Họ, những người trẻ, sau khi rời ghế nhà trường có kiến thức, giàu nhiệt huyết và đam mê… nên đã chọn con đường khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Họ, những người trẻ, sau khi rời ghế nhà trường có kiến thức, giàu nhiệt huyết và đam mê… nên đã chọn con đường khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
|
Hiếu (bìa trái) cùng chuyên gia nông nghiệp về chăn nuôi bò sữa đến từ Đức. Ảnh: T.H |
Ở thôn Bồng Lai (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng), những nông dân nuôi bò sữa dày dặn kinh nghiệm cũng phải thán phục chàng trai trẻ Phạm Văn Hiếu. Tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Hiếu chọn cho mình con đường khởi nghiệp ngay chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Đó là xây dựng một trang trại nuôi bò sữa giữa bát ngát đồng cỏ xanh. Mạnh dạn, Hiếu đã dùng số tiền thưởng 90 triệu từ giải nhì Cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh” do Trường Đại học Yersin Đà Lạt tổ chức và vay thêm vốn đầu tư mở trang trại bò sữa VH. Đến nay, trang trại của Hiếu đã có 13 con bò HF thuần chủng và 5 con khác đang khai thác sữa hàng ngày với doanh thu mỗi năm khoảng 350 triệu đồng. Không những vậy, trang trại bò sữa VH cũng là nơi được nhiều người đến học hỏi, kể cả các chuyên gia nông nghiệp về chăn nuôi bò sữa nước ngoài. Mùa hè vừa qua, Hiếu đã được các chuyên gia mời sang Đức để học hỏi thêm kinh nghiệm về chăn nuôi bò sữa. Đến tận bây giờ, sau khi đã thành công với trang trại bò sữa, điều tâm đắc nhất đối với chàng trai này là “không phải mình kiếm được bao nhiêu tiền mà quan trọng nhất là mình dám dấn thân, dám đi theo con đường mình đã lựa chọn”.
Còn với đôi vợ chồng Phạm Phi Cường - Lê Ánh Bình Minh (xã Đạ Ròn, Đơn Dương) thì họ “tâm đầu ý hợp” từ sự đam mê nuôi gà Đông Tảo. Khi Cường tốt nghiệp Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh còn Minh tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng chuyên ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn, thay vì làm tiếp ở những công ty có mức thu nhập cao, cả hai vợ chồng quyết định về quê mở trang trại nuôi gà Đông Tảo. Cường ra tận Hưng Yên để mua giống và học tập kinh nghiệm những người nuôi gà Đông Tảo ở đây. Từ 55 con gà giống bắt đầu nuôi vào năm 2014, sau một năm, 50 con gà Đông Tảo trưởng thành đã khiến nhiều người biết đến trang trại gà Đông Tảo Cường - Minh. Đến nay, trong 700 m
2 vườn nhà, trang trại gà Đông Tảo của vợ chồng Cường - Minh đã đem lại nguồn thu nhập 15 triệu đồng/người/tháng cho 4 thành viên trong gia đình.
Ở Đức Trọng, nhiều người biết đến Thảo Spa bởi chủ tiệm là một cô gái còn trẻ nhưng am hiểu khá nhiều về thẩm mỹ. Tốt nghiệp Đại học Yersin Đà Lạt, Thảo về nhà mở tiệm Spa với số tiền khởi nghiệp là 35 triệu đồng. Đối tượng mà Thảo nhắm đến là phụ nữ tuổi trung niên bởi theo cô, ở tuổi này phụ nữ đã có mức thu nhập ổn định nên sẽ có nhu cầu làm đẹp nhiều hơn. Để bắt đầu với tiệm Spa này, Thảo đã tham gia nhiều lớp học về thẩm mỹ ở các tiệm Spa uy tín tại những thành phố lớn. Sau một năm mở tiệm, từ số vốn ban đầu 35 triệu đồng đã tăng lên 150 triệu đồng. Hiện nay, tiệm của Thảo đã thu hút được một lượng lớn khách hàng, không những tạo ra thu nhập cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho 3 - 4 lao động.
Những bạn trẻ trên chỉ là số ít trong hàng ngàn thế hệ 8X, 9X dám thử sức và dấn thân trên con đường lập nghiệp do chính mình lựa chọn. Trên con đường ấy, có cả chông gai nhưng bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ đã và đang khẳng định hướng đi mạnh dạn, đúng đắn của mình.
TUẤN HƯƠNG