, toàn tỉnh đã có 2.200 lao động dân tộc thiểu số được tạo việc làm mới.
Với kết quả đạt được nêu trên, theo đánh giá của Tỉnh ủy, việc triển khai Luật Thanh niên sau 10 năm có hiệu lực đã đảm bảo cho thanh niên trên địa bàn tỉnh thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong học tập, lao động, tham gia các hoạt động công nghệ, bảo vệ môi trường, tạo cho thanh niên niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.
KHẢI NHIÊN